Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Em ơi sao nỡ làm buồn lòng mẹ cha!

photo15637643168461563764317105crop15637643390162143117412
Ở một họ đạo cách trung tâm Thành phố Vĩnh Long không xa lắm, họ đạo nhỏ ở vùng quê, vài năm trước đường đến nhà thờ có đoạn thì chông chênh sỏi đá, đoạn thì đất đỏ bùn lầy, trời nắng bụi mịt mù, trời mưa thì bùn đất trơn trợt khó đi. Một họ đạo chỉ có vài chục hộ có đạo Công giáo mà thôi, còn lại đại đa số đạo Phật. Giờ nơi xã đó lên xã "Nông thôn mới" nên đường xá được mở rộng tráng nhựa tạm gọi đã đỡ "ổ gà" hơn cách đây vài năm. Đa số người dân sinh  gần khu vực nhà thờ sống bằng nghề nông: trồng lúa, trồng cây ăn quả, trồng rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, và một số ít hộ ra chợ xã, chợ huyện buôn bán, làm công nhân ở các xí nghiệp v.v. Cách nhà thờ hơn 2km tôi có biết một gia đình có đạo Công giáo, vợ chồng già ở ngôi chòi tạm bợ giữa cánh đồng lúa, chòi trống trước trống sau. Ông bà sống cuộc sống chật vật khó nghèo vì tiền của tập trung lo chữa bệnh tật hiểm nghèo cho ông hơn 10 năm giờ không còn gì. Muốn vào được chòi (gọi là nhà) của vợ chồng ông bà Hai phải đi nhờ qua vườn cây trái của chòm xóm. Rồi sau đó men theo bờ đê ruộng lúa mà đi, mùa nắng đi đỡ vất vả hơn mùa mưa, mùa nước nổi bờ đê nhỏ nước ngập không thấy đường để đi, sơ ý té lạch bạch ướt lóp ngóp là chuyện thường xảy ra. Thế mà lúc ông Hai khỏe là lội bộ hơn 2km đi đến nhà thờ đều đặn mỗi ngày, còn lúc sức khỏe yếu bệnh nhiều thì ông bà chỉ đi lễ ngày Chúa nhật. Sau này tôi nghe Sơ kể lại ông Hai bệnh ngày càng nặng hơn, sức khỏe suy giảm, ông không đủ sức lội bộ đi lễ mỗi ngày Chúa nhật nữa, Sơ đến trao Mình Thánh Chúa hàng tuần cho ông Hai.

Ông bà Hai đã già, nhiều bệnh, sức khỏe rất kém nhưng nào có được sống yên thân với người con trai. Cậu ta lười lao động nhưng siêng nhậu nhẹt đàn đúm. Gia đình nông ngoài việc đồng áng cậu ta thỉnh thoảng nhận thêm việc làm cỏ vườn, chăm sóc xịt thuốc bón phân cho vườn cây ăn trái các hộ trong làng xã thuê. Làm có nhiêu tiền cậu ta tụ tập bày độ nhậu, không để tiền lo thuốc cho cha mẹ già, không lo tiền học cho con. Mỗi khi say xỉn nhiều cậu ta đánh đập vợ con, đập phá đồ đạc trong nhà chửi cha, mắng mẹ. Cậu ta đánh vợ chửi con trong nhiều năm mỗi khi say xỉn. Vợ cậu ta không chịu đựng được nữa nên ly hôn. Tưởng rằng sau khi gia đình tan vỡ cậu ta sẽ tu tâm sửa tánh chí thú làm ăn lo cho cha mẹ và các con, nào ngờ "giang sang dễ đổi bán tánh khó dời", cậu ta vẫn say lè nhè be bét mỗi ngày. Nghe ông bà Hai và lối xóm kể vợ cậu ta sau ly hôn đi làm công nhân xí nghiệp ở tỉnh khác bỏ lại con không lo gì. Thời gian sau cậu ta cũng đi làm thuê làm mướn ở tỉnh khác bỏ lại con nhỏ cho ông bà già bệnh tật không có thu nhập chi ngoài mấy công ruộng làm lúa, tới mùa có lúa bán lần lần mà lo trong ngoài. Ngôi nhà heo hút giữa cánh đồng lúa, mỗi khi ông trở bệnh nặng giữa đêm khuya bà đốt đuốc lần mò đường đi khoảng 500m đến nhà hàng xóm gõ cửa nhờ các thanh niên hợp sức lại khiêng vác, cõng ông trên vai đi đoạn đường bờ đê ruộng lúa, rồi vườn cây trên 1km mới tới đường đất xe Honda chạy được để đưa ông đi bệnh viện.

Cậu con trai to con lớn xác, có tuổi ngoài hàng ba (trên ba mươi tuổi) mà không trưởng thành về tâm tính, đúng lý ra phải biết suy nghĩ khi thấy gia cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ già bệnh tật, nếu anh ta biết chí thú lo làm ăn, lo kinh tế, lo cha mẹ, nuôi con ăn học, không đàn đúm say xỉn rượu hàng ngày về đánh đập vợ con thì gia đình anh ta đâu tan đàn xẻ nghé. Vợ ly hôn tưởng đâu là bài học nhớ đời cho anh ta thức tỉnh chí thú lo làm để thoát nghèo, lại một lần nữa anh ta phạm một lỗi lầm lớn đành lòng bỏ con nhỏ dại lại cho cha mẹ già nuôi, trong khi ông bà không còn sức lao động, không có thu nhập chi cả. Đôi mắt bà kém do di chứng của bệnh bướu giáp không nhìn rõ nhưng bà vẫn lần mò bẻ rau vườn, mò cua bắt ốc cải thiện bữa ăn cho gia đình. Có lần tôi vào trao quà tết gặp bà đi làm cỏ mướn ngoài vườn nhìn cảnh thấy thật thương bà, và lòng giận cậu con trai của bà. Gia đình có đạo mà anh ta sống bê tha be bét làm gương mù gương xấu cho những hộ gia đình chung quanh trong làng xã. Với cha mẹ cậu ấy không tròn chữ hiếu, với vợ và con lại càng tệ, đánh đập chửi rủa, bỏ bê con trẻ không ngó ngàng... Cậu ta làm gương mù gương xấu cho con trẻ.

Ông bà Hai tuy bệnh tật khó nghèo nhưng cũng ráng cho cháu được đến trường không để cháu thất học mù chữ, bà nói: kệ học được năm nào hay năm đó cô ơi. Còn cậu con trai của ông bà thì tôi "cạn lời hết thuốc chữa rồi". 
Chàng trai à ở đời ai cũng vấp phải sai lầm, tôi hy vọng em "hối cải". Không gì là quá muộn, lo chí thú làm ăn, lo kinh tế nuôi cha mẹ già, cha mẹ cậu giờ đã lớn tuổi nhiều bệnh chưa biết còn sống được bao lâu? Còn tương lai của con trẻ, cậu đành lòng bỏ con? Cậu có suy nghĩ khi cậu về già côi cút một mình con của cậu bỏ cậu y chang như giờ cậu đối xử với cha mẹ với con thơ, lòng cậu khi ấy có buồn có tủi? Gia đình cậu có đạo, cậu hãy sống sao để mọi người nhìn vào không nói: hay ho gì gia đình đạo Công giáo mà vậy!

Rồi tương lai con trẻ sẽ ra sao khi ông bà không đủ khả năng lo cho cháu ăn học, nếu con trẻ dốt chữ lại sống cảnh làm thuê làm mướn ở ruộng vườn à? Thức tỉnh lương tâm nha chàng trai, biết sai thì sửa không gì là quá muộn. Ông bà Hai ơi hãy kiên nhẫn cầu nguyện Lòng Thương Xót của Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp xin ơn hoán cải tâm tính cậu con trai của ông bà biết chí thú lo làm ăn không bê tha đàn đúm nữa. Việc này ngoài tầm tay của ông bà rồi, mọi việc hãy kiên nhẫn cầu nguyện và cầu nguyện: tin phó thác, cậy trông xin Chúa lo liệu giúp nha. Hãy kiên nhẫn đừng nản lòng, tôi tin một ngày nào đó Chúa sẽ nhận lời nguyện ước của ông bà, vì tôi một người mẹ cũng khổ vì con trẻ đã nhận được rất nhiều "ơn lành" của Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp nâng đỡ xuống ơn khi tôi kiên nhẫn khấn nguyện hàng ngày, và Chúa - Mẹ đã hoán cải tâm tánh con trai tôi biết chăm ngoan lo học hơn, "Hãy tin hãy xin thì sẽ được".

Caritas Vĩnh Long

1004    22-02-2022