Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Đức Maria, người phụ nữ thánh thể

 

Bí tích Thánh Thể như là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Bí tích Thánh Thể là bí tích để cử hành, để sống và chiêm ngắm.

Trong Tông thư “Ecclesia de Eucharistia” (Giáo Hội bởi Thánh Thể), thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi: “Đức Maria là người phụ nữ của Thánh Thể với toàn vẹn đời sống của Mẹ. Giáo Hội khi ngước nhìn Mẹ như là mẫu gương, được mời gọi bắt chước Mẹ ngay cả trong tương quan của Mẹ với bí tích cực thánh này” (EE 53).

Hôm nay chúng ta suy ngắm dung mạo Đức Maria như là người phụ nữ Thánh Thể. Tại sao Đức Giáo hoàng gọi Đức Maria là “người phụ nữ Thánh Thể”? Chúng ta có thế tìm thấy ít nhất là lý do thần học nền tảng giữa Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ hiện diện trong Phép Thánh Thể và Đức Maria.

1- Đức Maria và Chúa Giêsu

Mối liên hệ thứ nhất giữa Thánh Thể và Đức Maria hệ tại trong mầu nhiệm nhập thể. Bởi lẽ, nhờ hoạt động quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Maria ban tặng cho Đấng Tối Cao nhân tính. Nghĩa là thân xác con người của Chúa Kitô chính là thân xác của Đức Maria. “Mình và Máu” của Chúa Giêsu được hiến dâng trên thánh giá vì ơn cứu độ loài người đến từ Đức Maria. Trong bí tích Thánh Thể, Mình và Máu của Chúa Kitô ở trên bàn thờ chính là chính Mình và Máu đó đã được sinh ra bởi Đức Maria cũng sẽ được ban tặng như là “Của Ăn và Của Uống” cho các tín hữu trên bàn thờ, trong bí tích Thánh Thể như Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt Ta và Uống Máu Ta thì sẽ được sống đời đời” (x. Gv 6, 35-51), nghĩa là được tham dự vào chính sự sống của Người ngay tại thế này.

Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ không có Bí tích Thánh Thể nếu không có mầu nhiệm nhập thể và sự cộng tác của Đức Maria. Thánh Augustinô quả quyết: Caro enim Jesu, caro Mariae est – thân xác Chúa Kitô thuộc thân xác Đức Maria (Serm. De Ass. B.M). Bởi lẽ Đức Maria là Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, bằng xương bằng thịt như chúng ta. Chính Mình và Máu Người mà chúng ta đón nhận từ tay linh mục, dưới hình bánh rượu cũng chính là Mình và Máu của Chúa Giêsu được cưu mang và nuôi dưỡng từ lòng Mẹ và cánh tay ấu yếm của Mẹ.

2- Đức Maria và Thánh Thể

Lý do thứ hai của Đức Maria với Thánh Thể hệ tại trong một đời sống toàn vẹn của Mẹ và trong thái độ sống nội tâm mà Mẹ hoàn toàn gắn bó với Con Người Đức Kitô và với các mầu nhiệm của Người.

Thật thế, Đức Maria là người đầu tiên và duy nhất của Tin Mừng, đã tham dự vào các biến cố chính yếu của ơn Cứu độ. Mẹ đã sống tinh thần và linh đạo của Bí tích Thánh Thể trước khi Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Mẹ đã sống bí tích Thánh Thể với toàn thể cuộc sống của mình. Người nữ Thánh Thể đó đã sống trong chiều sâu thẳm nội tâm các biến cố cứu độ: khởi đi từ biến cố Truyền Tin, khi Mẹ thưa “Vâng” để dâng hiến chính mình và cuộc sống cho sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa; đến khi thăm viếng người chị họ mình là Êlisabét, Mẹ là “nhà tạm đầu tiên” đã cưu mang và mang Chúa đến cho anh chị em mình, cho thế giới; rồi những ngày sống với Chúa Giêsu tại thế, Mẹ đã sống với bằng một thái độ mà thánh Luca và thánh Gioan đã định nghĩa bằng một cụm từ rất chính xác là “Mẹ lắng nghe tất cả và suy gẫm ở trong lòng” (x. Gv 2,5; Lc 2,19.51). Và tinh thần hy sinh của Mẹ được thể hiện cách tuyệt vời khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá, khi chứng kiến cái chết tức tưởi của Con mình. Cùng với Con, Mẹ cũng đã hiến dâng hết mọi hy sinh và đau đớn của mình như là “của lễ” vì ơn cứu rỗi của nhân loại. Mẹ là người đã tham dự một cách sâu xa nhất vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô.

Sau biến cố phục sinh, Mẹ cũng đã hiện diện và tham dự “lễ bẻ bánh” với các Tông Đồ và Giáo Hội sơ khai khi họ họp nhau để cử hành “nghi lễ tưởng nhớ đến Người” trong ngày lễ Ngũ Tuần cũng như sau ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nhiều Giáo Phụ đã chắc chắn rằng Mẹ đã đón nhận “Mình Thầy và Máu Thầy” với các Tông Đồ trong những giờ phút cử hành như thế.

Bởi vậy, tương quan giữa Đức Maria và Thánh Thể được xây dựng trên toàn thể đời sống của Mẹ và trên sự tham sự cách sống động và thánh thiện vào hy lễ Thập Giá của Đức Kitô trên đồi Golgota và nay được tái hiện cách sống động trên bàn thờ mỗi ngày mà Giáo Hội cử hành.

3- Đức Maria và phụng vụ Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể là hiện tại hoá mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Chính vì thế, nơi bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện cách thực sự và hữu hình dưới hình bánh và rượu, Đức Giêsu đó cũng chính là Đức Giêsu Nadarét, Con của Đức Maria cách đây hơn hai ngàn năm.

Bởi thế, mỗi khi Giáo Hội cử hành phụng vụ, nhờ sự hiện diện bí tích của Đức Kitô, và nhờ mối tương quan “huyết thống” mật thiết giữa Đức Maria và Chúa Giêsu, chính lúc cử hành Thánh Thể này, Đức Maria cũng hiện diện lúc đó và nơi đó giữa cộng đoàn Giáo Hội đang cử hành.

Sự hiện diện này cũng giống như sự hiện diện của Mẹ tại Tiệc Ly, tại Núi Sọ và trong ngày lễ Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết Mẹ và Các Tông Đồ đã cử hành các buổi cầu nguyện, “nghi lễ Bẻ Bánh” với cộng đoàn Kitô hữu sơ khai với niềm vui và sự đơn sơ của con tim (x. Cv 2,46).

Nếu bí tích Thánh Thể là “sự tưởng nhớ cái chết và phục sinh” của Chúa Giêsu (SC 47), thì trong việc cử hành này chúng ta cũng phải nhớ đến sự cộng tác cứu độ của Đức Maria trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu và hiệu quả của ơn cứu độ do Chúa Kitô mang lại được thể hiện rõ nét nơi Đức Maria và các thánh qua phụng vụ.

Như thế, Đức Maria không chỉ là người phụ nữ của lịch sử quá khứ để chiêm ngưỡng và bắt chước như là mẫu gương tuyệt hảo, Mẹ còn là một người đang hiện diện sống động và đặc biệt cùng với Con Mẹ, trong phụng vụ Thánh Thể. Ở đó Mẹ hiện diện, tham dự và cầu bầu cho chúng ta. Mẹ hiện diện với Giáo Hội như là Mẹ của Giáo hội, trong từng việc cử hành Thánh Thể của chúng ta (x. EE 57).

Kết luận

Cũng như Đức Maria đã sống và đã làm, tất cả mỗi người Kitô hữu được mời gọi sống mầu nhiệm Thánh Thể với sự tận tuỵ lắng nghe và suy ngắm Lời Chúa. Noi gương Đức Maria, chúng ta hãy để cho Lời Chúa và lương thực Thánh Thể thực sự trở thành lương thực hằng ngày nuôi dưỡng chúng ta; Lời Chúa và Thánh Thể phải thực sự là ánh sáng, là men và muối biến đổi và soi sáng cho cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.

Bởi thế, tất cả chúng ta được kêu mời tới “trường học của Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể” (EE 53-58) để học hỏi nơi Mẹ sự sẵng sằng và thái độ phải có đối với bí tích Thánh Thể. Nói cách khác không có gì tốt đẹp hơn là chúng ta hãy để cho bản thân được đào tạo, được hướng dẫn bởi Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể tuyệt hảo và là Thân Mẫu của mỗi người tín hữu chúng ta.

 

 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

1390    26-10-2018