Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Giáo lý viên là cột sống của Giáo hội

Giáo lý viên là cột sống của Giáo hội


 
Vai trò của giáo lý viên luôn luôn là thiết yếu trong Giáo hội, đặc biệt ở những vùng ít được các linh mục đến phục vụ. Giáo lý viên là những người đối thoại, những người làm công việc nhân đạo, những người trợ giúp tinh thần, họ làm việc không mệt mỏi cho sứ mệnh. Lời chứng.

giao-ly-vien-la-cot-song-cua-giao-hoi.jpg
Giáo lý viên John Joseph Gazi cùng cầu nguyện với các trẻ em ở trại tị nạn Bidi Bidi, Uganda. Cơ quan Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (AED)

  

Ngày 10 tháng 5, Đức Phanxicô ban tự sắc Sứ vụ Cổ điển Antiquum ministeium, nhấn mạnh đến vai trò của giáo lý viên luôn là thiết yếu trong Giáo hội công giáo. Bà Regina Lynch cho biết: “Nhờ các dự án của chúng tôi trên 140 quốc gia, chúng tôi biết, ở nhiều nơi trên thế giới, giáo lý viên là trụ cột của Giáo hội”, bà Lynch là giám đốc phân bộ Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (AED). Ở những vùng sâu xa, nơi các linh mục hiếm khi đến các giáo xứ của mình, hoặc ở những nước mà công việc mục vụ gặp nhiều khó khăn vì chiến tranh và bách hại, giáo lý viên vừa là những người đối thoại, những người làm công việc nhân đạo, những người trợ giúp tinh thần

 

Các giáo lý viên lo mục vụ ở những vùng không có linh mục, có khi họ phải trả giá bằng mạng sống cho lòng can đảm và sự cống hiến của họ. Ông Philippe Yarga ở giáo phận Dori, Burkina Faso, là một ví dụ đặc biệt xúc động. Ông chịu trách nhiệm điều phối mục vụ ở phía đông Burkina Faso, sát biên giới với Niger. Ngày 16 tháng 2 năm 2020, ông bị các tên khủng bố ám sát. Ông để lại bảy đứa con, đứa nhỏ nhất mới sáu tuần. Bà Regina Lynch giải thích: “Các giáo lý viên ở Burkina Faso và ở các nước khác ở vùng Sahel phải trực tiếp đối diện với mối đe dọa khủng bố và đôi khi phải cùng gia đình bỏ trốn ngay trong đêm. Bà Lynch cho biết: “Chỉ riêng trong năm 2020, tổ chức quốc tế Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã hỗ trợ hơn 18.000 giáo lý viên trên khắp các châu lục – nhưng đa số ở châu Á và châu Phi.” Sự trợ giúp này có thể dưới dạng thiết bị kỹ thuật để giúp họ trong công việc mục vụ, hoặc vật chất cụ thể cần thiết để tổ chức các hoạt động mục vụ và dạy giáo lý.

 

Ở Uganda, hòa giải thay vì trả thù

 

Đằng sau những dự án này là những con người với những câu chuyện xúc động và ấn tượng. Ông John Joseph Gazi là người gốc Nam Sudan và sống ở Uganda. Dù đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng hòa bình, một cuộc xung đột tàn bạo đang hoành hành quốc gia trẻ nhất châu Phi này, nơi nền độc lập chỉ có từ năm 2011. Gia đình ông John Joseph Gazi không thể thoát khỏi tay những kẻ sát nhân. “Cha, em gái và anh trai tôi đã thiệt mạng. Tất cả chỉ diễn ra trong vài phút.”

 

Và ông đã trốn qua được nước láng giềng Uganda, nơi có hơn một triệu người sống trong các trại tị nạn. Điều buồn nhất là nỗi xót xa khôn nguôi ở trong các trại này, đó là những vết sẹo tâm hồn, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Thật vậy, trong những cuộc xung đột, nhiều người trong số họ đã bị buộc phải thành lính trẻ em.

  

Chính vì những người này mà ông John Joseph Gazi cảm thấy mình đặc biệt được gởi đi làm sứ mệnh: “Nhiều người mang trong tâm hồn ý tưởng thù hận và trả thù. Tôi nói với họ về lòng tha thứ. Chính bản thân ông đã gần như mất tất cả, nhưng ông không mất đức tin vào Chúa. Đó là lý do vì sao ông theo khóa đào tạo giáo lý viên. Ông thích được gọi là “người truyền bá phúc âm,” người mang Tin mừng đến cho người nghèo và người tuyệt vọng.

 

Tôi là một người lính của Chúa Giêsu. Tôi chiến đấu để đưa các linh hồn về với Chúa.

 

Ông được đào tạo ở Trung tâm Êmau gần Kampala, thủ đô Uganda. Tại đây có nhiều người theo các khóa đào tạo để chữa lành tổn thương tâm hồn đồng bào của họ và để giúp những người này giải quyết các lo lắng khác nhau. Một cuộc “chiến đấu” không kém phần gay go như chiến tranh cay đắng trên quê hương họ: “Bây giờ tôi là lính của Chúa Giêsu, tôi chiến đấu để đưa các linh hồn về với Chúa.”

 

Hiện nay ông ở bên cạnh đồng bào của mình, những người cố gắng xây dựng lại cuộc đời của mình ở Uganda, một cuộc đời mới không bạo lực, không chiến tranh. “Tôi muốn mang sự sống lại cho người Nam Sudan.” Ông nói với họ về đức tin, an ủi họ, ông lắng nghe những câu chuyện khủng khiếp của những người bị tổn thương này, giúp họ tìm nguồn giúp đỡ. Tại trung tâm Êmau, ngoài việc được đào tạo là giáo lý viên, ông John Gazi và các thành viên trong nhóm còn được học về tâm lý học. Bên cạnh trải nghiệm của một thời chiến tranh, nghèo đói và thất nghiệp, một vấn đề lớn khác có trong cộng đồng người tị nạn là nghiện rượu.

 

Cuộc “chiến đấu” chống lại tác hại của chiến tranh vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, ông John Gazi tin rằng mọi nỗ lực đều xứng công: “Nhờ được đào tạo như một giáo lý viên, giờ đây tôi mang lại hy vọng và tình yêu cho người dân của tôi.”

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 01.06.2021/ fr.aleteia.org, Tobias Lehner, Maria Lozano, Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, 2021-05-26)

964    01-06-2021