Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Giấc mơ Kitô giáo

giacmokitogiao


Tựa đề tập tài liệu tôi đang cầm trong tay như một cái lay nhẹ vào những tư tưởng, suy nghĩ đang chảy trong tôi. Tôi tự hỏi mình “Giấc mơ Kitô giáo là gì?”. Điều này giúp tôi quay trở về với chính mình là một Kitô hữu: tôi đã bao giờ nghĩ tới giấc mơ cao cả ấy là gì chưa? Tôi xin được mượn lời của tác giả cuốn sách nhỏ để viết đôi dòng suy tư.

Trong một buổi gặp gỡ tác giả bộc bạch “Tôi chỉ là người gieo hạt, gieo vãi lung tung, ai lượm được gì thì lượm”. Câu nói mở đầu này nghe có vẻ hài hước nhưng nó lại kích hoạt sự chủ động lãnh nhận một cách sáng tạo nhiều hơn với mỗi người nghe chúng tôi.

Tác giả đi từ những điều rất cụ thể trong đời sống đã và đang diễn ra xung quanh ta. Con người đang dần gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình, thích đưa mình lên cao, và quyết định ngay cả sự sống của đồng loại. Một thế giới khổ đau đầy thương tích đang cần được chữa lành. Tự con người không thể làm gì, chính vì vậy, con người muốn xây dựng thế giới, vũ trụ này phải có Đức Giêsu làm trung tâm. Đặc biệt, là Kitô hữu chúng ta phải có được kinh nghiệm ân sủng, sự gặp gỡ cá vị với Đấng ta tôn thờ. Nhờ đó, ta làm cho sự sống trẻ trung, phong phú, sung mãn, và để cho Nước Trời được tỏ ra nơi môi trường sống.

Bạn sẽ làm cách nào?

Với tôi, chiêm ngắm huyền nhiệm đời người để nhận ra tất cả là anh chị em của nhau, ai cũng đáng được đối xử công bằng, được yêu thương. Qua đó, tôi có thể cúi xuống và phục vụ anh chị em mình. Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện, có những tình tiết trước sau, có những diễn tiến bất ngờ, và mỗi câu chuyện có một thứ cấu trúc riêng, không ai giống ai, không thể so sánh với nhau theo kiểu lượng tính của một bài toán, nhưng có nét duyên riêng. Khi làm toán, dù cho có nhiều cách giải quyết khác nhau nhưng ta sẽ chỉ có một kết quả đúng, nghĩa là nó đã được ấn định không thể đổi thay. Câu chuyện thì khác, nó luôn bất ngờ. Giá trị câu chuyện cuộc đời được ‘đo” bằng những khúc quanh bất ngờ đầy ý vị. Tôn trọng người khác là việc tôi cần làm cho dù họ không “hoàn hảo” như tôi mong muốn, vì tôi chẳng thể biết được toàn bộ câu chuyện cuộc đời họ.

Hằng ngày, từ những điều rất nhỏ của đời thường cho đến những chương trình, những kế hoạch lớn lao của con người vẫn ngầm chứa một mâu thuẫn: ai cũng mong muốn được người khác hiểu mình như một câu chuyện, nhưng ai cũng đòi phán xét người khác như một bài toán. Thế giới ngày nay là thế giới của khoa học kỹ thuật. Con người giống như một ông chủ với cả ngàn tên nô lệ kỹ thuật phục vụ. Nhưng khi mà chỉ có một ông chủ và có hàng ngàn tên nô lệ, thì nô lệ sẽ không cần phải học tiếng của chủ, ngược lại chính ông chủ sẽ phải học tiếng nói của nô lệ. Dường như thế giới đang bị đảo ngược bởi lập trình nhân tạo này.

Bài học quý giá cho chính bản thân tôi đó là: Trong đời sống, điều cần thiết tôi cần làm đó là chiêm ngắm một con người trong câu chuyện đời, và tạo điều kiện để người khác viết câu chuyện đời mình, chứ không phải chỉ đánh giá họ dựa trên một thang điểm đạo đức. Câu nói của tác giả đã cật vấn tôi: Tôi đã cho người khác cơ hội nào để họ thay đổi đời sống? Việc đánh giá người khác làm cho họ trở nên khép kín, không còn là chính mình, không tìm thấy được nét độc đáo thân thương của mình. Ngoài ra, sự so sánh hơn thua, nỗi lo không được đón nhận … đã biến thế giới này thành một “phòng thi” khắc nghiệt với những môn thi: tài năng, sắc đẹp, địa vị,.. khắc nghiệt nhất là môn thi nhân cách. Tôi đã mở những “phòng thi” nào trong các mối tương quan với mọi người? Có lẽ bạn và tôi đã có câu trả lời cho chính mình qua những chọn lựa hàng ngày.

Những điều tốt đẹp cần được nhân lên để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt và ý nghĩa hơn. Có rất nhiều kinh nghiệm tôi đã được nghe thật cảm động. Và chính kinh nghiệm của bản thân tôi là nhận ra mình được yêu thương và mắc nợ nghĩa tình. Thiên Chúa đã cho tôi sự sống qua cha mẹ. Được làm người và hưởng những ân ban của Thiên Chúa, tôi cũng phải có trách nhiệm với tha nhân. Điều này giúp tôi hướng tới một sự sống không còn cho chính mình nữa, nhưng là sống cho tình yêu. Sống trong sự mắc nợ nghĩa tình, tôi mới có thể được hoán cải từ bên trong, để sống xứng đáng hơn với những điều mình đã được lãnh nhận. Đã bao giờ bạn đặt cho mình câu hỏi: Lý do hiện diện của tôi-là một tín hữu trong cuộc đời này là gì chưa?

Tôi hy vọng mỗi người trong chúng ta đã có được câu trả lời cho mình về câu hỏi đó đồng thời cũng có thể trả lời cho câu hỏi: Giấc mơ Kitô giáo là gì? Xin Chúa chúc lành cho những thiện chí của chúng ta trong việc thực hiện “Giấc mơ Kitô giáo” của chính mình.

   
Theo: Maria, fmm
Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội (21/9/2022)

607    24-09-2022