Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đường lối của Thiên Chúa

duongloicuachuae1646189632286


Không biết bạn có cảm xúc giống tôi không khi xem những bộ phim mà nơi đó những con người khốn khổ bị hà hiếp, áp bức bởi những kẻ giàu có hay quyền lực. Rồi chúng ta mong chờ và cảm thấy phấn khích hay hả hê khi xuất hiện một nhân vật khác có quyền thế hơn, sức mạnh hơn để đem lại công bằng và trừng trị những kẻ ác độc kia. Chắc hẳn chúng ta thích những cái kết có hậu kiểu như vậy, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng giống như phim, bạn nhỉ?

Bởi nhìn vào tình cảnh của những người dân vô tội tại Ukraine lúc này, hay như nhiều cuộc khủng bố vũ trang đẫm máu khác. Thú thật, tôi mong có một thế lực nào đấy có thể ra tay cứu giúp, đem lại trật tự và sự công bằng. Có thể bạn sẽ nói với tôi bằng cái giọng nho nhỏ là “có Chúa đấy!”. Sở dĩ không dám nói to vì tôi nghĩ chúng ta chưa thật sự tin rằng Ngài sẽ ra tay hoặc bởi con người không hiểu và rất có thể không chấp nhận được cách “hành xử” của Thiên Chúa, Cha chúng ta trong mọi nỗi khốn khổ của con cái loài người trong suốt dòng lịch sử.

Cách “hành xử” của Ngài là gì ư?

Hãy nhìn vào bức tranh trên đồi Gôngôtha năm xưa, tôi nghĩ rằng nhiều người Do Thái đạo đức thời đó, thậm chí là cả các tông đồ cũng mong chờ Thiên Chúa sẽ ra tay cứu người Con Một, như bàn tay đã ngăn lưỡi dao của Abraham xuống trên đứa con duy nhất của lời hứa là Ixaac. Nhưng đường lối của Thiên Chúa “ai dò cho nổi”, vốn không như cách con người hình dung. Bởi từ chính cuộc khổ nạn đau thương ấy, Thiên Chúa “đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2, 16) chứ không phải kẻ thù. Cũng nhờ Máu và Nước tuôn tràn từ thập giá “Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất” (Ep 2,14) chứ không phải đánh phạt hay trả đũa.

Như thế, cách “hành xử” của Thiên Chúa, cách mà Thiên Chúa chiến thắng sự dữ không phải là tránh né nó, hay đánh tan nó khỏi thế giới con người nhưng là “mang vác” nó trên mình và biến đổi nó trở nên sự lành; biến hận thù thành tình yêu, bạo lực thành hiền hòa, bất công thành công bằng và lo âu trở nên hy vọng.

Quả thật, chính Đức Giêsu đã chiến thắng sự dữ trên cây thập giá. Chắc hẳn bạn còn nhớ đoạn Tin Mừng này: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: ‘Quả thật, người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15, 39). Nói như Đức Hồng y Raniero Cantalamessa thì rõ ràng, một người đã kinh qua biết bao cuộc chiến, đã nếm đủ mùi vị của chiến thắng cũng như thua trận như viên đại đội trưởng này, sẽ dễ dàng nhận ra quang cảnh hay dấu hiệu của một cuộc chiến thắng cũng như dáng vẻ của một chiến binh thắng trận, chính là Đấng đang bị treo trên thập giá, khi phải thốt lên trong kính phục: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.

Vì thế, thập giá của Đức Kitô luôn có sức chữa lành mà không phải giết chết; có sức biến đổi chứ không hủy diệt. Trong Cựu Ước, Chúa truyền cho Môsê ném cây gậy xuống hồ nước mặn Mara, lập tức khiến dòng nước mặn ấy hóa nên ngọt cho dân Israel có thể uống (Xh 15,25). Đó là hình ảnh tiên báo về ơn cứu rỗi, sức mạnh hoán cải mọi tâm hồn của cây gỗ trên đồi Gôngôtha nơi treo Đấng Cứu Độ.

Vậy bạn có đồng ý với tôi rằng, đường lối chiến thắng của Thiên Chúa không phải theo cách trừng trị và hủy diệt kẻ thù nhưng là biến đổi chúng. Một Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,16), Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung (Tv 103,8); Đấng mà cây lau bị giập Người không đành bẻ gẫy (Mt 12,20), Đấng sẵn sàng cho Mặt Trời của Người mọc lên soi cả kẻ lành và người dữ (Mt 5,45), Đấng chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống (Ed 33,11), thì làm sao có thể ra tay hành xử như cách mà con người vẫn đang dành cho nhau.

Mỗi chúng ta phải tin tưởng vào sức mạnh chữa lành nơi thập giá Đức Kitô, để trước tiên xin Ngài làm lành mọi thương tích của sự thù hận, xoa dịu nỗi đau mà sự ích kỷ của chúng ta đã vô tình hay hữu ý dành cho nhau. Xin Ngài cũng lau khô mọi giọt nước mắt đau khổ của nhân loại này. Bao lâu còn trốn chạy không quay về với thập giá Đức Kitô, bấy lâu những đau khổ của con người không có lời giải đáp; cũng chẳng thể mang lại ơn cứu độ vì không “cho phép” Đức Kitô cùng đau nỗi đau ấy.

Đồng thời chúng ta cũng xin Chúa, cho ta biết bắt chước Ngài trong cách đối xử với anh chị em mình, hãy dành cho nhau tình yêu thương, sự tha thứ bao dung, “đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,17) cũng “đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,29). Kiên nhẫn trong cầu nguyện và đợi chờ trong hy vọng thập giá của Đức Giêsu Kitô sẽ là tiếng nói cuối cùng, sẽ chiến thắng và biến đổi mọi sự dữ trên thế giới thành sự lành cho con người.

Sẽ thật phù hợp hơn nữa khi suy gẫm chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn trong sứ điệp mùa Chay 2022 này: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a).

Chiara

*****

 

Giáo lý Công Giáo dạy rằng, trong và qua sự dữ, Thiên Chúa biến nó thành những gì lợi ích cho con người, “Mọi sự đều sinh lợi ích cho ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8, 28). “Thiên Chúa dẫn đưa ta tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ” (GLHTCG-313). Có thể tóm kết: “Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Ðức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó, bằng những đường lối mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu.” GLHTCG số 324.

Tác giả: Chiara - Nguồn: Tổng giáo Phận Hà Nội (02/3/2022)

340    05-03-2022