Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Giọt nước mắt khóc mừng, khóc tủi !

gntkmkt1
Sau hơn
bốn tháng gồng mình chống dịch bệnh covid-19, người dân Sài Gòn nói riêng, và di dân khắp các vùng miền cả nước sống trên đất Sài Gòn trong bao nhiêu năm qua để làm ăn sinh sống nói chung, đều khắc khoải chờ mong ngày nới lỏng lệnh giãn cách. Thất nghiệp, bệnh tật, số người chết vì dịch bệnh mà họ đã chứng kiến, cùng những đói khổ, chịu đựng trong hơn bốn tháng qua, đã làm họ mòn mỏi gần như hết sức chịu đựng! Thế rồi vào ngày 01/10,  Sài Gòn nới lỏng lệnh giãn cách, người dân Sài Gòn thoải mái tâm lý hơn được đôi chút. Còn các công nhân ở các khu công nghiệp, nhà máy tháo chạy, mà có thể nói gần như là “trốn chạy khỏi đất Sài Gòn, nơi mà bao nhiêu năm họ gắn bó trong việc mưu sinh, để về quê hương xứ sở. Mảnh đất Sài Gòn họ xem như quê hương thứ hai của họ, giờ đây dường như chỉ còn bệnh tật, tang tóc đau thương khắp các phố phường. Khung cảnh tĩnh lặng, nơi thiếu vật chất, miếng ăn, viên thuốc... Quá đói khổ họ không thể cầm cự nổi nữa ở đất “Sài thành, đàmh ngậm ngùi khăn gói về quê . Vì ở quê dù đói nghèo cũng là nhà của họ, không phải tốn tiền thuê nhà, còn vật chất đất Sài thành” thì món gì cũng đắt đỏ. Ở quê họ có thể ra vườn hái rau thiên nhiên, vớt lục bình lấy ngó làm rau, xuống ao, kênh rạch mò cua, bắt ốc cải thiện bữa ăn, ra vườn chặt các tàu dừa phơi khô, gom nhánh cây khô gãy làm củi đốt. Ở quê tình làng nghĩa xóm đùm bọc lẫn nhau. Về quê tuy cũng có dịch bệnh hoành hành, vì dịch bnh vốn đâu có bỏ sót bất kỳ nơi nào trong các tỉnh thành trong cả nước, nhưng tâm lý người con xa xứ, xa đất mẹ nhiều tháng ngày, lại phải chứng kiến nhiều cảnh tang thương mất mát của người Sài Gòn, nên họ nghĩ ở đâu cũng dịch bệnh đói khổ, thôi thì về quê, về nơi chôn nhau cắt rốn, có chết vì đói vì dịch bệnh thì cũng chết nơi quên nhà, có xóm làng dòng họ bà con thân tộc, không cô quạnh nơi đất khách quê người.

Những suy nghĩ đơn sơ mộc mạc của người dân lao động nghèo, tưởng chừng như dễ thực hiện ước nguyện, nhưng thực tế vướng mắc nhiều khó khăn, nhiều trở ngại khách quan và chủ quan. Họ ngậm ngùi khóc cạn nước mắt cho hoàn cảnh hiện tại: về quê không được, ở
cũng không xong. Chính quyền địa phương nơi họ ở tạm trú cũng có hỗ trợ chút ít lương thực, chút ít tiền chợ nhưng không đủ chi tiêu lâu dài. Những “mạnh thường quân với tấm lòng vàng cũng góp phần giải cứu mùa dịch khi hỗ trợ thức ăn, nhưng dần dần họ cũng đã cạn nguồn lương thực trong nhà trọ rồi. Đồng tiền cuối cùng của họ cũng đã cạn rồi! Doanh nghiệp nơi họ làm việc, có nơi thì sản xuất cầm chừng, có nơi thì đóng cửa nghỉ nhiều tháng nhiều ngày; chủ doanh nghiệp kiệt quệ phá sản không còn đủ khả năng hỗ trợ cho nhân viên của họ để có thể sống tạm qua ngày. Phải về quê thôi, phải về quê thôi! Có nhiều hộ gia đình, vợ chồng con cái ôm nhau khóc nhiều lần trong những ngày giãn cách dài đăng đẳng. Một số người may mắn đã được tiêm một liều vaccine và nơi họ ở được vùng xanh trong vài tuần, nên họ được chính quyền hỗ trợ về quê an toàn thuận lợi.

Được đặt chân trên mảnh đất quê nhà thân yêu, tuy phải bị đi cách ly tập trung theo quy định nhưng họ vẫn vui niềm vui vỡ òa, họ khóc nghẹn ngào, giọt nước mắt khóc mừng, khóc tủi. Ánh mắt thất thầnmệt mỏi của họ nhìn mà thương cảm. Còn một số vì vướng nhiều lý do phải quay đầu xe về lại nơi họ đã dọn dẹp sạch sẽ để ra đi, nơi họ kiệt quệ tài chính chưa biết ngày mai số phận họ sẽ ra sau!? Những giọt nước mắt đau thương tuôn rơi trên số phận bế tắc, bất lực. Tôi tin rằng “Sài Gòn Họa Lệ”, “Sài Gòn Ngộ Lắm” sẽ có giải pháp hỗ trợ những hoàn cảnh còn kẹt ở lại Sài Gòn chưa được về quê theo nguyện vọng. Tôi cũng mong các cấp lãnh đạo ở Sài Gòn có những giải pháp hữu hiệu để giúp người dân chống chọi với phần còn lại của mùa dịch. Tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng trận đại dịch khốc liệt thế kỷ này, và cũng sẽ chiến thắng đói khổ từ hệ lụy của dịch bệnh để lại.

Sống phải có niềm tin và hy vọng. Những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi ngày đoàn viên khi được trở về thăm gia đình sẽ không còn xa đâu, hãy cố gắng thêm chút nữa chung tay chống dịch nha quý bà con cô bác trên khắp mọi miền đất nước! Khi dịch bệnh tạm ổn, thi ta lại có cuộc sống yên lành an yên. Gần tới mùa Xuân rồi, chúng ta hãy vững tin rằng mùa Xuân sẽ mang không khí mát mẻ, ấm áp, vui tươi, và hạnh phúc đến từng gia đình của mỗi chúng ta.


Bài viết được tác giả gửi về Ban Bác ái Xã hội - Caritas Vĩnh Long

1177    04-10-2021