Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Giám mục Antoine Hérouard: “Mục đích của tôi là đào tạo các linh mục giỏi”

 

Ngày 29 tháng 4-2017, vài ngày trước khi rời chủng viện, cựu Giám đốc Chủng viện giáo hoàng Paris tại Rôma trả lời các câu hỏi của hãng tin I.MEDIA.

Ngày 22 tháng 2-2017, Giám mục Pháp Antoine Hérouard được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá địa phận Lille.

Làm thế nào mà chủng viện Pháp tại Rôma đã được thành lập?

Chủng viện Pháp tại Rôma được thành lập năm 1853 theo sáng kiến của Đức Giáo hoàng Piô IX (1846-1878), ngài mong muốn các nước công giáo chính có một chủng viện tại Rôma. Đầu tiên hết ngài giao cho các nhà truyền giáo Dòng Chúa Thánh Thần vì ngài rất tin tưởng Hội Dòng này. Nguyện ước đầu tiên của ngài là đào tạo các linh mục cho các địa phận Pháp, chứ không phải chỉ riêng cho Dòng Chúa Thánh Thần và cho truyền giáo.

Đức Piô IX cho họ “đống gạch vụn” của một cựu đan viện Dòng Clara, vì thế con đường nơi có trụ sở của chủng viện được gọi là đường Thánh Chiara. Đống gạch chỉ còn nhà nguyện mà một nửa thì đã bị sập. Dưới thời hoàng đế Napoleon, khi có các cuộc xâm chiếm thì các tu sĩ Dòng Clara bị đuổi ra khỏi dòng. Dần dần các tu sĩ Dòng Chúa Thánh Thần mua lại các căn nhà bên cạnh và xây chủng viện như chúng ta thấy ngày ngày nay.

Vì thế chủng viện này là cơ sở thuộc giáo hoàng và dưới sự bảo trợ của Hội đồng Giáo sĩ. Khi bổ nhiệm giám đốc chủng viện thì Hội đồng Giám mục Pháp đề nghị một nhân vật, Hội đồng Giáo sĩ điều tra và sẽ bổ nhiệm tân giám đốc.

Quan hệ của các giáo hoàng với chủng viện như thế nào?

Mới đầu việc bảo trợ của giáo hoàng là rất rõ. Đức Piô đã đến đây nhiều lần.  ngài theo sát sự thành lập và phát triển chủng viện. Trong phòng tôi ở, có một tấm lắc bằng cẩm thạch nhắc lại ngài đã đến đây thăm một giám chức người Pháp bị đau, đó là giám mục địa phận Nỵmes.

Năm 1981 Thánh Gioan-Phaolô II đến thăm Hợi Dòng sau chuyến đi Pháp lần đầu tiên về. Tôi còn nhớ, khi đó tôi còn là chủng sinh, ngài đến đây cũng lâu từ xế trưa đến tận 10 giờ khuya. Ngài tham dự thánh lễ và từng người một, từ các thành viên trong cộng đoàn đến các nhân viên và con cái họ đều được giới thiệu với ngài. Ngài đến thăm ba tháng trước khi ngài bị ám sát ở Quảng trường Thánh Phêrô, chỉ vài ngày sau chuyến đi Pháp lần đầu tiên của ngài.

Thánh Gioan-Phaolô II rất ngưỡng mộ nước Pháp và văn hóa Pháp. Nhưng cũng là một thói quen của ngài, ngài thường đến thăm chủng viện nước nào mà ngài vừa đi thăm về.

Các tu sĩ Dòng Chúa Thánh Thần còn quản trị chủng viện?

Không, họ quản trị đến năm 2009, họ đi vì đây không phải là ơn gọi đầu tiên của họ. Hơn nữa, ngày càng có ít tu sĩ Dòng Chúa Thánh Thần Pháp là các nhà đào tạo tại Rôma. Họ mong muốn Hội Dòng mình đi truyền giáo ở Phi châu hơn là làm nhà đào tạo ở Rôma. Chính tôi cũng học ở chủng viện Rôma từ năm 1980 đến  năm 1986, năm 1981 tôi có mặt khi có nhà đào tạo của địa phận đến, chứ không phải người của Dòng Chúa Thánh Thần.

Việc chuyển giao như thế nào sau khi giám đốc cuối cùng của Dòng Chúa Thánh Thần ra đi?

Năm 2009 có một của tranh luận nhỏ giữa các giám mục Pháp, theo đó Hội đồng chỉ định họ phải có trách nhiệm về các nhà đào tạo chủng viện. Đức Ông Bataille là giám đốc chủng viện đầu tiên mà không phải là tu sĩ Dòng Chúa Thánh Thần. Và tôi là người thứ nhì được bổ nhiệm năm 2014.

Lợi điểm nào để được đào tạo tại đây? Đâu là lời ích của địa điểm này?

Có hai lý do chính để được gởi đi đào tạo tại Rôma. Đầu tiên hết là chủng sinh có thể học ở các đại học, vì chủng viện không có đủ các lớp và họ phải học ở các trường đại học Rôma, chính yếu là học thần học ở Đại học Dòng Tên Gregoria. Mặt khác là có thể sống kinh nghiệm ở thành phố Rôma, một thành phố mang nét lịch sử và quan trọng đối với Giáo hội, đây là nơi tử đạo của Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và nơi có sự hiện diện của Đức Giáo hoàng.

Chúng tôi sống theo nhịp các sự kiện, như trong trường hợp năm toàn xá. Và cũng sống tính đại đồng của Giáo hội: ở Đại học Gregoria có không ít 2500 sinh viên thuộc 125 quốc tịch, quý vị thấy đó, cả toàn thế giới có mặt ở đây. Như thế mở ra cho chúng tôi một sự khai phóng, một màu sắc vượt lên các tranh luận nhỏ trong thế giới nói tiếng Pháp.

Đâu là chân dung các sinh viên ở chủng viện Rôma?

Có một yếu tố cần nhấn mạnh trên điểm này: từ 6 – 7 năm nay, chúng tôi không nhận các chủng sinh mới bắt đầu vào chủng viện. Tất cả những ai đến đây đều đã có ba năm ở chủng viện của họ: một năm dự bị, hai năm ở một chủng viện Pháp. Họ đến Rôma để học thần học ba năm, sau đó để có chứng chỉ giáo luật (tương đương với thạc sĩ) thì họ phải học thêm hai, có khi ba năm nữa.

Có một nơi nào đặc biệt để đào tạo các giám mục tương lai Pháp không?

Đây không phải là nơi đặc biệt đào tạo cho các giám mục tương lai. Chúng tôi không có mục đích này, dù trên thực tế có một số giám mục đã học ở đây một thời gian. Trong số các bạn cùng là sinh viên với tôi ngày xưa, bây giờ có một số là giám mục, có người là hồng y, nhưng không nhất thiết đã được đào tạo như người ta nghĩ. Các tiêu chuẩn mà chúng ta có trong đầu không hẳn đã là tốt.

Đối với các giám mục Pháp, chủng viện tại Rôma vẫn là một nơi quan trọng để đào tạo các chủng sinh của họ và dĩ nhiên người ta không gởi bất cứ ai đến đây. Sự việc đây là một chủng viện đại học đòi hỏi những người đến đây phải có khả năng theo một nhịp học ráo riết với các lớp học cao cấp, các kỳ thi. Và cần phải có một tinh thần học hỏi tự động và thành thạo tiếng Ý.

Đâu là mục đích của cha trong thời gian cha làm giám đốc chủng viện?

Mục đích của tôi là đào tạo các linh mục và phải là các linh mục giỏi. Còn vấn đề tiến trình của họ, và Giáo hội gọi họ như thế nào thì đó vẫn là điều huyền bí.

Làm thế nào để đào tạo họ tốt nhất?

Việc đào tạo phải dựa trên nhiều trụ, trụ nào cũng quan trọng như nhau. Có thể trong quá khứ chúng ta quá chú trọng về việc đào tạo tri thức. Bây giờ chúng tôi lo đến việc đào tạo nhân văn để có những người quân bình và thoải mái trong đời sống của họ, có thể sống với các quan hệ tốt.

Chúng tôi tìm cách để đào tạo các mục tử, những người có thể loan báo Tin Mừng, những người hướng dẫn cộng đoàn và làm các phép bí tích. Một vài người sẽ có một sứ vụ chuyên biệt hơn. Sự quân bình là hàng đầu trong việc đào tạo nhân văn qua đời sống ở chủng viện. Đó là một kinh nghiệm đổi mới. Khi vào chủng viện, mình có cảm tưởng mình được gọi để trở thành linh mục và mình có khao khát đáp trả tiếng gọi này, nhưng trên hết, đây vẫn là một kinh nghiệm cá nhân. Mỗi người đến với cuộc đời riêng của mình, một vài người là những người trở lại. Đào tạo nhân văn là xem người linh mục cũng là một người như các người khác, họ phải sống thoải mái và quân bình trong những gì họ sống. Khi một vài linh mục gặp khó khăn, dẫn đến việc họ phải rời bỏ sứ vụ, thì thường là do khía cạnh nhân văn này đã không được giải quyết ngay từ đầu.

Marta An Nguyễn dịch

1403    06-05-2017