Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Giá trị của công bằng

Giá trị của công bằng


 

Lời mở

Mọi nước trên thế giới đang tham gia và quan tâm với đủ loại Hiệp định thương mại tự do (FTA: Free Trade Agrements). Hiện có khoảng hơn 200 hiệp định có hiệu lực. Nổi tiếng là các hiệp định với liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (PTPP) “Nhưng ngay trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và thịnh vượng của toàn thể xã hội cần phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là nguồn gốc, trung tâm và mục đích cuối cùng của tất cả đời sống kinh tế và xã hội” (x. CĐ.Vat II, GS, số 63; Docat, câu 158).

1. Công bằng trong các lĩnh vực và mọi mối tương quan

1.1. Giải thích từ ngữ

Justice_01.pngTừ Justitia (Anh ngữ: Justice) được dịch là công lý, công bằng, công chính. Từ điển Công giáo Việt Nam 2016 không dùng từ công bằng, chỉ dùng từ công lý. Từ điển Tiếng Việt 2013 dùng từ công lý: lẽ phù hợp với đạo lý và ích lợi chung của xã hội. Từ điển Bách khoa Việt Nam nói nhiều đến công bằng: công bằng xã hội, công bằng phân phối. Đó là khái niệm đạo đức và ý thức pháp quyền, chỉ điều chính đáng, tương ứng với bản chất và quyền con người.

- Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo dùng trong 131/583 số, Docat dùng từ này trong 66/328 câu.

- Ý kiến hiện nay: phân biệt từ: công bằng: theo đúng lẽ phải, không thiên vị (aequitas) – công lý: justitia.

1.2. Công lý trong các lĩnh vực và mọi mối tương quan

- Công lý: có ước muốn kiên định và vững chắc trả lại những gì mình mắc nợ với Chúa và tha nhân (x. HTXHCG, số 201, GLHTCG, số 1807).

- Phân biệt:

Công lý giao hoán: quy định sự phân phối hàng hoá khắp thị trường trên thế giới. Nó điều tiết việc trao đổi của cải và dịch vụ theo quy tắc tương xứng về giá trị giữa các cá nhân hay nhóm (số 201, 203; Docat, câu 107).

Công lý phân phối: quy định việc cộng đồng phải thực hiện cho mỗi thành viên của cộng đồng phần xứng hợp với sự đóng góp và nhu cầu của họ (số 201; Docat, câu 206).

Công lý pháp lý: quy định những bổn phận của mỗi thành viên phải đóng góp cho cộng đồng phần thích hợp của mình (thuế) (số 396; Docat, câu 109).

Công lý xã hội: bao gồm các lĩnh vực liên quan tới xã hội, chính trị, kinh tế: phân phối của cải, trả lương lao động… (số 81, 82, 99, 167, 171, 201, 203, 340, 449; GLHTCG, số 1928-1942; Docat, câu 30, 40, 43, 65, 142).

Công lý kinh tế: quy định những hoạt động kinh tế cần phải tôn trọng phẩm giá con người và sự thịnh vượng của toàn xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, một số điều kiện như bệnh hoạn, tật nguyền, nỗi đau khổ, không thể tính theo công lý kinh tế, nhưng được hỗ trợ riêng. Sự phát triển trong công lý đòi nhiều hơn sự tăng trưởng kinh tế: tôn trọng nền văn hoá, quyền sở hữu cá nhân và doanh nghiệp, tôn trọng thị trường tự do khi nó phục vụ toàn thể cộng đồng (số 332; Docat, câu 157-183).

Công lý tham gia: quy định các cá nhân phải tham gia vào đời sống của cộng đồng như quyền bỏ phiếu bầu cử, tham gia vào sinh hoạt của mọi thứ cộng đồng như giáo xứ, đảng phái chính trị: tất cả mọi người đều có quyền tham gia, không được loại trừ ai (Docat, câu 100-101).

- Tương quan:

Công lý đối với Thiên Chúa: trả cho Ngài tất cả sự tôn kính và biết ơn: Đức thờ phượng (số 17, 23, 63, 66, 67).

- Công lý đối với con người:

* Trong phạm vi cá nhân (số 462, 474)

* Giữa các quốc gia (số 453, 497; Docat, câu 185-207).

* Giữa chính quyền và công dân (số 527, 565).

- Sự chênh lệch giàu nghèo đòi hỏi phải tổ chức lại theo những chuẩn mực về công bằng xã hội (số 167, 171).

- Món nợ trả theo lẽ công lý xã hội cho người nghèo (số 184) và chính quyền phải can thiệp để thiết lập lại công lý (số 187).

2. Can đảm dấn thân hành động cho công lý xã hội

“Tin Mừng dứt khoát dẫn người ta đến chỗ phải dấn thân cho tình yêu, công lý, tự do và hoà bình. Khi Đức Giêsu tuyên bố Nước Trời đã đến, Người không chỉ chữa lành và cứu mạng một số cá nhân, mà hơn thế nữa, Người thiết lập một hình thức mới của cộng đồng – một vương quốc của hoà bình và công lý” (TLHTXHCG, số 63, 260; Docat, câu 28).

“Bắt Đức Giêsu, mỗi tín hữu tiếp tục công trình cứu độ của Người, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: để trả lại công lý cho người nghèo, giải thoát người bị áp bức, an ủi người phiền muộn, tích cực đi tìm một trật tự xã hội mới, trong đó có những giải pháp thích đáng để giải quyết sự nghèo nàn về vật chất” (x. HTXHCG, số 325).  

Tín hữu phải biết hợp tác với mọi người để bảo vệ công lý (số 448) trong mọi lĩnh vực như giáo dục (số 332), truyền thông (số 562), kinh tế (số 564), chính trị (565).

Vấn đề không phải là đi tìm những công thức mới, kế hoạch mới, nhưng Giáo Hội giới thiệu “Đức Giêsu Kitô như là tâm điểm cho mọi hoạt động xã hội của chúng ta để Người được nhận biết, yêu thương, bắt chước” (HTXHCG, số 577).

3. Tình yêu hoàn thiện những công trình của công lý

“Chỉ có tình yêu mới có khả năng thay đổi tận gốc những mối quan hệ con người đang có với nhau. Đây chính là viễn cảnh giúp mọi người thiện chí thấy được những chân trời công lý rộng mở, và con người phát triển trong sự thật và sự thiện hảo” (HTXHCG, số 4).

“Tự một mình, có công lý thôi chưa đủ. Thật vậy, công lý có thể phản bội chính mình, trừ khi nó biết mở ra cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái”). Học thuyết xã hội của Giáo Hội đặt giá trị của công lý song song với giá trị liên đới, coi đó là con đường đặc biệt dẫn tới hoà bình (HTXHCG, số 325).

Tình yêu vừa giả thiết có công lý, vừa vượt lên trên công lý. “Công lý phải được hoàn tất trong bác ái”. Nếu công lý “tự nó thích hợp cho chúng ta dựa vào mà phân xử giữa con người với nhau, mỗi khi đụng chạm đến việc phân phối các thiện ích khách quan sao cho công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả tình yêu nhân hậu mà Chúa Giêsu quen gọi là lòng thương xót) mới có khả năng khôi phục con người trở lại với chính mình (HTXHCG, số 206, 582, 583; ĐTC Gioan Phaolô II, TĐ Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, số 10).

Kết luận

“Lý lẽ của quà tặng không loại trừ công lý nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, nên sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, nếu muốn thật sự là nhân bản, cần phải dành chỗ cho nguyên tắc cho không như một biểu hiện của tình huynh đệ” (Docat, tr.300; ĐGH Bênêđictô XVI, TĐ. Caritas in Veritate, số 34).

 

Câu hỏi

1. Con người ngày nay đang quan tâm nhất tới loại công lý nào?

2. Khi người chủ trả lương không công bằng cho người làm công cho mình, người làm công sẽ hành động thế nào để đòi được công bằng cho mình?

3. Bạn có bao giờ áp dụng nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng trong đời sống xã hội của bạn? Bạn áp dụng như thế nào?

4. Bạn nghĩ sao về những “tác quyền” đang được bảo vệ kỹ lưỡng và rất cao giá trong một số lĩnh vực như công ty tin học, các nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông…?

5. Bạn nghĩ sao về tác quyền của những nhà xuất bản Công giáo ở nước ta khi đòi phải trả phí cho những bản dịch Thánh Kinh, các bản văn Phụng vụ…?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: HKK


 

2973    03-08-2019