Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Đức Hồng Y Walter Kasper: Một ngày nào đó chúng tôi sẽ có thể tiếp tục chuyện trò trên thiên đàng

walterkasperben161


Để viết về mối quan hệ và những cuộc gặp gỡ của tôi với Joseph Ratzinger/Bênêđictô XVI, tôi phải viết
về khoảng hai phần ba cuộc đời mình theo đúng nghĩa đen. Con đường của chúng tôi vẫn luôn giao nhau. Chúng tôi gặp nhau vào năm 1963, cách đây đúng 60 năm, trong một hội nghị tại một học viện thuộc giáo phận ở Stuttgart. Vào thời điểm đó, ngài ấy đã là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực thần học và ngài ấy đã tổ chức - điều mà sau này chúng ta sẽ quen thuộc - một hội nghị xuất sắc về giáo lý của Bí tích Thánh Thể. Tôi là một người xa lạ, trẻ hơn ngài ấy sáu tuổi, đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Tübingen. Sau đó, chúng tôi đã gặp nhau và cộng tác trong mọi chặng đường cuộc đời, với tư cách là giáo sư, giám mục, hồng y và cuối cùng là trong tám năm dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.

Để phù hợp với một nền thần học chân chính, chúng tôi cũng tổ chức các cuộc tranh luận công khai. Tuy nhiên, nếu bất cứ ai suy luận từ điều này rằng giữa chúng tôi có sự xa cách hoặc thậm chí là thù địch, thì có lẽ họ đã hiểu biết rất ít về thần học. Trên thực tế, giống như bất kỳ một ngành khoa học nào khác, thần học cũng phát triển mạnh nhờ thảo luận, và cách để tôn vinh một nhà tư tưởng là nhờ vào cách suy nghĩ. Điều đó nói lên rằng, mối quan hệ của chúng tôi luôn được đặc trưng bởi sự tôn trọng lẫn nhau và trên hết, bởi sự bắt nguồn chung từ trong đức tin của Giáo Hội và trách nhiệm chung đối với sự hiệp nhất của Giáo Hội và sự hiệp nhất đại kết lớn hơn của các Giáo hội. Trước Lễ Giáng Sinh năm ngoái, vào ngày 10 tháng 12, tức là đúng 20 ngày trước khi ngài qua đời, Đức nguyên Giáo hoàng đã viết cho tôi một bức thư tử tế, trong đó nêu bật mối quan tâm chung của chúng tôi đối với các cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội.

Sự căng thẳng trong đó tất cả các nền thần học chân chính đều bận tâm, đó là, trung thành với nguồn gốc tông truyền bắt buộc và chú ý đến các vấn đề mới của hiện tại, một lần nữa xuất hiện trong bức thư. Về khía cạnh đó, kể từ bài học mà ngài ấy đưa ra khi bắt đầu giảng dạy ở Bonn, đối với thần học gia Ratzinger, chủ đề về đức tin và lý trí có ý nghĩa quyết định. Bất cứ ai đã gặp ngài ấy, dù chỉ một lần và trò chuyện nghiêm túc với ngài ấy, đều biết rằng ngài ấy chẳng là gì khác ngoài một người mãi mãi gắn liền với quá khứ, càng không phải là “Panzerkardinal” (Hồng y thiết giáp), như một số người đã cố gắng phác hoạ về ngài ấy. Ngài ấy là một nhà tư tưởng thần học tốt lành, nhận thức được các vấn đề, tao nhã, có chiều sâu thiêng liêng lớn lao cùng với óc hài hước nhẹ nhàng, tinh tế.

Về sự căng thẳng cơ bản giữa lòng trung thành với nguồn gốc và mối bận tâm đến cái mới, và mối quan hệ giữa đức tin và tư tưởng, giữa chúng tôi không có chút bất đồng nào. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiếp cận các vấn đề từ những góc độ khác nhau. Là một thần học gia, Joseph Ratzinger hoàn toàn được hun đúc bởi tinh thần của các Giáo phụ, nhất là của Tây Phương, Thánh Augustinô, và bởi nền thần học của thánh Bônaventura, nhà thần học Dòng Phanxicô. Còn tôi thì tiếp cận nhiều hơn từ việc nghiên cứu các vấn đề hiện đại, và rồi trong một bài tiểu luận gần đây, tôi đã đào sâu vào những tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô. Điều gần như tự nhiên là những trọng tâm khác nhau đều xuất phát từ đó, như đã tồn tại trong suốt lịch sử thần học Công giáo, và là một phần của sự phong phú từ những gì là Công giáo. Có được những cuộc thảo luận thân thiện với Joseph Ratzinger và với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô luôn là một nguồn phong phú đầy ý vị đối với tôi. Tôi đã bỏ lỡ cuộc tranh luận đó trong vài năm cuối cùng khi ngài ấy bị bệnh và bây giờ tôi sẽ nhớ về ngài ấy mãi mãi.

Việc một đồng nghiệp cũ trở thành giáo hoàng là một trải nghiệm đặc biệt mà có lẽ rất hiếm có. Đối với tôi, điều đó đã rõ ràng ngay từ giây phút đầu tiên: bây giờ chúng ta cần sự trung thành. Khi còn ở trong nhà nguyện Sistine, Đức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô nói với tôi: “Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau bước đi trên con đường hiệp nhất”. Đúng là như thế và sự cộng tác đã làm tốt nhất phần việc của nó. Có một số thời điểm khó khăn trong triều đại Giáo hoàng mà tôi đã có thể đóng góp phần nào đó vào việc làm cho sóng yên biển lặng và khắc phục những khó khăn trong giao tiếp với những người đối thoại đại kết, chẳng hạn với Tuyên ngôn Dominus Iesus, hoặc với người Do Thái. Trên hết, điều vốn cần thiết trên hết là để xóa bỏ vạ tuyệt thông đáng tiếc cho nhóm Lefebvre và người xem nhẹ tội ác diệt chủng Do Thái là Williamson. Lỗi không phải do giáo hoàng mà bắt nguồn từ một thảm họa truyền thông trong Giáo triều Rôma, điều đã gây nên những hậu quả không dễ khắc phục trước sự phẫn nộ của công chúng.

Bây giờ, sau cái chết của Đức Giáo Hoàng, tôi vui mừng nhớ lại những cuộc trò chuyện tốt đẹp mà chúng tôi đã có về những vấn đề này và những vấn đề khác. Tôi có cảm tưởng rằng Đức Giáo Hoàng cũng thích có một cuộc thảo luận thần học đích thực, và thích đạt được sự đồng thuận theo cách này. Bây giờ Đức Bênêđictô đã được gọi về Nhà Cha, một giai đoạn dài của cuộc đời tôi cũng đã kết thúc. Do đó, tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ có thể lại gặp nhau trên thiên đàng và tiếp tục cuộc trò chuyện của mình, mặc dù theo một cách hoàn toàn khác.


Tác giả: Đức Hồng Y Walter Kasper - Nguồn: L'Osservatore Romano (20/01/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

304    26-01-2023