Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Hành hạ con mèo

 

Tám mươi lăm năm trước, G.K. Chesterton nhìn vào xã hội ông đang sống và thấy những điều làm ông phiền muộn. Đây là nhận xét của ông:

Vào buổi chiều khi đứa trẻ quá mệt mỏi với chuyện “giả vờ”; khi nó chán làm một tên cướp hay một tên mọi rợ thanh cao. Đó là lúc nó hành hạ con mèo. Đến một thời điểm trong nếp sống nhàm chán của một nền văn minh thứ trật, khi con người mệt mỏi với chuyện giỡn chơi thần thoại, cái cây là cô dâu, mặt trăng làm tình với chàng trai. Hiệu ứng của tình trạng chán ngắt này giống nhau ở khắp mọi nơi; nó có trong mọi chuyện nghiện ma túy và nghiện rượu, cũng như trong mọi hình thức kích liều. Con người đi kiếm những tội ác lạ lùng hơn hoặc những cảnh khiêu dâm kinh khủng hơn để làm chất kích thích cho giác quan đã chai sạn của mình. Họ chạy theo các tôn giáo điên rồ cũng vì lý do đó. Họ ráng đâm chọc các dây thần kinh của mình để có cảm giác đang sống, như thể bằng con dao của các tư tế Baal. Họ mộng du và cố gắng tỉnh dậy bằng cơn ác mộng.

Chesterton quả là thiên tài! Tôi đã đọc đoạn trên từ nhiều năm trước và chưa bao giờ quên được. Kể cả khi người ta không hoàn toàn đồng ý với đánh giá của ông, cũng không ai có thể tranh cãi với cách diễn đạt của ông. Hơn nữa, không cần phải gắng sức tưởng tượng mới thấy được bằng chứng của điều mà ông đang diễn đạt trong nền văn hóa của chính chúng ta ngày nay. Có đầy rẫy các ví dụ đáng chú ý: buôn lậu ma túy là một trong những ngành kinh doanh lớn nhất thế giới, khiêu dâm trên internet là căn bệnh nghiện lớn nhất trên thế giới, lạm dụng rượu tràn lan khắp nơi, các vận động viên và những nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí khoe khoang rằng họ đã ngủ với hàng ngàn người, thậm chí còn khoe ra vào các trung tâm cai nghiện như cơm bữa, những người nổi tiếng xuất hiện ở các bữa tiệc, mang valy đầy cô-ca-in, và những tên buôn lậu ma túy tìm thị trường ngay nơi các em học sinh tiểu học của chúng ta. Rõ ràng nhiều người trong số chúng ta ngày nay cũng đang cố gắng đâm dây thần kinh của mình để có cảm giác đang sống bằng cách tăng liều mạnh.

Nhưng chúng ta không cần nhìn vào cuộc sống của những người giàu và nổi tiếng mới thấy được chuyện đó. Không ai trong số chúng ta miễn nhiễm. Chúng ta chỉ làm chuyện đó một cách vi tế hơn. Chẳng hạn như chúng ta gắng gỏi chống lại bệnh nghiện công nghệ thông tin. Không phải internet và vô số các chương trình, điện thoại, thiết bị và game liên quan tới internet là xấu xa. Chúng chẳng xấu xa gì. Thực ra chúng ta là thế hệ hết sức may mắn có được điều kiện tiếp cận thông tin và tiếp cận lẫn nhau ngay lập tức và liên tục. Các điện thoại thông minh chưa từng thấy, những chương trình internet hay hơn, và những thứ như Facebook cũng không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao sử dụng chúng theo cách không bị nghiện, vừa ở cái cách chúng ta đáp lại áp lực phải liên tục mua những công nghệ mới hơn hẳn, nhanh hơn hẳn, hào nhoáng và mạnh hơn, lẫn trong chuyện chúng ta không thể để chúng kiểm soát đời mình. Chúng ta cũng không ngừng chán những gì mình đang có và cách nào đó cũng tìm cách tăng liều mạnh để đâm chọc dây thần kinh làm cho chúng ta có cảm giác đang sống.

Bất cứ khi nào điều này xảy ra, chúng ta bắt đầu mất kiểm soát đối với đời mình và thấy mình đang ở trong guồng xoay nguy hiểm mà trong đó chúng ta bắt đầu mất đi cảm giác vui sống thật sự.

Antoine Vergote, nhà tâm lý học nổi tiếng người Bỉ, có một câu thần chú như sau: Quá mức là cái thay thế cho thưởng thức thật sự. Chúng ta đi tới chỗ quá mức trong mọi chuyện vì chúng ta không còn có thể giản dị thưởng thức chúng nữa. Chính khi chúng ta không còn thích ăn thì ăn quá mức; không còn thích uống thì uống quá mức; không còn thích tiệc tùng thì để mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát; không còn thích môn thể thao đơn giản thì cần các loại thể thao cực đoan; không còn đơn giản thích hương vị sô-cô-la thì ta cố ăn tất cả sô-cô-la trên thế giới. Nguyên lý này cũng đúng, thật ra còn đúng hơn nữa, đối với tình dục.

Hơn nữa, quá mức không chỉ là cái thay thế cho thưởng thức; nó còn chính là điều rút kiệt mọi sự thích thú khỏi đời sống chúng ta. Người nào đã cai nghiện được đều sẽ bảo chúng ta như vậy. Khi quá mức thì hết thích thú, và cũng hết tự do. Thay vào đó là thèm muốn không chế ngự được. Bấy giờ chúng ta bắt đầu kiếm tìm một thứ không phải vì nó sẽ đem lại thích thú, mà vì chúng ta bị thôi thúc phải có nó. Quá mức là cái thay thế sự thích thú vì nó không đem lại sự thích thú thật sự, mà nó đẩy chúng ta tới chỗ càng quá mức hơn, một điều gì đó cực đoan hơn, với hy vọng rồi thì sự thích thú mà chúng ta đang mong tìm được cuối cùng sẽ tới. Đó là điều mà những hình ảnh ẩn dụ của Chesterton – hành hạ con mèo và đâm chọc dây thần kinh để có cảm giác đang sống – diễn đạt.

Câu trả lời là gì? Sống giản dị hơn. Nhưng chuyện này nói thì dễ hơn làm. Chúng ta sống trong áp lực không ngừng, từ trong chính bản thân và từ bên ngoài. Cái áp lực đòi tăng liều mạnh này là liên tục khôn nguôi. Nhưng đây chính xác là lúc chúng ta phải áp dụng một thứ khắc kỷ cố tình, có chủ tâm và cứng cỏi hơn. Nói theo lời của Mary Jo Leddy, đôi khi chúng ta bắt buộc phải nói ra, thật sự nghĩ vậy, và thực hành điều này trong cuộc sống: Như vậy đủ rồi. Tôi có đủ rồi. Tôi đủ rồi. Đời sống đủ rồi. Tôi cần thích thú những gì tôi đang có với lòng biết ơn.

J.B. Thái Hòa dịch

809    25-11-2017