Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng

jesusshepherd5orig

Chuyện kể rằng có một người đến hỏi nhà hiền triết: “Thưa ngài, ngài là người hiểu rộng và khôn ngoan.  Vậy ngài có thể cho hay; đất với trời cách xa bao nhiêu?” Nhà hiền triết trả lời: “Cách nhau một mét”. Người nọ thắc mắc: “Thưa ngài, con người ta hầu hết cao hơn một mét. Vậy thì người ta sẽ đâm thủng cả trời hay sao?” Nhà hiền triết cười và nói rằng: “Chính vì thế cho nên, nếu muốn đứng giữa trời và đất thì con người ta phải biết cúi đầu”. Thành ngữ của người Nhật Bản có câu: Bông lúa cúi đầu là bông lúa mẩy”. Còn người Việt Nam chúng ta thường có nhận xét: “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”. Nếu nói cúi đầu là biểu hiện cho lòng khiêm tốn, hiền lành, còn ngẩng đầu là biểu dương cho lòng tự đắc, kiêu căng thì khiêm tốn và hiền từ luôn luôn thắng sự tự mãn, kiêu căng. Một hiện tượng thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, đó là: Lửa cháy bốc lên cao, ngược lại nước thì “mềm mại”, uyển chuyển luôn chảy xuống thấp, vậy mà nước lại thắng lửa. Người ta phải dùng nước để mà dập tắt ngọn lửa!

Thuở xưa, nếu như Eva đừng ngẩng đầu lên thì đâu có nhìn thấy trái cấm hấp dẫn, bắt mắt để rồi thèm thuồng đưa tay hái mà ăn và cho Adam cùng ăn! (x St 3, 1-7). Nếu biết cúi đầu xuống chắc bà đã có thể từ chối lời cám dỗ của con rắn, và như thế thì ông bà nguyên tổ và con cháu sau này sẽ được luôn sống trong hạnh phúc vì sống đẹp lòng Thiên Chúa, không phải đau khổ và nhất là không phải chết.

Hành động cúi đầu là không ngạo mạn, kiêu căng, biết tôn thờ và cảm tạ Đấng tạo hoá đã dựng nên mình, biết hiếu thảo, kính mến cha mẹ, ông bà và biết tôn trọng, yêu thương anh em đồng loại. Con người sẽ trở nên tốt đẹp trước nhan Thiên Chúa và được mọi người quý mến khi nhận biết thân phận của mình chỉ là tạo vật bé mọn để rồi biết khiêm hạ.

Cúi đầu không phải là thái độ của sự yếu đuối, nhu nhược hay hèn kém mà như lời thánh Phao-lo đã nói: “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12, 10). Thật vậy, chỉ khi chúng ta nhận thức được về bản thân mình bé mọn, mỏng dòn, yếu đuối thì khi đó chúng ta sẽ phải tìm đến với Thiên Chúa để xin Người ban ơn, trợ lực cho chúng ta:

Lời thánh Phê-rô nhắc bảo chúng ta: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa.” (1Pr 5, 5-6).

Phúc Âm theo thánh Luca tường thuật lại câu chuyện sau: Có hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, một người Biệt phái và một người thu thuế. Người Biệt phái đứng thẳng (không cúi đầu) và cầu nguyện thế này. “Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không phải như những người khác, giam tham, bất lương, ngoại tình, hay như là tên thu thuế kia. Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, tôi dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của tôi.”Còn người thu thuế đứng ở đàng xa, không dám ngẩng đầu lên, (cúi đầu) nhưng đấm ngực mà rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin Người thương xót tôi bởi vì tôi là kẻ tội lỗi”. Và Tin Mừng ghi lại kết cục là: “Tôi nói cho các ông biết: Người này khi trở về nhà thì được nên công chính còn kẻ kia thì không, vì ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, còn người hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. (x. Lc 18, 10-14)

Một tấm gương vĩ đại để đời cho chúng ta bắt chước, noi theo; Đó chính là gương Đức Giê-su, Qua lời giới thiệu của thánh Phao-lô: “Đức Giê-su Ky-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Thật vậy. Khi hiện diện hữu hình trên trần gian này Đức Giê-su luôn khiêm hạ, Ngài luôn sẵn sàng cúi xuống để nâng con người lên, bài học cụ thể và sâu sắc nhất đó là: Trong bữa tiệc ly, trước khi ra đi chịu khổ hình thập giá, Đức Giê-su đã cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ của Ngài và sau khi rửa chân cho các ông xong, Thầy Giê-su đã nhắn nhủ rằng: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 12-15).

Chúa Giê-su đã khiêm tốn nhận mình là Thầy chúng ta. Vị Thầy đáng kính đã dạy chúng ta bao điều tốt đẹp! Trong đó có một bài học mà Ngài muốn tự tay ghi vào tận tâm hồn của mỗi học trò là chúng ta.

Phúc Âm theo thánh Gioan ghi lại câu chuyện các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một người phụ nữ phạm tội ngoại tình và họ muốn được Ngài cho họ cách để “xử lý” người phụ nữ này. “Nhưng Đức Giê-su cúi xuống viết trên đất” (Ga 8, 6) và Ngài viết điều gì thì chúng ta không được biết, bởi vì thánh sử  không ghi lại. Các nhà chú giải Thánh Kinh thì giải thích rằng: Đức Giê-su viết trên đất như vậy là để cho đám đông đang hung hăng kia “hạ nhiệt” xuống, trầm lắng và bình tĩnh lại. Song rõ ràng thánh Gioan đã “bỏ ngỏ” dòng chữ Thầy viết trên đất. Ở đây, cũng có thể hiểu là  Ngài viết vào tâm hồn mỗi người, (bởi lẽ con người ta được Thiên Chúa tạo dựng bởi đất và thổi sinh khí vào) (x. St 2, 7); nếu vậy, theo bạn Thầy Giê-su đã viết gì vào tâm hồn mình? Có thể là Đức Giê-su muốn viết: “Anh em hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (x. Mt 11, 29).

Từ trong lời mời gọi này tự nó đã toát lên sự khiêm tốn. “Hãy học cùng Tôi”; như hai người bạn cùng rủ nhau học hành. Thật vậy, khi còn hiện diện hữu hình trên dương thế Đức Giê-su vẫn luôn học tập. Thánh Phao-lo xác nhận điều này: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8).

Ngày nay, tuy Đức Giê-su đã vinh hiển, khải hoàn về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha , song trong mọi Nhà thờ, khi nhìn lên Cung Thánh, chúng ta thấy Chúa Giê-su vẫn đang còn đang giang rộng vòng tay trên cây thập tự, hình tượng đó nhắc bảo chúng ta rằng: Đức Giê-su vẫn luôn yêu thương ấp ủ, chở che cho nhân loại, đồng thời Ngài vẫn còn cúi xuống để dõi theo con cái, và để nâng mọi người lên (x. Ga 12, 32) và nhất là khi chiêm niệm hình ảnh này, nhắc nhớ cho chúng ta về bài học khiên nhường và hiền lành của Ngài. Và nếu như mọi người đều thực thi triệt để được hai nhân đức nền tảng này là hiền lành và khiêm nhường của Thầy Giê-su, thì xã hội này sẽ không còn bất ổn, bất công, sẽ không còn giết chóc, chiến tranh, khi đó con người sẽ được hưởng cuộc sống bình an và hạnh phúc.


Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính

397    15-10-2023