Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Đức Kitô đang bị xúc phạm mỗi ngày

Đức Kitô đang bị xúc phạm mỗi ngày


 
Khi Tòa Thánh Vatican thông báo lịch trình Đức Giáo Hoàng Benedicto thứ 16 đi thăm viếng Thánh Địa Giêrusalem thì dân chúng tính từng ngày, từng giờ và lên kế hoạch gặp cho bằng được. Ai ai cũng ước ao được nhìn thấy Đức Giáo Hoàng, diễm phúc hơn được bắt tay, hôn nhẫn, được chụp hình với vị cha chung đáng kính. Điều đó cũng phản ảnh tâm tình tôn thờ Thiên Chúa của con người.

Nhưng có một người còn cao trọng hơn cả Gioan Tẩy giả, người mà ngày đêm mong chờ chúng ta đến nhưng chúng ta không đoái hoài, đó là CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Có lẽ vì không ai thấy Chúa Giêsu nhãn tiền nên riết họ trở nên coi thường chăng? Đây là vấn nạn trong mọi thời đại, cách đặc biệt trong thời của chúng ta. Khi tìm hiểu nguyên nhân chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu đang bị coi thường mỗi ngày từ các thừa tác viên không chu toàn sứ vụ, sống thiếu thánh thiện; từ sự giáo dục không đến nơi đến chốn; từ phô trương chính mình hơn là phụng vụ Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

ruoc-le.jpg 

 

Thừa tác viên giáo sĩ và giáo dân, những người đang trực tiếp đụng trạm đến Thánh Thể mỗi ngày. Trong khi rất nhiều người cố gắng sống thánh thiện hơn để xứng đáng khi đụng chạm tới Thánh Thể Chúa thì nhiều người lại coi việc đó như một thói quen, như một cơ hội để bày tỏ mình ra với người đời. Hãy cân nhắc kỹ lời Đức Giêsu nói: “Phàm ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy.” (Mt 10,32). Như vậy, ai tự muốn bày tỏ mình trước thiên hạ thì Chúa Giêsu biết thế nào để tuyên xưng họ trước mặt Chúa Cha đây? Bởi vậy, có những linh mục có vợ con nhưng vẫn dâng lễ hàng ngày. Dĩ nhiên thiên chức linh mục là vĩnh viễn; nếu có ăn ở với ai thì xưng tội là hết. Song lương tâm của người lãnh bí tích Truyền chức thánh thì phải sống cho xứng đáng mỗi khi cầm, đụng chạm tới Mình Máu thánh Chúa Giêsu. Có thừa tác viên giáo dân trao Mình Thánh, khi đang sử dụng biện pháp tránh thai thì còn xứng đáng không? Đã phạm tội trọng thì tốt nhất đừng lên trao Mình Thánh. Nhiều giáo dân sống như vợ chồng với người tình mà vẫn lên rước Chúa. Có người lý lẽ theo cách suy nghĩ của mình rồi tự cho mình không có tội. Có người bỏ vợ hoặc chồng đi ôm người này kia thế mà vẫn lên rước Chúa. Chỉ vì không lên rước sợ người ta nghĩ mình có tội. Các cô, các chị đang ngừa thai nhân tạo mà vẫn lên rước Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu đang bị khinh thường mỗi ngày. Người ta chỉ coi việc rước Chúa để cho người khác nhìn thôi.

Đây có thể là nguyên nhân của việc không được học giáo lý đến nơi đến chốn. Đi lễ, tôi luôn bị chia trí bởi những phó tế không chuyên (phó tế có vợ, phó tế vình viễn. Còn phó tế chuyên nghiệp sắp làm cha được đào tạo hẳn hoi, thì ngon rồi). Nhìn cách phó tế không chuyên này san Mình Thánh ra chén thôi mà mình thấy như đang bốc bánh vậy. Không có sự tôn trọng nào. Không biết ông, có biết ông đang bốc cái gì không? Giả sử như Chúa Giêsu hiện nguyên hình thì ông có dám bốc như thế không? Mỗi lần đi lễ, hành vi phó tế vô nhà nguyện giữa lúc cộng đoàn đang chăm chú đọc kinh thì phó tế bước lên bàn thờ, đến nhà tạm lấy Mình Thánh ra bới bới như đang đếm. Cứ cho đây là phát minh tự phát của cá nhân ông đi. Chẳng lẽ cái đầu ông chỉ để nhớ những con số bảo hiểm (vì ông bán bảo hiểm, hỏi giá bảo hiểm loại nào ông cũng nhớ) đến nỗi không thể nhớ được tuần trước trong nhà tạm còn nhiêu Mình Thánh nữa sao? Mà cho dù đầu ông tối đi nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy một linh mục, tu sĩ nào làm như vậy bao giờ. Hành vì này là sự khinh thường Chúa Thánh Thể thôi. Nếu tôn trọng, chắc chắn ông không bao giờ dám đến gần chứ đừng nói là đếm đếm. Nhưng ở nhà thờ chính thì không bao giờ thấy ông dám làm vậy, những hành vì này hay thấy khi phó tế vĩnh viễn làm một mình nơi họ đạo nhỏ hoặc thiếu vắng linh mục. Hay đây là cách tự phô trương chính mình.

Giáo Hội nên thận trọng với loại phó tế không chuyên này. Tôi chưa thấy cha nào trong lúc cộng đoàn đang lần hạt lại đi từng bàn khắp nhà nguyện bắt tay, chào hỏi từng người gây chia trí cho nhiều người. Hay hình như phó tế không cần thờ phượng Chúa nên không tham gia đọc kinh với cộng đoàn mà toàn đứng nói chuyện? Đó là chuyện chỉ có ở các phó tế vĩnh viễn thôi. Quay trở lại với thừa tác viên trao Mình Thánh còn nhiều chuyện ngạc nhiên hơn. Có một thừa tác viên trước khi ra trao Mình Thánh thì xức nước hoa vào tay làm cho Mình Thánh bị thấm nước Hoa vào miệng người chịu lễ rất khó chịu. Nếu để ý kỹ sẽ thấy trong giới trao Mình Thánh có sự đố kỵ nhau rõ rệt. Tranh nhau đứng gần cha; tranh nhau bốc bánh chia ra chén; tranh nhau cất hoặc lấy Thánh Thể Chúa. Tôi dùng từ bốc và lấy để thấy rõ sự khinh thường Chúa.

Theo luật Giáo Hội, chỉ có những ai có chức thánh mới có quyền đặt và cất Mình Thánh Chúa. Thế mà, họ tranh nhau. Hôm đi lễ Mỹ, có năm bà thừa tác viên Thánh Thể: hai Việt Nam, ba Mỹ. Khi rước lễ gần xong thì một bà Việt lên tráng chén. Bà đợi hai bà Mỹ còn lại lên rồi cất luôn một thể. Khi hai bà Mỹ bê chén thánh lên, gần tới nơi thì bà Việt Nam ra đón thì cả hai bà Mỹ né sang một bên và bê thẳng vào trong. Bà Việt cất Thánh Thể vào nhà tạm thì bà Mỹ ra cầm chén rượu của cha đi vào trong tráng. Đến đây cho tôi nhiều câu hỏi lắm. Kỳ thị chăng? Mày cũng giống tao, sao tao phải đưa mày tráng? Không biết khi đào tạo, người dạy chỗ này thế nào? Đối với các tu sĩ, tôi chắc chắn không cần dạy họ vẫn biết cách tôn trọng Thánh Thể Chúa. Nhưng tôi tự hỏi trách nhiệm của linh mục ở đâu lúc này? Ông ngồi nghỉ cho mấy bà tranh giành, cấu xé Chúa sao?

Một hôm đi lễ, chẳng biết lý do gì không có cha ra dâng lễ. Sau khi lần xong 50 kinh, một bà (nghe nói là thừa tác viên Thánh Thể) đứng lên tuyên bố: Hôm nay không có cha làm lễ, chúng ta rước lễ xong về. Thế là bà ta lên lấy Thánh Thể ra trao mỗi người rồi ai nấy vui vẻ về. Có cô cho rước lễ, các em lên đặt chéo tay. Cô cầm Mình Thánh lễ trao qua đầu em ấy cho người ở sau. Đến tôi, cũng có một em ở trước nên tôi cứ theo thứ tự, nên không nhận. Bà lấy tay đang cầm Mình Thánh đẩy em qua một bên. Chẳng biết cô ta có nhớ lời Chúa Giêsu nói với các môn để: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy” (Mt 19,14). Cẩn thận đấy, đụng đến chúng là buộc cối đá đẩy xuống biển vì nước trời là của chúng đấy (x Mt 18,1-11). Có linh mục làm biếng giao Mình Thánh cho giáo dân đem về nhà trao cho người nhà. Không biết các cha có nghe câu chuyện: ông nhà nghèo đi rước lễ. Khi xuống dưới, ông âm thầm lấy Thánh Thể ra bỏ vào tùi đem ra ruộng đào lỗ chôn. Ông nghĩ Chúa ở trong ruộng ông Chúa sẽ làm cho ruộng ông trúng mùa. Thế nhưng ông thất mùa, ông đến chửi cha xứ thậm tệ. Vâng, người ta làm đủ cách để hạ bệ Chúa hầu tự tôn vinh mình lên. Có người bê Mình Thánh đi vòng vòng ai thiếu bốc thêm cho ít. Lúc đứng không, rảnh thì lấy tay bới bới, bốc lên thả xuống.

 

Một ông cha xứ đi dâng lễ đám ma tại gia. Vừa kết lễ, ông trùm cầm Mình Thánh cho vào túi đồ đem về nhà thờ. Cha vừa cởi áo lễ ra không thấy Mình Thánh đâu thì bỏ chạy theo ông trùm. Cha đã khóc thảm thiết vì người ta coi Thánh Thể như đồ vật, đưa đi lại mà không hề có sự tôn trọng gì. Họ không cảm nhận được Thánh Thể chính là Chúa Giêsu. Họ cứ nghĩ như cái bánh. Nhưng có người lại tôn trọng cách thái quá. Ở một số nơi cho rước lễ dưới hai hình bánh và rượu. Nên một số có tư tưởng phải uống cho bằng được rượu. Có một cụ già đi trước tôi, bà cụ uống quá hớp hay sao đó. Vì thừa tác viên trao ly rượu cho bà, bà uống một hớp rồi bỏ ra. Bà lại đưa lên miệng và nhả vào ly vì quá nhiều hay sao đó. Một số ông sau tôi chửi lẩm bẩm rồi bỏ đi. Thừa tác viên bực mình lắm.

Và đằng sau tôi, ai cũng biết nên bỏ đi qua hết. Thực sự, tôi cũng hiểu thừa tác viên chưa học cách xử lý trường hợp này. Cuối cùng, bà đi vào trong. Tôi cứ phân vân và nhớ câu chuyện: ngày xưa, một vị linh mục đi trao Mình Thánh cho bệnh nhân. Bệnh nhân vừa rước Mình Thánh vào thì ói ra hết. Vị linh mục từ từ quỳ xuống, lấy áo thâm chùng chùm qua đầu che đống ói đi. Không biết linh  mục làm gì? Nhưng khi linh mục đứng lên thì không còn cái gì hết. Theo luật Giáo Hội, khi linh mục trao Mình Thánh mà bệnh nhân ói ra thì linh mục có thể xử lý bằng nhiều cách: đem chôn gốc cây chẳng hạn. Việc rước lấy Mình Thánh Chúa bị ói ra đã là hành động anh hùng của đức tin rồi. Những người đứng đó hết sức xúc động, cảm kính trước niềm tin vững mạnh của vị linh mục vào Thánh Thể Chúa. Sự thản nhiên và niềm vui vẫn cứ rạng rợ trên khuôn mặt của linh mục đó.

 

Khi chúng ta quỳ xuống trước Thánh Thể Chúa, chúng ta sẽ thấy anh em mình trong Chúa Giêsu. Khi chúng ta rước Chúa vào lòng là đang rước những người anh em đủ màu da, ngôn ngữ, đầy những tính hư nết xấu của họ vào lòng ta để ta đồng cảm và chia sẻ cuộc đời với họ. Khi đó, những đố kị, ghen tương, ích kỉ, hận thù, chia rẽ, chán nản, buồn bực, vui mừng…đều được chia sẻ trong tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi đó, ta mới thấy mình bé nhỏ, hẹp hòi, ích kỷ, kiêu căng nhưng lại đầy tình thương Chúa. Còn anh em của chúng ta? Họ bất hạnh, bại liệt, đui mù, bệnh tật, nghèo đói, rách rưới, trần truồng, khổ sở, tội lỗi nhưng vẫn đang chịu biết bao bất công trong xã hội. Sao ta không tạ ơn Chúa, người đã không để ta khốn cùng, mà yêu thương ta kể cả khi ta tội lỗi, khi ta dư dật mà vẫn khép lòng mình lại trước những nỗi đau, bất hạnh nơi anh em ta, một thân thể màu nhiệm trong Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô? Biết đâu có một Đức Kitô đang ẩn mình trong đám người trần trụi, bất hạnh mà ta gặp mỗi ngày ngoài đường, xó chợ chăng?

 

Ngày nay, chúng ta không thể chối bỏ sứ vụ của thừa tác viên trong phụng vụ và phục vụ. Vai trò của thừa tác đã đóng góp tích cực trong việc loan truyền lời Chúa và sống Phúc âm giữa đời. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến việc một số không nhỏ các thừa tác viên có những hành vi coi thường Thánh Thể: như cựu Hồng Y Theodore McCarrick; cựu tổng giám mục Emmanuel Milingo của Tổng giáo phận Lusaka Zambia-Châu Phi người đã kết hôn với bà Maria Sung -Nam Hàn; như ông linh mục cựu chánh xứ nhà thờ lớn ở Quận 3 ở Sài thành mà người người đồn rằng đã có vợ con; và những linh mục ăn cơm bá tánh, ăn cơm nhà Chúa đi làm việc ngược lại thánh ý Chúa và Giáo Hội. Họ, những linh mục thờ hai chủ vẫn ngày ngày dâng lễ tế lên Thiên Chúa, vẫn đồng tế. Chắc chắn, của lễ của mỗi người giáo dân đều được Thiên Chúa nhận lời nhưng của lễ của những con người đó thì đối với chúng ta chỉ là sự phạm thánh mà thôi. Nhưng lạ một điều là chúng ta vẫn cứ xin lễ, thân thiết, tôn trọng con người ấy. Chúng ta có quyền tự do chọn lựa và hành xử.

Vậy chúng ta có thể đi xin lễ một linh mục khác, thánh thiện, và là người của Thiên Chúa thì của lễ của chúng ta dâng đẹp hơn nhiều. Chúng ta phải tẩy chay, chống lại những linh mục đó để không ảnh hưởng đến đức tin và đời sống của chúng ta. Đồng thời cho các Giám mục bản quyền biết mà có hướng xử lý những con người … này để làm gương cho các linh mục khác. Cũng là để tránh tình trạng sẽ tái diễn những linh mục hổ mang trong tương lai. Một doanh nhân khá nổi tiểng và còn được tiếng là thân cận với rất nhiều linh mục kể: anh ta đi lễ đến phần dâng MÌNH THÁNH.

Tự nhiên anh ta nhớ lại cảnh người linh mục đang dâng của lên trên bàn thờ, người mà từng ngồi trong phòng VIP Karaoke với bàn tay vàng, dơ bẩn đang đụng chạm vào Thánh Thể Chúa. Anh ta kinh tởm quá chịu không nổi bỏ lễ về luôn. Có lẽ anh ta không chấp nhận tội lỗi nơi con người linh mục. Hoặc anh ta đòi hỏi quá đáng nơi con người linh mục chăng? Thưa không, chúng ta ai cũng chấp nhận sự yếu đuối của thân phận nô lệ, tội lỗi nơi con người chúng ta, các linh mục nhưng chúng ta không chấp nhận một linh mục yếu đuối trong dục vọng. Nếu linh mục không dây dưa vào những chốn nguy hiểm thì làm sao có cơ hội phạm tội? Nếu linh mục sống gắn bó với Chúa trong từng phút của cuộc đời và chuyên chăm cầu nguyện, lo chu toàn hết sứ vụ như cha thánh Jean Marie Vianey, như cố Hồng Y Thuận, như cha Phanxico Trương Bửu Diệp, như Đức cha của người cùi Jean Cassaigne, như linh mục, Sida, Augustino Chung, một bác sỹ Phật giáo  
hddaminhthanhlinh.net …  thì làm sao có giớ phạm tội.

Vâng, ngày nay linh mục có đủ lý do để biện minh, viện cớ, lý giải cho hành vi của mình. Nào là giải trí, thư giãn, hòa đồng, xâm nhập đời, sống như đời thường, sống với đời để hiểu đời nhằm phục vụ Chúa và Giáo Hội tốt hơn.

Ngày nay, rất nhiều linh mục trẻ đang lợi dụng ngày nghỉ mỗi tuần vác vali nghỉ dưỡng, chè chén rồi qua đêm ở nhà bạn nơi có vợ, con bạn. Bảo yêu thương Bà Cố, mẹ mình nhất nhưng lại không về nhà với Bà Cố dù nơi ăn nhậu cách Bà Cố 2km và có xe hơi hẳn hoi. Chơi với bạn thì vui hơn, được ăn ngon, được nhậu, xả stress được vợ bạn phục vụ cơm nước ngon lành, lại hòa đồng thoải mái được vợ bạn xưng anh em, được bá vai bá cổ. Thoải mái thật!

Vâng, nhưng liệu các lời lý giải có giải thích cho việc linh mục trước những cam dỗ của Satan và có biết trước hậu quả; có đảm bảo mình không sa ngã không; có chắc rằng mình vào đời để cứu đời, để kéo các linh hồn về với Chúa không, hay lại bị đời lôi kéo vào sa đọa? Nguyên cứ ăn nhậu thì tâm trí nào cho kinh hạt, cho buổi đêm tĩnh lặng để lòng mình trở về với Chúa và lắng nghe tiếng Chúa được? Một khi đã sa ngã, các linh mục có dám can đảm đứng lên đi tiếp những chặng đường còn lại của đời mục tử không? Hay lo tìm cách che dấu, che mắt thiên hạ để rồi cứ sống trong tội lỗi và cứ dâng lễ mỗi ngày? Cũng như cựu giám mục Milingo đi vào nhà thờ ở Ý dự lễ rồi cùng vợ lên rước lễ. Cha Francis nhìn thấy, đặt tay lên đầu và chúc lành chứ không trao Mình Thánh.

Một cựu linh mục 50 tuổi kể: Anh ta theo một cô ca viên trong xứ rồi bỏ trốn. Và anh ta đau khổ vì 16 năm nay không được rước Chúa vào lòng. Ngày đêm anh ta khao khát được rước Chúa. Nhưng lòng can đảm của anh ta dám nhận tội. Lý lẽ của anh ta là mình là con người và nếu giáo dân phạm tội dám đến thú tội với Chúa tại sao mình không dám. Lòng can đảm này có lẽ làm Chúa hài lòng hơn những linh mục sống bề ngoài nhưng trong lòng cứ trốn chui trốn lủi trong đống tội lỗi. Khi xưa Adam-Eva, khi phạm tội tìm cách lẩn mặt Chúa. Nhưng linh mục ngày nay khi phạm tội thì ngang nhiên sống trong tội lỗi như không có sự hiện diện của Thiên Chúa vậy.

 

Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể cách im lặng để cho ta đón rước vào lòng và đem Chúa vào trong đời sống của ta. Chúa vẫn im lặng khi ta xúc phạm đến Ngài để ta còn cơ hội ăn năn. Ngài vẫn chậm giận lại giàu tình thương để cho ta được dồi dào ơn thánh và để ta nên công chính mà sống thánh thiện trước nhan Ngài. Ý thức như thế, chúng ta sẽ chối bỏ tội lội, yêu thương Chúa qua yêu người thân cận để chúng ta không ai còn coi thường Mình Máu thánh Chúa Giêsu.

 

Thiên Ân

1009    09-06-2021