Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Giấc mơ thân thiết.

 

 

Cái gì làm cho người lớn e dè về tình cảm lãng mạn, vì đã trưởng thành hay tâm hồn đã mệt mỏi? Nếu tôi đánh mất đam mê, có phải đó là dấu hiệu của khôn ngoan hay quả tim tôi đã mất sức sống? Tôi ngờ là cả hai.

 

Bên trong quyển sách Các Bài Thơ của Thomas Merton, thi sĩ J.S. Porter viết bài này:

Có quá nhiều thứ, sách vở, ngôi sao, bông hoa.

Khi có cả ngàn bông hoa, làm sao quý một bông hoa?

Thư viện có cả triệu quyển sách, làm sao đếm được có bao nhiêu sách trong thư viện?

Vũ trụ với muôn vàn thiên thạch, ngôi sao, các thiên hà sinh ra, biến mất trong tích tắc chớp nhoáng, lặp đi lặp lại mãi mãi.

Nhưng dù vậy, vẫn còn một cái gì còn lại, giấc mơ thân thiết, một người đàn bà, một người đàn ông.

Bạn không thể viết một cái gì hay hơn, một quyển tiểu thuyết lý tưởng nhất – giấc mơ lứa đôi, hai người là đủ cho nhau, cho nhau một ý nghĩa của ngàn thu.

Có một thời gian, bài thơ này đã đốt cháy tấm lòng trống rỗng, đã chạm đến tâm tư, đã khuấy động niềm đam mê mãnh liệt trong lòng tôi, và nó vẫn còn khơi lên vết thương cũ, dù bây giờ tôi đã trưởng thành và hạnh phúc hơn, nhưng nó vẫn còn gợi lên cho tôi một vài câu hỏi.

Có phải đó là kiểu lãng mạn tuổi vị thành niên, kiểu mơ màng Hollywood của tài tử Clint Easwood và Meryl Streep trong phim Những cây cầu ở quận Madison, hay đó là chất liệu thật của quả tim? Có phải đó là hình thức ái kỷ để che chở tâm hồn chống lại với thế giới bên ngoài hay đó là giấc mơ cho một cái gì quý giá mà cuối cùng đó là nước Trời?

Tất cả đều là những câu hỏi rất hay. Tuy nhiên cần phải gỡ rối các câu hỏi này. Khi lớn tuổi và trưởng thành, đa số chúng ta có khuynh hướng e dè đối với tình cảm lãng mạn. Đúng là như vậy, nhưng có phải là chuyện tốt không? Những thay đổi nào chúng ta muốn nói với người trẻ về lãng mạn khi nghĩ rằng mình đã trưởng thành? Cái gì làm cho người lớn e dè về tình cảm lãng mạn, vì đã trưởng thành hay tâm hồn đã mệt mỏi? Nếu tôi đánh mất đam mê, có phải đó là dấu hiệu của khôn ngoan hay quả tim tôi đã mất sức sống? Tôi ngờ là cả hai.

Giấc mơ lứa đôi có thể là giấc mơ của tuổi mới lớn, nó dẫn đến các đau khổ không cần thiết và có những quyết định sai lầm. Thời nào cũng có những chuyện như vậy. Chúng ta tự làm khổ mình và không hài lòng về các quan hệ mật thiết của mình, bởi vì chúng ta nuôi giấc mơ rằng, đâu đó, chúng ta sẽ có một bóng người hoàn hảo để cùng sống với nhau, tràn đầy sức sống. Dù cho cuộc sống và sự an toàn mang lại thế nào đi nữa, cũng không có loại tình yêu nào lại được xem như một lựa chọn phụ. Đó chính là vấn đề đưa ra cho nhân vật trong cuốn phim Tuổi Ngây Thơ của Edith Wharton. Một cuộc hôn nhân ổn định và một gia đình có con ngoan sẽ không bao giờ có thể bù đắp cho cái gọi là thiêu đốt, mù mịt, đam mê. Nhân vật của bà tự dằn vặt với ý tưởng là chưa bao giờ nếm được tình yêu lãng mạn dù anh rất yêu vợ trong cuộc hôn nhân tốt đẹp này. Cái trống rỗng mà anh cảm nhận có một cái gì đó đau khổ một cách thơ mộng nhưng đó chỉ là cảm giác của tuổi mới lớn. Giấc mơ lứa đôi có thể làm chúng ta không hạnh phúc và vụng về không nhận thức đúng tình yêu chúng ta đang sống hiện tại.

Ngược lại, nếu một quả tim không có một chút gì dằn vặt luyến tiếc cho một tình yêu lãng mạn đơn phương thường thường đó là một quả tim đã mất đam mê và lửa sống. Giấc mơ lứa đôi có gốc rễ trong các mong chờ to lớn nhất của chúng ta. Đó là giấc mơ của một thiên đàng thật sự, của một cái nhìn ơn phúc, một vòng tay ôm dịu ngọt. Tình yêu lãng mạn, trong cái dịu dàng nhất của nó, trực cảm được nước trời. Dù nó có thấp như thế nào, nó làm cho chúng ta cảm nhận được trạng thái ngây ngất và cố gắng nhử chúng ta về đó. Không một ai khi vẫn còn đau nổi đau tình yêu lãng mạn lại cần phải nhắc chúng ta chỉ nên “sống nhờ bánh mì” hay tốt hơn nên sống trong tiện nghi và an toàn. Có thể hơn bất cứ điều gì, đau đớn của lãng mạn đã đẩy chúng ta, những người chưa phải là thánh, vượt lên khỏi mình, vượt ra ngoài, về một cái gì trên cả tiện nghi và an toàn. Đó là ngọn lửa: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con chỉ được nghỉ an khi ở trong Chúa.”

Mất giấc mơ lứa đôi là mất sức sống. Bị kiệt sức hay bi quan về lãng mạn là bị tước đi một trong những món quà đẹp nhất của Chúa. Nhân danh trưởng thành và tôn giáo, chúng ta không bao giờ được bi quan về lãng mạn, về tình yêu đầu tiên, về lửa cháy đầu tiên và hương vị của trạng thái ngây ngất của những điều này. Mỗi một chuyện này đều đóng phần của nó trên con đường Chúa kéo chúng ta về với Chúa và về nước trời.

Cách đây mấy năm, một cựu sinh viên của tôi lập gia đình, cô viết cho tôi hàng chữ sau đây: “Thưa cha, đây không phải là một đam mê ngây thơ. Con biết chuyện con làm. Con không đi tìm tình cảm lãng mạn Hollywood ở đây!”

Tôi không ấn tượng cho cố gắng để tỏ ra trưởng thành của cô. Tôi chỉ gởi cho cô bài thơ của Porter với câu nhắn: “Hãy tận tưởng tình yêu mới mẻ của con, tuần trăng mật và giấc mơ lứa đôi. Đó là một trong những hương vị đẹp nhất của thiên đàng mà con được nếm trước trong cuộc sống này. Các trở ngại trong cuộc sống, rất sớm sẽ tước nó đi. Nếm và nhớ đó nghe!”

Thiên Chúa đã cho chúng ta tình cảm lãng mạn vì lý do này, giống như nếm trước hương vị dịu ngọt của thiên đàng. Nếm và nhớ đó nghe!

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

987    08-11-2017