Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đức Tin Của Con Đã Cứu Chữa Con.

Đức Tin Của Con Đã Cứu Chữa Con.

Thánh Phaolô là một trong những nhà thần học quan trọng nhất trong Giáo Hội. Các tác phẩm của ngài, tồn tại hàng thế kỷ, tiếp tục hướng dẫn các tín hữu, định hình hướng đi cho Giáo Hội và truyền cảm hứng cho những người còn hoài nghi. Bạn có thể tìm thấy mọi loại văn bản trong các lá thư của Phaolô, từ những phát biểu chính xác về học thuyết và những lập luận tha thiết về các vấn đề mục vụ tới những bài thánh ca ngợi khen và những cái nhìn chân thành vào chính lòng mình. Tuy đa dạng như các tác phẩm của mình, nhưng mọi thứ mà Phaolô đã viết đã lớn lên trong cuộc gặp gỡ đầy kịch tính của ngài với Chúa phục sinh trên đường đến Damát. Phaolô, kẻ một thời từng bắt bớ Giáo Hội, đã trở thành một tông đồ nhiệt thành của Đức Kitô và không có sự quay trở lại.

Tháng này, chúng ta muốn nhìn vào sứ điệp mà Phaolô đã tuyên bố, và để làm điều đó, chúng ta sẽ tập trung vào ba giáo lý chính: Phép lạ của sự công chính hóa (sự bào chữa), quá trình thánh hóa, và niềm hy vọng được tôn vinh. Chúng ta có thể thấy những giáo lý này trong hầu hết mọi lá thư mà Phaolô đã viết, nhưng trong kiệt tác của ngài – Thư của Phaolô viết cho người Rôma – Phaolô đã giải thích cho họ trong chiều sâu nhất. Phaolô tin rằng khi chúng ta hiểu những giáo lý này, chúng ta sẽ kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa cách sâu sắc hơn và chúng ta sẽ trở nên giống Đức Kitô hơn.

Đây là những lời hứa tuyệt vời! Vì thế, chúng ta hãy làm quen với những lời hứa ấy. Chúng ta hãy bắt đầu với giáo lý của Phaolô về sự công chính hóa.

Tất Cả Đều Đã Phạm Tội. Hãy tưởng tượng rằng bạn đã phạm một tội ác khủng khiếp. Có thể bạn đã giết một ai đó hoặc làm nổ tung một tòa nhà. Bạn đã bị bắt, vì vậy bạn thuê một luật sư. Nhưng ông ta khuyên bạn nên nhận tội và hy vọng một bản án giảm nhẹ hơn. Cả ông ta và viên chưởng lý đều biết rằng bạn có tội, vì vậy thực sự không có lựa chọn nào khác.

Đây là cách Phaolô mô tả tình trạng của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều có tội. Hành vi phạm tội của chúng ta là nghiêm trọng và bằng chứng chống lại chúng ta là quá rõ ràng. Chúng ta không thể bù đắp cho những cách chúng ta đã không vâng lời Thiên Chúa hay cho những tội lỗi mà chúng ta đã phạm làm phiền nhau hoặc những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra cho trái đất này. Trích dẫn từ Thánh Vịnh, Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không; chẳng ai có lương tri, chẳng ai kiếm tiềm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không” (Rm 3, 10-12).

Đó là một mô tả khá sơ sài về tình trạng của chúng ta, nhưng chỉ nhìn thoáng qua bài báo – cũng như nhìn nhanh vào trái tim của chúng ta – chúng ta cũng thấy rằng nó gần với vết nhơ của chúng ta. Khi chúng ta nhìn xem Chúa thánh thiện, thuần khiết và hoàn hảo như thế nào, tình trạng của chúng ta dường như tồi tệ hơn nhiều. Không có cách nào để chúng ta có thể đứng vững trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

Một Bản Án Thương Xót. Tin mừng về phúc âm cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không để chúng ta trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng này. Người đã gửi Con của mình vào thế gian để cứu chúng ta khỏi chính chúng ta. Bằng cách chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi đã có trong chúng ta. Ngài tự mình gánh lấy hậu quả của tội lỗi của chúng ta; Ngài đã chuộc chúng ta bằng cách trở thành tội lỗi vì chúng ta và bằng cách đóng đinh tội lỗi của chúng ta vào thập giá (2 Cr 5,21; Cl 2,14). Nhờ cái chết và sự sống lại vì chúng ta, Chúa Giêsu đã bào chữa cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau.

Cái chết của Chúa Giêsu đã mang đến một cái gì đó giống như một sự tha bổng hợp pháp cho chúng ta. Sự công chính hóa này không phải là kết quả của những nỗ lực của chúng ta để bào chữa cho chính chúng ta. Sự công chính đến khi chúng ta chấp nhận bằng đức tin ân sủng nhưng không của ơn cứu chuộc mà Chúa Giêsu đang ban cho chúng ta. Chúng ta không thể tạo ra sự công chính được. Chúng ta không xứng đáng với sự công chính ấy. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp nhận nó – với lòng khiêm nhường và biết ơn.

Bây giờ chúng ta hãy quay lại câu chuyện về việc bạn đã phạm một tội ác khủng khiếp. Bạn hiện đang xuất hiện tại tòa án, và theo lời khuyên của luật sư, bạn đã nhận tội trước thẩm phán. Cơ thể của bạn căng thẳng khi bạn chờ đợi để nghe bản án của bạn. “Tôi sẽ ở tù bao lâu?” bạn hỏi. “Tôi có bao giờ được tự do không? Ai sẽ chăm sóc gia đình tôi? ”

Ngay sau đó, một cái gì đó kỳ lạ xảy ra. Vị thẩm phán đặt cái búa của ông ta xuống, cởi áo choàng ra và đi xuống khỏi băng ghế. Ông bước tới chỗ bạn, ôm lấy bạn và nói, “Đừng lo; bạn không phải đi tù. Chỉ cần nghe bạn thú nhận là đủ cho tôi. Chỉ cần biết rằng bạn sẽ cố gắng thay đổi cuộc sống của mình là tất cả những gì tôi cần. Bạn có thể tự do đi; Tôi sẽ lo liệu bản án của bạn”.

Hãy tưởng tượng cảm giác nhẹ nhõm, lòng biết ơn và niềm vui mà bạn sẽ cảm thấy tại thời điểm đó. Đó chỉ là một thí dụ nhỏ về cảm giác biết rằng Thiên Chúa đã loại bỏ tội lỗi của chúng ta và mở thiên đàng ra cho chúng ta.

Sự Hào Phóng và Tình Yêu. Gần đây, một trong những đồng nghiệp của chúng tôi ở đây tại The Word Among Us đã kể cho chúng tôi một câu chuyện khác minh họa tình yêu mà Thiên Chúa đã bào chữa cho chúng ta. Anh ấy đã tham dự Thánh lễ vài tuần trước khi vị mục tử của anh ấy đưa ra thông báo sau khi Rước Lễ: “Tôi đã quan tâm đến điều đó”, ngài nói, “rằng có một vài gia đình muốn gửi con cái đến trường giáo xứ của chúng ta, nhưng họ không có khả năng trả học phí. Tôi không thích bất cứ ai phải ra đi, vì vậy tôi sẽ thiết lập một quỹ học bổng và xin mọi người ở đây đóng góp. Chúng ta hãy chăm sóc lẫn nhau!”

Đáp lại, mọi người có thể đóng góp hoặc cam kết đóng góp liên tục. Học bổng được tài trợ đầy đủ và tất cả các trẻ em của các gia đình nghèo khó được chào đón vào trường. Theo cách tương tự, Phaolô nói với chúng ta rằng vì sự rộng lượng và tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Chúa Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta sự công chính của Ngài. Ngài đã làm những gì mà chúng ta không thể làm một mình và bây giờ chúng ta có thể tiếp tục sống cuộc sống thánh thiện.

Thú Nhận và Tin Tưởng. Trong thư gửi cho người Rôma, Phaolô đã cho chúng ta một công thức đơn giản để giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc được bào chữa/công chính hòa bởi thập giá của Chúa Giêsu: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và long bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9). Trên thực tế, đây không phải là lời của Phaolô. Những lời đó có lẽ xuất phát từ một tín ngưỡng rất sớm mà các Kitô hữu đầu tiên đã đọc khi họ tập họp để cử hành Thánh Thể.
Giáo lý đơn giản này cho chúng ta biết rằng niềm tin vào Đức Giêsu là trọng tâm của sự cứu rỗi của chúng ta và sự gia nhập vào thiên đàng của chúng ta. Cho dù chúng ta là những người tốt và có trách nhiệm, hoặc cho dù chúng ta bị mắc kẹt trong tất cả các loại tội lỗi, sự cứu rỗi có sẵn cho tất cả chúng ta. Nó chỉ là vấn đề tin vào cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, được rửa tội trong danh của Ngài, và sẵn lòng thú nhận rằng Đức Giêsu là Chúa.

Nó tương tự như những gì đã xảy ra với người lính tốt lành Corneliô. Phêrô đến và công bố Đức Kitô cho anh ta, và anh ta chấp nhận sứ điệp với tất cả tấm lòng. “Ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Chúa”. Thấy họ được tràn đầy Thánh Thần, Phêrô, “ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” (Cv 10,4.47). Câu trả lời rõ ràng là không, vì vậy tất cả họ đều chịu phép rửa.

Mỗi Chúa Nhật, khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính Nicea, chúng ta tuyên xưng với đôi môi của mình và tin trong lòng chúng ta rằng Đức Giêsu là Chúa chúng ta và Đấng Cứu Độ của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta nói, “Vì chúng ta và vì ơn cứu rỗi của chúng ta, Ngài đã từ trời xuống” và “vì lợi ích của chúng ta, Ngài đã bị đóng đinh”. Vì chúng con. Vì con. Vâng, lạy Chúa, con tin.

Khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính, chúng ta đang nói với Chúa Cha rằng chúng ta chấp nhận món quà cứu rỗi mà Người đã ban cho chúng ta một cách tự do. Bằng cách lặp lại lời tuyên xưng này vào Chủ nhật hàng tuần, chúng ta cũng tuyên bố rằng chúng ta muốn món quà này trở thành nền tảng cho cuộc sống của chúng ta. Đây không phải là một lời tuyên bố “một lần và được thực hiện”, mà là một quyết định liên tục để sống như những người đã trở thành con cái của Thiên Chúa.

Việc đọc lại lời thú nhận đơn giản của Phaolô về đức tin hay Kinh Tin Kính Nicea rất giống với lời nói của những người chồng và vợ thường xuyên nói những câu căn bản: “Anh yêu em/em yêu anh” Họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi nói điều đó với nhau. Biểu hiện bằng lời nói của họ xác nhận một niềm tin bên trong. Tất cả chúng ta đều biết những lời này có ý nghĩa như thế nào với từng người phối ngẫu – với người họ nói với và với người nhận lời đó. Điều đó cho thấy Kinh Tin Kính có ý nghĩa đối với chúng ta biết chừng nào. Ước mong chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi nói, “Chúa Giêsu ơi, con yêu mến Chúa vì Chúa đã cứu con”.

Lòng tin của con đã cứu chữa con. Các sách Phúc Âm chứa đầy những câu chuyện về Đức Giêsu nói với mọi người: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22; Mc 10,52; Lc 7,50; 17,19). Về bản chất, Đức Giêsu đang nói rằng những người mà Ngài chữa lành rằng họ đã được cứu, không phải bởi những gì họ đã làm, nhưng bởi lòng tin của họ vào quyền năng chữa lành của Chúa, quyền năng ấy không chỉ có sức chữa lành về thể lý nhưng còn có khả năng chuộc tội và tha thứ.

Theo lời dạy của Đức Giêsu, Phaolô đã nói với người Êphêsô: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ, đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (2,8). Ân sủng đã cứu chúng ta. Thật là một món quà tuyệt vời mà Cha chúng ta đã ban cho chúng ta! Người sẽ không dừng lại ở bất cứ điều gì – ngay cả cái chết của Người Con Một – với mục đích là để lôi kéo chúng ta đến với Người và lấp đầy chúng ta bằng tình yêu của Người!

Theo The Word Among Us
September 2018 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

2575    12-09-2018