![]() |
Trong cuộc sống, không ai có thể sống cô độc một mình, vì vậy có thể nói; đời sống con người là một chuỗi của những cuộc gặp gỡ; có những cuộc gặp gỡ giữa những người thân, có cuộc gặp gỡ với bạn bè, với người trên, với kẻ dưới và cả với những người xa lạ. Có những cuộc gặp gỡ giữa cá nhân với nhau và cũng có những buổi gặp gỡ của một tập thể. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, có những cuộc gặp gỡ đem lại cho ta nhiều điều tốt đẹp, đáng trân trọng, đáng ghi nhớ, song không thiếu những cuộc gặp gỡ lại mang đến cho ta sự khó chịu, bực bội và cả ân hận nữa!
Nhưng để tránh những cuộc gặp gỡ mang lại hậu quả xấu ấy thì trước hết chúng ta cần phải đặt các cuộc gặp gỡ trên nền tảng của sự tôn trọng, lòng yêu thương, tính khiêm tốn, hiền hoà và muốn thăng tiến cho nhau.
Suy gẫm cuộc đời của Chúa Cứu Thế, ta có thể nói: Trọn cuộc đời nơi dương thế của Đức Giêsu là một chuỗi những cuộc gặp gỡ. Trước hết Người gặp gỡ Cha của Người qua việc thường xuyên cầu nguyện và sau đó là gặp gỡ con người (nhân loại).
Phúc Âm ghi lại, trong khoảng ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã gặp gỡ biết bao người, đối lại cũng có nhiều người tìm đến để gặp gỡ Đức Giêsu. Song tất cả những ai có tinh thần khát khao nên hoàn thiện, nên công chính, thành tâm thiện ý thì họ đều nhận được ơn biến đổi hay nói cách khác là nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Xin ghi lại đây vài cuộc gặp gỡ điển hình:
1. Cuộc gặp gỡ xảy ra lúc ban đêm khi ông Nicôđêmô một thủ lãnh của người Do Thái tìm gặp Đức Giêsu, và sau khi hàn huyên, chuyện vãn cùng Người ông này đã được biến đổi hay nói cách khác là “được ơn tái sinh” (x. Ga 3, 1-22).
2. Khi Đức Giêsu đi ngang qua thành Giêrikhô, có một người tên là Dakêu; ông là trưởng nhóm thu thuế, ông muốn nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng vì thấp bé nên ông đã phải trèo lên cây sung để tiện bề “quan sát.” Kinh Thánh ghi lại: “Khi Đức Giêsu đến chỗ gốc cây, thì Người nhìn lên và nói với ông rằng: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người. Sau đó ông đã thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi sẽ cho người nghèo; và nếu tôi có chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu nói với ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” ( x. Lc 19, 1-10)
3. Một lần khác, khi đi đưởng mỏi mệt, nên Đức Giêsu đến ngồi xuống bên một bờ giếng để nghỉ chân. Đúng lúc ấy có một người phụ nữ Samari đến múc nước. Và Đức Giêsu đã khởi đầu cho một cuộc đối thoại giữa Người và chị phụ nữ Samari bằng câu nói: “Chị cho tôi xin một chút nước ống...” Sau nhiều lời nói đối đáp qua lại đã diễn ra. Đức Giêsu đã cảm hoá tâm hồn của người phụ nữ này. Bằng chứng là: người phụ nữ đã vào thành loan báo cho mọi người biết về sự hiện diện của Đấng Mêsia (Đấng Cứu Thế) và người ta đã ra khỏi thành để đến gặp gỡ Đức Kitô. Rõ ràng qua cuộc gặp gỡ ấy, một người phụ nữ ngoại đạo, có đời sống gia đình rối ren (với năm đời chồng) đã được ơn hoán cải, chẳng những cá nhân chị mà nhờ chị nhiều người trong thành cũng được ơn đổi mới; số người tin vì Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người là Đấng cứu độ trần gian, và họ xin Đức Giêsu ở lại cùng họ.” (x. Ga 4, 5-42)
Trong đời sống đạo, nếu chúng ta thành tâm, thiện chí thường xuyên gặp gỡ Đức Giêsu qua việc đọc, nghe Kinh Thánh và rước Thánh Thể Chúa mỗi ngày, thì Lời Chúa và Thánh Thể sẽ biến đổi đời sống chúng ta. Và khi đã được biến đổi rồi, thì chính chúng ta sẽ trở thành nhân tố để tác động làm cho anh em trở nên tốt qua những cuộc gặp gỡ với họ trong cuộc sống thường ngày.
Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)