Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Gặp Chúa Nơi Tha Nhân

 

“Đi truyền giáo không phải là mình chỉ giới thiệu Chúa đến với những người lương dân hay những người sống đạo cách nguội lạnh khô khan, nhưng chính nơi họ mình gặp được Thiên Chúa, được cảm nghiệm thấy sự hiện diện và bàn tay quan phòng của Người”. Một tháng tông đồ nơi miền sông nước An Giang, một thời gian không quá ngắn, cũng không qúa dài nhưng đủ để cho tôi hiểu được câu nói đó phần nào.

Tôi và một chị em được nhà Dòng cho đi tông đồ tại Cồn Én một tháng. Một cồn đất nhỏ được bao quanh bởi con sông Tiền với bán kính không quá bốn cây số. Nơi đây, người dân còn thiếu thốn rất nhiều. Họ thiếu cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, nhưng tấm lòng của họ thì thật dễ thương, dễ mến. Nơi họ toát lên vẻ hiền lành, giản dị. Những con người chất phác thôn quê ấy đã để lại trong tôi biết bao thao thức khi trở lại cuộc sống thường ngày của mình.

Hàng ngày, với chiếc xe đạp, tôi với người chị em lọc cọc đi thăm các gia đình trong vùng. Chúng tôi được các chủ nhà đón tiếp với lòng hiếu khách, tự nhiên, vui vẻ của người miền Tây. Khi biết được chị em tôi là nữ tu thì không khí trong nhà càng vui vẻ và cởi mở hơn. Càng đi thăm và đi sâu vào đời sống của người dân nơi đây, tôi cảm nhận họ đang mang trên mình những thập giá thật nặng. Thập giá đó có khi là bệnh tật, tuổi già sống leo đơn, có khi là sự khó khăn, nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tiền cho con đi học; hay có khi là những tổn thương sau những cuộc hôn nhân đổ vỡ; có khi là những sự vất vả, chịu đựng, đau khổ của người vợ sống cùng một ông chồng ăn nhậu, say xỉn tối ngày,…

Điều đáng thương hơn nơi các gia đình này là họ không biết bám víu vào đâu, tìm đến đâu để nương tựa trong đời sống tinh thần. Tuổi già đến, khổ đau đến biết chạy đến với Chúa, đức Phật hay đến với đức Chí Tôn kêu xin đây? Bởi trong một gia đình mà có cả mấy bàn thờ: Thiên Chúa, Phật giáo, Cao Đài. Ông theo một đạo, bà theo một đạo, con cái muốn theo bên nào thì theo. Còn những đứa trẻ thì hầu hết sống trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Vì cuộc sống mưu sinh, ba mẹ của các em đi làm ăn xa, và cũng rất nhiều trường hợp ba mẹ ly hôn các em ở với ông bà. Tuy nhiên, các em được bù đắp phần nào khi có những niềm vui, những sân chơi, hoạt động lành mạnh, bổ ích qua sự quan tâm, hướng dẫn của các Cha, các Thầy dòng Phanxicô. Các em được hun đúc tinh thần vượt khó, ham học, lòng yêu mến Chúa để vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.

 

Được đến thăm các gia đình, được lắng nghe những câu chuyện, cảnh đời khổ đau của người dân, tôi ước mong mình có thể giúp họ điều gì đó để cho thập giá trên vai họ bớt nặng, giúp cuộc đời họ mang niềm hy vọng, niềm vui hơn. Tôi mong sao thập giá đời họ trở nên thánh giá mang lại sự phục sinh qua sự gắn kết với Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nhưng thực tế, tôi nhận thấy mình không có nhiều tiền để giúp họ về vật chất, không có nhiều thời gian để giúp họ về tinh thần. Tôi chỉ có thể giúp họ bằng lời cầu nguyện, bằng một ít lời an ủi, động viên mà thôi. Tôi chỉ biết dâng lên Chúa những người dân thân thương và dễ mến đó, xin Chúa nâng đỡ an ủi, thêm sức, thêm lòng tin nơi họ. Và tôi nhận thấy những giờ thiêng liêng, những hoạt động ngày sống của mình mang một giá trị rất lớn lao khi chúng trở nên những phương thế chuyển cầu. Tôi không thể trực tiếp đến sống với họ, không thể trực tiếp giúp đỡ họ nhưng tôi có thể giúp họ bằng lời cầu nguyện, những hy sinh, Thánh Lễ,… Tôi tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn ban cho mọi người một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Chúa luôn hiện diện và đồng hành cùng với mỗi người trong cuộc sống dù sống trong sự giàu sang an nhàn hay trong chính sự nghèo khổ vất vả. Chính vì vậy, tôi ý thức hơn sứ mạng trung gian chuyển cầu trong nguyện đường và trong cuộc sống của mình trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Lời chuyển câu đó hướng về các đối tượng: giới nữ, giới trẻ, lương dân, người tín hữu xa lìa Chúa, người khổ đau, cho các nhu cầu của Giáo hội cũng như xã hội… MN

1313    14-08-2017