Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Hành trình Cho và Nhận

Có ai đó đã nói: “Yêu thương cho đi là yêu thương có thể giữ được mãi mãi” hay: “Thật hạnh phúc cho những ai biết cho mà không hề nhớ đến, biết nhận mà không hề quên đi”. Tương tự, thánh Phaolô từng xác tín “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Riêng tôi, sau một chuyến đi với đoàn khám chữa bệnh từ thiện thì cho và nhận là một hành trình của tình yêu, của hy sinh, của hạnh phúc nên không thể tính toán hay cân đo đong đếm, vì cả cho và nhận đều là những món quà vô giá. Hành trình đó như thế nào. Xin mời cùng tôi khám phá qua chuyến đi khám chữa bệnh của Chị em Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp cùng các Y Bác sĩ và một số thiện nguyện viên.

4 giờ sáng Chúa Nhật ngày 20/10/2019, chúng tôi lên đường. Để thuận tiện cho việc di chuyển, đoàn chúng tôi chia làm 2 xe, 1 xe 15 và 1 xe 30. Xe 15 chỗ ngồi thì xuất phát từ Sài Gòn lúc 3g sáng, còn xe 30 chỗ  xuất phát từ bệnh viện Thống Nhất (Thánh Tâm), Đồng Nai. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia cùng với đoàn. Đặc biệt hơn nữa, hôm nay lại là ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, trong tháng truyền giáo ngoại thường mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập để mời gọi tất cả mọi người đã rửa tội hãy ra khơi thả lưới, để cho ƠN CỨU ĐỘ được nở hoa. Bước lên xe nhìn thấy các thành viên cười nói rôm rả, ai cũng ổn định chỗ ngồi đâu vào đấy, có vẻ như mấy anh chị, mấy em đã quá quen với những chuyến đi như thế này. Sau khi quân số đầy đủ và ổn định, xe lăn bánh. Vì trời còn tối và chắc vẫn còn ngái ngủ nên một vài người tranh thủ làm thêm một hai giấc để có sức khỏe chiến đấu cho một ngày dài. Riêng tôi, vì là lần đầu tiên nên rất náo nức và khấp khởi. Ngồi trên xe, tai tôi lại văng vẳng lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cha muốn mọi người hãy ra đi! Cha muốn Giáo Hội hãy ra ngoài đường phố để loan báo Tin Mừng. Cha muốn chúng ta tự bảo vệ chống lại những gì là….thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín chính mình…. Cha muốn một Hội Thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, Một Hội Thánh không quá tĩnh lặng, không quá thư thái… mà hãy ra đi loan truyền Ơn Cứu Độ, để cho mọi người nhận biết Đức Kitô chính LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT, và LÀ SỰ SỐNG.”

Mặt trời bắt đầu ló rạng tỏa những tia nắng đầu tiên chào đón vạn vật. Mọi người cũng tỉnh táo dần và dường như mắt mở thì miệng cũng mở nên lại xôn xao cười nói. Quãng đường từ Hố Nai đến Định Quán không xa, lại càng như ngắn hơn bởi những tiếng cười nói của mọi thành viên. Nhất là có sự góp vui thật tinh nghịch và dí dỏm của em ……. Thiệu, một thiện nguyện viên rất trung thành và có mặt trên từng cây số với đoàn. Sau gần 2 tiếng khởi hành, đoàn đã đến một nhánh sông. Mặc dù từ bờ này sang bờ kia chỉ khoảng 50 mét, nhưng vì không có cầu nên chúng tôi phải qua bằng phà. Chưa đầy 5 phút, phà đã đưa đoàn chúng tôi an toàn qua sông. Xe tiếp tục bon bon trên con đường đã được trải nhựa. Dường như nhánh sông không những là nơi phân chia về địa lý mà còn là làn ranh phân cấp giàu nghèo. Bên kia sông ồn ào náo nhiệt sầm uất bao nhiêu thì bên này sông yên ả, thanh bình với những nếp nhà giản đơn nghèo khó bấy nhiêu. Chào đón chúng tôi là những bụi cây rậm rạp, thỉnh thoảng có lô cao su, đâu đó lại có những vườn cây ăn trái cam, quýt, bưởi và một vài ruộng lúa khô cằn xơ xác. Nhà dân thì nằm rải rác hai bên đường. Từ bến phà, đi thêm khoảng 20km, chúng tôi dừng chân tại nhà thờ giáo xứ Xuân Sơn thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Khác với sự tưởng tượng của tôi, nhà thờ khá khang trang, nằm trong khuôn viên rộng lớn, sạch đẹp, có đầy đủ nhà khách, nhà giáo lý, … Chánh xứ là Cha Đaminh Nguyễn Quốc Hưng. Cha và Ban Hành Giáo đã chuẩn bị rất cẩn thận và chu đáo. Các phòng học giáo lý được tận dụng và dọn dẹp để làm nơi khám chữa bệnh. Trong nháy mắt, đoàn từ thiện đã biến thành bệnh viện mini với các phòng khám nội, nhi, mắt, siêu âm, đo điện tim, nha khoa, và phòng cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Các bệnh nhân ngồi đợi ở những băng ghế dài được xếp gọn gàng trật tự trước các phòng khám. Mỗi phòng khám có một nhân viên ngồi gọi tên và hướng dẫn để bà con không chen lấn ồn ào. Sau khi ổn định mọi sự, công việc được bắt đầu rất nhịp nhàng uyển chuyển.

Tôi có nhiệm vụ gặp gỡ các em thiếu nhi trong nhà thờ để chia sẻ một vài kỹ năng sống giúp các em tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị rắn cắn, bị bắt cóc và bị xâm hại tình dục. Sau đó chị Maria Trần Thanh Bích Phượng hướng dẫn các em cách vệ sinh răng miệng. Các em được Dì tặng cho một bàn chải đánh răng và một tupe kem đánh răng Bé Ngoan. Sau khi chia sẻ với các em, tôi trở về chuyên môn của mình là cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Đảo mắt nhìn khắp một lượt, tôi thấy bà con đến khám chữa bệnh khá đông, nhưng lại rất trật tự và hợp tác với đoàn từ thiện. Ai nấy rất nghiêm túc, không xô lấn, không ồn ào và luôn theo mọi sự chỉ dẫn của thiện nguyện viên. Để xua tan sự mệt mỏi, chờ đợi và căng thẳng, em Nguyễn Thiệu đã tạo rất nhiều tiếng cười và niềm vui cho bà con.

Khoảng 12 giờ 45 phút, vì số lượng bệnh nhân đến khám còn nhiều nên đoàn đã quyết định ăn trưa và hẹn bà con 13 giờ 30 phút sẽ tiếp tục khám chữa bệnh. Cha và Ban Hành Giáo, Hiền mẫu và các em Giáo Lý viên đã chuẩn bị cho đoàn những mâm cơm thật thịnh soạn và đẹp mắt. Mọi người cố gắng tranh thủ đánh nhanh rút gọn nhưng vì quá ngon miệng không chỉ vì những món ăn vừa miệng, hấp dẫn mà còn vì muốn ăn hết những tình nghĩa đong đầy trong từng miếng thịt, lát cá chiên hay chén canh chua nên gần 13 giờ 30 phút chiều, bữa cơm mới kết thúc. Khoảng 14 giờ, chúng tôi tham dự thánh lễ Chúa Nhật do Cha xứ Chủ sự. Còn một vài Y Bác sĩ ngoài Công Giáo tiếp tục khám chữa bệnh cho bà con. Dự lễ xong, chúng tôi mau chóng vào vị trí để tiếp sức cho mọi người. 15 giờ 30, mọi sự đã hoàn thành. Ai cũng muốn về ngay nhưng để đáp lại sự nhiệt tình của Cha và Giáo Xứ, chúng tôi lại lót dạ bằng một tô bún bò và tráng miệng bằng kem tuyết mát ngọt lịm. Trong bữa ăn, Cha xứ có đôi lời cảm ơn đến các Dì, các Y Bác sĩ, các thiện nguyện viên. Cha cầu chúc và mong ước tất cả những điều tốt đẹp nhất đến với đoàn để đoàn tiếp tục hăng say ra đi đến những nơi đang cần đang thiếu. Những lời cám ơn của Cha không bóng bảy, không hoa ngữ nhưng rất chân tình và ấm áp như một lời động viên khuyến khích chị em không quản hy sinh vất vả để đem niềm vui đến với người nghèo. Đáp lại lời Cha, Chị Maria Nguyễn Thị Khang cũng đại diện đoàn, để bày tỏ lòng biết ơn đến Cha và Giáo Xứ đã tạo mọi điều kiện để chị em được đến đây trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo. Chị cũng gửi lời cám ơn đến các Y Bác Sĩ, các thiện nguyện viên, các ân nhân đã sát cánh cùng với Chị Em Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, và chị tiếp tục mời gọi anh chị em sẵn sàng hợp tác trong những lần kế tiếp. Để ghi dấu, đoàn đã mời Cha cùng chụp một tấm hình kỷ niệm ngay cuối nhà thờ.

Chiếc xe lại lăn bánh đưa đoàn trở về. Xin tạm biệt Cha, tạm biệt bà con trong Giáo Xứ cũng như bà con lương dân. Xin Chúa tiếp tục ân ban những ơn cần thiết xuống trên Cha và toàn thể bà con nơi đây. Đến bến phà, mọi người lại lục tục xuống xe để qua phà. Thế nhưng, … vì gầm xe hơi thấp nên bị kẹt lại. Đầu xe đã yên vị trên phà, còn đuôi xe thì nằm yên trên bờ không nhúc nhích. Đến cái xe vô tri vô giác cũng lưu luyến, không nỡ rời xa mảnh đất nghèo khó nhưng chan chứa tình người này. Hết người này đến người khác giúp sức, có lúc mọi người xúm vào hò dô ta đẩy một tay mà xe ta vẫn không động đậy. Sau hơn nửa tiếng loay loay tìm cách này cách khác, được sự giúp cứu của nhiều người và chắc cũng không thiếu những lời cầu nguyện tha thiết, cuối cùng, cả xe và người đã an toàn trên phà và lại vượt sông đến bến bờ bình an.

Chuyến đi đã khép lại, nhưng trong tâm trí của tôi và chắc cũng của nhiều người, dư âm của hành trình còn đọng mãi. Lần đầu được tham gia, hứa hẹn cho những lần sau được tiếp tục. Những gì chúng tôi cho đi và những gì chúng tôi nhận được đều không thể so sánh, không định vị được trọng lượng hay giá trị vật chất. Với người dân giáo xứ Xuân Sơn thì chắc họ biết ơn và cảm phục chúng tôi lắm. Nhưng với chúng tôi, những mệt mỏi, những hy sinh chúng tôi cống hiến thật sự rất bé nhỏ, nếu tôi đem so sánh với sự hy sinh quên mình của những nhà truyền giáo xưa và nay đang miệt mài nơi biên cương sứ vụ. Các ngài không chỉ đi một hai ngày, mà các ngài bỏ cả tương lai sự nghiệp, bỏ tất cả các tiện nghi, điều kiện vật chất đầy đủ để lăn lộn, sống với, sống cùng, chia sẻ kiếp nghèo nàn thiếu thốn với những người dân quê mùa, dốt nát, nghèo khó, bệnh tật, … để mang ánh sáng văn minh tình thương đến mọi nơi, mang tình yêu Chúa đến cho mọi người. Nhưng tôi chắc chắn, điều tôi cảm nghiệm hôm nay cũng chính là điều các các nhà truyền giáo xưa và nay từng cảm nhận. Đó là hành trình cho và nhận ngang nhau, đều là hành trình của tình yêu và hạnh phúc.

Cho nên những đóng góp của chúng tôi dù nhỏ bé, chẳng đáng là gì, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đi, sẽ tiếp tục dấn thân, tiếp tục hy sinh và công hiến. Quan trọng nhất là, chúng tôi sẽ mãi mãi là những người con Chúa mang trong mình trái tim của tình yêu, của bình an và hạnh phúc để trao ban cho mọi nơi chúng tôi hiện diện và mọi người chúng tôi gặp gỡ.

                                                                                                  Sr Kim Huệ 

643    24-10-2019