Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Giữ lửa cho đời linh mục

20230105t0230benedictfuneral1754218copy930x450
 (CNS photo/Paul Haring)


Ba thành phần của đời sống linh mục có thể góp phần hình thành nên một giải pháp.

Điều gì đã xảy ra với vị linh mục đó? Tất cả chúng ta đều có thể nghĩ đến nhiều hơn một người anh em linh mục, những người đã bắt đầu thiên chức linh mục của mình với lòng nhiệt tâm, hào hứng và nghị lực, và giờ đây, trong khi trung thành với những lời hứa khi chịu chức linh mục, vị đó lại đánh mất lòng nhiệt thành lúc ban đầu, tỏ ra ít tâm huyết (và có thể thậm chí đôi khi là xem nhẹ) đối với công việc của chức tư tế, và - để nhằm có một cách diễn đạt tốt hơn - chỉ là “chiếu lệ, hoặc “xuống dốc, là chọn lấy lối sống dễ dãi nhất, và thừa tác vụ của ngài còn được tiêu biểu bằng một loại chủ nghĩa tối giản hết mức có thể. Chuyện gì đã xảy ra thế? Có lẽ, giống như các tín hữu Êphêsô bị khiển trách trong Sách Khải Huyền (x. Kh 2,4), trong đời linh mục, có một nguy cơ nghiêm trọng là đánh mất tình yêu thuở ban đầu. Nhưng nguyên nhân nào khiến điều đó xảy ra?

Không có câu trả lời đơn giản cho thách đố này, nhưng tôi muốn đưa ra những suy về một số điều, chúng có thể được tích lũy và kết hợp lại, để phần nào đưa ra giải đáp cho hiện tượng này.

Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta rất dễ bị suy sụp bởi những đòi hỏi của thừa tác vụ linh mục. Trong vài thập kỷ qua, ngay cả với sự hỗ trợ mang tính cộng tác của các thừa tác viên giáo dân đang nở rộ, việc liên kết chặt chẽ hoặc hợp nhất các giáo xứ có nghĩa là một cá nhân linh mục thường chịu trách nhiệm cho nhiều cộng đoàn (và đôi khi rất đa dạng); các ngài phải luân chuyển qua lại, cố gắng dành thời gian và sự quan tâm như nhau cho các khu vực khác nhau mà mình phục vụ. Bản thân điều này đã tạo ra một áp lực lớn đối với linh mục và có thể làm ngài suy sụp đến mức cảm thấy không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ và chỉ làm cho có lệ.

Những vụ bê bối nổ ra vào năm 2002 đã làm rung chuyển Giáo Hội một cách công khai - và dư chấn của chúng vẫn tiếp tục kéo dài - cũng có thể góp phần tạo nên sự lo lắng đầy day dứt và thiếu tin tưởng trong trái tim của nhiều linh mục. Nỗi sợ bị buộc tội oan, mối quan hệ không thoải mái với bề trên và những phản hồi tiêu cực không ngớt từ các phương tiện truyền thông đối với Giáo Hội, tất cả đều góp phần làm suy giảm tinh thần của linh mục. Điều này cũng có thể là một yếu tố góp phần giải thích tại sao một số anh em của chúng ta trở nên mất lửa.

Ngoài ra còn có những gì tôi xem nhưmột tội lỗi đầy ám ảnh nơi nhiều giáo sĩ: nỗi oán giận. Đó là hố đen trong trái tim của một linh mục. Một tổn thương hoặc một sự xem thường thực sự và dễ nhận thấy, cảm giác bị giáo dân đánh giá thấp hoặc bị bề trên bỏ mặc, và cuộc khủng hoảng điển hình ở lứa tuổi trung niên của bậc giáo sĩ khi nghĩ rằng gần như mọi giáo xứ khác đều có vẻ tốt hơn giáo xứ của mình, tất cả đều có thể gây ra một nỗi giày vò nhỏ trong trái tim của linh mục. Nếu không được để ý đến, thì nỗi giày vò này sẽ dần dần phát triển thành một hố đen rộng thênh thang, một ổ áp-xe của sự oán giận và hoài nghi. Điều này chắc chắn có thể làm cản trở niềm vui, lòng sốt sắng và nhiệt tình đối với công việc được giao phó cho chúng ta.

Nếu đây là một số yếu tố góp phầnhình thành nên vấn đề, thì liệu rằng có giải pháp nào không? Tôi xin gợi ý ba thành phần của đời sống linh mục có thể góp phần hình thành nên một giải pháp: tình huynh đệ, thói quen đón nhậnkiên trì cầu nguyện.

Là linh mục, chúng ta cần có những mối dây liên kết mang tình huynh đệ vững chắc với nhau, những mối liên kết được hình thành dựa trên nhiều hơn là việc cùng chung sở thích, thói quen hoặc thú tiêu khiển. Chúng ta là anh em với nhau trong Chúa Kitô. Và Người là nền tảng cho tình huynh đệ của chúng ta. Chúng ta không thể là những kẻ vượt rừng đơn độc, tự mình tìm cách vượt qua nó. Chúng ta cần đến tình huynh đệ và sự tin tưởng, sự cảm thông và trách nhiệm: tất cả là thành quả từ tình bạn chân chính. Chúng ta có thể chia sẻ gánh nặng và niềm vui của mình, xây dựng lẫn nhau và cũng gánh vác trách nhiệm cho nhau, cùng mời gọi người anh em của chúng ta nên thánh.

Chúng ta cũng cần học tập một thói quen đón nhận: một nền văn hóa đón nhận với lòng biết ơn phải luôn song hành trong mọi tương tác của chúng ta - chắc chắn là với các anh em linh mục khác (lần cuối cùng chúng ta đón nhận một thành viên trong linh mục đoàn của mình là khi nào?), nhưng cũng như đối với mọi người chúng ta gặp gỡ. Sự đón nhận luôn mang tính xây dựng. Và khi chúng ta cần đưa ra những lời lẽ cứng rắn, khi những lời lẽ như thế xuất hiện từ một môi trường biết đón nhận nhau, thì chúng sẽ dễ dàng được tiếp thu hơn.

Cuối cùng là kiên trì cầu nguyện. Thật dễ dàng để biến nó thành ưu tiên cuối cùng trong một ngày bận rộn, đặc biệt là vào những ngày khô khan. Đúng là rất dễ để bỏ qua việc cầu nguyện khi chúng ta mệt mỏi. Và một khi chúng ta bắt đầu ngừng cầu nguyện, thì việc chúng ta không còn để tâm đến việc cầu nguyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng đời sống nội tâm - trung thành với cầu nguyện (ý tôi không chỉ là các Giờ kinh Phụng vụ, mà là cầu nguyện cá nhân, dành thời gian trò chuyện với Chúa mỗi ngày) - là điều tuyệt đối quan trọng đối với đời sống người môn đệ của chúng ta. Và khi chức linh mục không được củng cố từ nền tảng của cầu nguyện trong tư cách người môn đệ, thì chỉ có bi kịch xảy ra, chắc chắn là đối với linh mục, và cũng thường xảy ra đối với những người được giao phó cho ngài coi sóc. Vì vậy, cho dù chúng ta có cảm thấy mệt mỏi, tổn thương, xấu hổ, bực bội, thất vọng, tức giận hay tê liệt đến đâu: Đừng bao giờ ngưng cầu nguyện.

 

Tác giả:  Msgr. Michael Heintz* - Nguồn: The Priest (15/7/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

---------------------------
* Đức ông Michael Heintz
là một linh mục thuộc Giáo phận Fort Wayne-South Bend, phục vụ với tư cách là giám học tại Chủng viện Mount St. Mary ở Emmitsburg, Maryland.

484    02-08-2023