Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đức Maria và Chúa Thánh Thần

Đức Maria và Chúa Thánh Thần

Đức Maria là người đáp trả đầu tiên và lý tưởng đối với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

 Cha GEORGE MONTAGUE, SM

Khi tôi lớn lên, gia đình tôi có thể nói, giống như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả những người mà Phaolô đã gặp ở Êphêsô: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói” (Cv 19,2).

Tuy nhiên, chúng tôi được thoát sự khô khan tuyệt đối bởi vì chúng tôi biết có ai đó, dù chúng tôi có ý thức hay không, qua người ấy, từng chút một Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng tôi. Đó là Đức Maria. Bằng cách nào đó, qua người phụ nữ này, chúng ta đã được ban cho một cảm thức nào đó về Chúa Thánh Thần là Đấng nào.

Cha tôi đã trở về từ Lộ Đức khi kết thúc việc phục vụ trong Thế chiến thứ nhất với lòng sùng kính sâu sắc đối với “người phụ nữ mặc áo xanh đáng yêu” này. Và sự sùng kính đó đã được giữ vững bởi những gì xảy ra với con trai đầu của ông, Frank, lúc hai tuổi. Trong trang trại của ông bà tôi, một ấm nước đang sôi trong lò sưởi mở khi Frank, trong một khoảnh khắc tò mò không chú ý, đã chạm tới và tự nghiêng ấm nước, nên đã làm bỏng cái chân nhỏ bé của mình. Vết bỏng quá nghiêm trọng đến nỗi cần phải ghép da. Một trong những người ở trang trại đã sẵn sàng trải qua cuộc phẫu thuật bàn tay để cho da. Nhưng dì Margaret của chúng tôi, trước khi đưa Frank đi ngủ vào buổi tối trước ca phẫu thuật, đã rảy một ít nước Lộ Đức lên vết thương và cầu nguyện sốt sắng rằng Đức Mẹ Lộ Đức sẽ chuyển cầu cho một phép lạ. Sáng hôm sau, làn da đã được phục hồi tốt đến mức không cần ghép da nữa. Sự chữa lành đó rõ ràng đã ảnh hưởng đến gia đình chúng tôi, đặc biệt là đối với cha tôi.

Kiểu kích hoạt đức tin này qua các dấu hiệu là công việc của Chúa Thánh Thần, nhưng Người thường ở hậu cảnh và làm việc thông qua các công cụ của con người. Trong số này, sau Chúa Giêsu, người mà Chúa Thánh Thần yêu thích hành động dường như là Đức Maria. Và tại sao không? Mẹ là kim khí (chiếc bình) được Chúa chọn để đạt được phép lạ của những phép lạ, sự thụ thai đồng trinh và hạ sinh, đúng lúc, Con Thiên Chúa. Thường được gọi là người phối ngẫu của Chúa Thánh Thần, Đức Maria thể hiện khuôn mặt nữ tính của Thiên Chúa, đôi khi được quy gán cho Chúa Thánh Thần. Tôi nhớ lần đi dạo với một chàng trai trẻ ở Litva (Lithuania), anh biết tiếng Anh khá nhưng không hoàn hảo. Bất cứ khi nào anh ta nói về Spirit (Thánh Thần), anh ta đều sử dụng từ “her (cô ấy)” hoặc “she (cô ấy), bởi vì trong tiếng Litva, chữ “spirit (tinh thần)” là nữ tính! Đó là một lời nhắc nhở dễ chịu rằng Thiên Chúa vượt ra ngoài những ẩn dụ về khái niệm ngôn ngữ của chúng ta, ngay cả khi những ẩn dụ đó là những gì Chúa chọn để mạc khải chính mình!

Chúa Thánh Thần “bao phủ (tràn ngập)” Đức Maria, làm cho Mẹ thụ thai Chúa Giêsu… Từ này được lấy từ câu chuyện của đám mây bao phủ đền tạm trong sa mạc, một dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể kết luận rằng nếu Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã trở nên người phàm nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì Đức Maria là nhà tạm sống động của Ngôi Lời, được thực hiện trong cùng một hành động của Thánh Thần.

Đức Maria là Người Đáp Trả Gương Mẫu

Ngay cả trước khi thụ thai Chúa Giêsu, Đức Maria đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để thưa tiếng xin vâng với mầu nhiệm, và vì thế Mẹ thành mẫu gương, nguyên mẫu của sự đáp trả xin vâng đối với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho mọi thế hệ tiếp sau. Trên thực tế, chính sự đáp trả ngoan ngoãn này, thậm chí còn hơn cả việc làm mẹ thể xác của Mẹ đối với Chúa Giêsu, được báo trước trong các sách phúc âm. Vì trong khi thiên chức làm mẹ là duy nhất, đáp lại lời nói là điều tất cả mọi người được kêu gọi để làm, và may mắn thay trong điều này, chúng ta có Đức Maria để học hỏi. Mẹ được chúc phúc hai lần vì tiếng xin vâng, trước tiên là Elizabeth, người đã thốt lên: “Em thật có phúc vì tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Và sau đó, khi một người phụ nữ trong đám đông kêu lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”, và Chúa Giêsu trả lời: “Đúng hơn phải nói rằng: ‘Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).

Như thế, Chúa Thánh Thần hoạt động trong Đức Maria không chỉ là mầu nhiệm nhập thể không thể kể xiết, mà còn ban cho Mẹ đặc quyền là người đầu tiên, lý tưởng và là người đáp trả gương mẫu trước kế hoạch của Chúa. Nói cách khác, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa trong lòng Mẹ, là nơi Mẹ có thể học cách tiếp nhận Chúa trong cung lòng Mẹ. Cả hai sự đón tiếp đều là công việc của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu có thể bị các tư tế đền thờ và người Pharisêu từ chối, Chúa có thể bị một người bạn phản bội, Chúa có thể bị chính môn đệ của mình chối từ và bị những người còn lại bỏ rơi để rồi bị những người La Mã đóng đinh, nhưng Chúa có một trái tim hoàn hảo và kiên trì luôn tiếp đón Chúa: đó là mẹ của Chúa (Đức Maria).

Những người sợ rằng việc gần gũi với Đức Maria sẽ khiến họ rời xa Chúa Giêsu không hiểu được toàn bộ nền tảng Ba Ngôi của đức tin Kitô giáo. Nhìn vào Cha là thấy Con. Nhìn vào Con là thấy Cha. Nhìn vào Chúa Thánh Thần là được buông mình vào vòng tay của Cha và Con. Ba Ngôi là nói về các mối tương quan, về bản ngã được cấu thành bởi tổng số quà tặng đến và từ người khác. Và các mối tương quan cũng là những gì Thiên Chúa làm việc trong thời gian và lịch sử. Nhìn vào mắt Đức Maria là nhìn thấy Chúa Giêsu, vì Người là tất cả những gì Mẹ quan tâm. Và ai tốt hơn mẹ Maria có thể dạy chúng ta yêu Con của mình?

Đám mây có thể bao phủ đền thờ, nhưng Đám Mây cũng di chuyển trên thờ và đền thờ cũng vậy. Đức Maria sẽ di chuyển cùng với Đám Mây. Là người lắng nghe gương mẫu, Mẹ nghe toàn bộ sứ điệp, không chỉ đơn thuần việc Mẹ là mẹ của Đấng Cứu Thế (người không thể bị choáng ngợp với sứ mệnh đó?), mà còn việc người chị họ Elizabeth của Mẹ đã mang thai sáu tháng, và điều đó có nghĩa là Elizabeth đang cần giúp đỡ. Chúa Thánh Thần không điêu khắc Đức Maria thành một bức tượng để chờ những cuộc hành hương; thay vào đó, Người thúc đẩy Mẹ dấn thân vào việc phục vụ, với sự vội vã, như Luca đã nói (1,39), báo trước nhiệm vụ của đứa trẻ mà Mẹ mang trong bụng, Người không đến để được phục vụ mà để phục vụ (Mc10,45). Tại cửa nhà của Elizabeth, tiếng chào của Đức Maria đã kích hoạt hai sự kiện: đứa trẻ trong bụng Elizabeth nhảy lên vì vui sướng và Elizabeth được đầy dẫy Chúa Thánh Thần (Lc1,41.44).

Ồ, nếu tôi chỉ có thể nghe thấy tiếng nói của Đức Maria, thì tôi cũng sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần; Tôi sẽ nhảy lên vì niềm vui sướng và tôi không thể không cất lời ngợi khen .

Lạy Cha, con vô cùng khao khát một sự tuôn tràn mới về Chúa Thánh Thần trong đời con. Mặc dù con không xứng đáng, vì tình yêu của Chúa dành cho con, con biết rằng Chúa muốn ban cho con Chúa Thánh Thần thậm chí nhiều hơn con muốn lãnh nhận Người. Lạy Chúa Giêsu, mẹ của Chúa đã có mặt dưới chân thập giá khi Chúa trao ban Thần khí. Mẹ có thể ở bên cạnh con với tư cách là mẹ con, để chỉ cho con cách lãnh nhận món quà này. Amen.

Trích từ Chúa Thánh Thần, xin hãy lm ngôi nhà của Chúa trong con bởi Cha George Montague, SM (The Word Among Us Press, 2008).

Theo the Word Among us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

1053    23-02-2019