Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Đức Hồng y Grech nói về vai trò giám mục trong Giáo hội hiệp hành

img20231128wa0007800x534
 Photo: Archdiocese of Malta – Ian Noel Pace


Hôm 28 tháng Mười Một vừa qua, Đức Hồng y Mario Grech, người Malta, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã thuyết trình tại khóa họp của Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, nhóm tại La Valletta, thủ đô Malta, từ ngày 27 đến ngày 30 tháng Mười Một, về vai trò của các giám mục trong Giáo hội hiệp hành, hay đồng nghị.

Tham dự khóa họp này, có các vị chủ tịch của 33 Hội đồng Giám mục cùng với 6 đại diện của các giáo phận toàn quốc, không phải là Hội đồng Giám mục.

Đức Hồng y khẳng định rằng Thượng Hội đồng Giám mục vẫn tiếp tục là Thượng Hội đồng Giám mục, vì các giám mục vẫn còn có một trách nhiệm chủ yếu trong hành trình Thượng Hội đồng. Các vị được kêu gọi mở ra các tiến trình, làm trung gian với Tòa Thánh, và là những thực thể ở giữa Đức Giáo hoàng và các Hội đồng Giám mục quốc gia, và cả những giai đoạn đại lục của Thượng Hội đồng mà Đức Giáo hoàng muốn biến từ “một sự kiện thành một tiến trình”.

Trong bài thuyết trình, Đức Hồng y Grech tìm cách trả lời cho những quan tâm do nhiều giám mục nêu lên, về vai trò của các vị trong một Giáo hội ngày nay, được kêu gọi ở trong tiến trình lắng nghe.

Đức Hồng y Grech trả lời đi từ Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng hồi tháng Mười vừa qua, và nói rằng: “Một Giáo hội đồng hành hay hiệp hành không đối nghịch với một Giáo hội phẩm trật, không đặt lại vấn đề thừa tác vụ thánh chức, và càng không phải là một cơ cấu phẩm trật của Giáo hội”. Đúng hơn, đó là sự cần thiết của ‘một thực thể khác trong việc thực thi” sứ vụ giám mục. Vai trò không thể bỏ qua của các giám mục trong giai đoạn thứ nhất, sự tham dự của dân Chúa, vì họ có quyền được Giáo hội tham khảo ý kiến.

Đức Hồng y Grech cũng nhắc đến sự kiện có một số ít giám mục quyết định không khởi sự tiến trình đồng hành trong các giáo phận thuộc quyền và nói rằng từ chối lời yêu cầu của Đức Giáo hoàng là “một chọn lựa trái ngược với tình hiệp thông, như nguyên tắc hiệp nhất của các Giáo hội địa phương và của chính sứ vụ giám mục”.

Và Đức Hồng y Grech kết luận rằng: “Đi vào năng động đồng hành này của sứ vụ giám mục, theo tinh thần đồng hành, là mang lại một khuôn mặt cho giám mục hiệp hành. Toàn thể Giáo hội và mỗi giáo phận đều có lợi ích; mỗi Giáo hội và đoàn giám mục cũng được như vậy; thừa tác vụ giám mục và sứ vụ Phêrô, trong tiến trình đồng hành sau cùng, có thể “tìm được một hình thức thi hành quyền tối thượng, cởi mở đối với một tình trạng mới, mà không từ bỏ nòng cốt sứ mạng của mình”.

(Acistampa 29-11-2023)

Theo G. Trần Đức Anh, O.P. - RVA (01/12/2023)

277    01-12-2023