Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Hiệp nhất có phải là chuyện không tưởng?

cathopic15049124916731621536x1024
 cathopic


“Hiệp nhất có phải là chuyện không tưởng? Như mọi năm, từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng, Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất của các Kitô hữu được tổ chức, kết thúc vào ngày lễ Thánh Phaolô Tông đồ Trở lại. Nhân dịp này, Exaudi chia sẻ bài viết sau đây về hiệp nhất và những thách thức của nó của Cha Antonio Navarro Carmona, Uỷ viên về Hiệp nhất và Đối thoại Liên tôn của Giáo phận Cordoba, Tây Ban Nha, và cũng là Cố vấn của Tiểu ban về các Quan hệ Liên tôn và Đối thoại Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha.

Thành thật mà nói: đối với nhiều tín hữu, hiệp nhất là một điều xa lạ, và đối với một số linh mục, đó là một lý tưởng cao đẹp nhưng không thể thực hiện được. Trong bài viết này, tôi muốn đưa ra một suy tư sẽ giúp ích cho những ai chưa biết hiểu được thế nào là hiệp nhất và khuyến khích nỗ lực hiệp nhất từ những ai vốn tiếp cận vấn đề này với thái độ hoài nghi.

Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.”(Ga 17,21) Chúa Giêsu bày tỏ một cách rõ ràng ước muốn để các môn đệ của Người sống trong tình yêu duy nhất nơi cùng một gia đình, nối dài một cách hữu hình mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa Tình Yêu trong thế giới. Chỉ như vậy, sứ mạng của Giáo Hội mới có thể trở nên liền mạchtrổ sinh hoa trái. Thật không may, những Kitô hữu chúng ta lại không thực hiện được ước muốn này của Đức Kitô vì tội lỗi và việc thiếu đi đời sống chứng nhân từ phía chúng ta. Thực trạng này càng trở nên đau thương hơn vì nó lại xảy ra khi mà tính duy nhất của các Kitô hữu đã bị phá vỡ bởi những mâu thuẫn phức tạp. Thực tế này là một chướng ngại rõ ràng cho sứ mạng đem Tin Mừng đến với nhân loại, vì sự chia rẽ giữa chúng ta là một phản chứng đối với những người không phải là Kitô hữu. Hoàn toàn đúng khi nói rằng sự thánh thiện và duy nhất mà Chúa Kitô mong muốn cho Hội Thánh của Người tồn tại nơi Giáo Hội Công Giáo, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả mọi thành viên của Giáo Hội đều sống trọn vẹn sự thánh thiện và duy nhất đó; thế nên, chúng ta cần phải được biến đổicần phải khơi dậy những điều đó như một bổn phận. Tương tự như vậy, chúng ta không thể cứ mãi thờ ơ khi mà có rất nhiều người tuyên xưng danh Đức Kitô nhưng lại tách biệt với nhau.

Do đó, nhiệm vụ cấp bách là khôi phục lại tính duy nhất của Giáo Hội, trước hết vì đó là điều Chúa muốn và cũng bởi vì, nếu không có sự duy nhất này, thì sứ mệnh đem lại ý nghĩa cho Giáo Hội cũng sẽ giảm đi hiệu quả. Phong trào theo đuổi sự duy nhất của các Kitô hữu được gọi là “hiệp nhất [hay còn gọi là “đại kết”]. Hiệp nhất không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì có những vết thương lịch sử sâu sắc giữa các nhóm khác nhau, sự lạnh nhạtdám nói là do những bất đồng mạnh mẽ về giáo lý đức tin và các Bí tích. Hơn nữa, còn có những nhóm Kitô hữu nhìn vào chủ trương hiệp nhất bằng sự nghi ngại.

Ở đây, cần nhắc lại rằng không có sứ mạng nào mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta là “dễ dàng”. Người bảo chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù của mình, và hãy nên thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh... Việc bỏ cuộc vì cho rằng sự duy nhất của các Kitô hữu (cũng như sự thánh thiện) là “một điều bất khả thi” cho thấy một sự thiếu đức tin to lớn vào những lời hứa của Đức Kitô và ân sủng của Người.

Hiệp nhất phải được thực hiện từ cả hai góc độ, đó là tôn trọng sự thật và sống tình bác ái. Trong cuộc đối thoại thần học, các chuyên viên từ các Giáo hội khác nhau đã làm sáng tỏ những điểm khác biệt về giáo lý; có sự cân nhắcmột nỗ lực đạt đến những điểm chung lớn lao hơn bao giờ hết, mà không bao giờ rơi vào thuyết tương đối hay chủ nghĩa pha trộn, nhưng chân thành vâng phục Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội. Hơn nữa, việc thúc đẩy các mối quan hệ hỗ tương trong tình yêu và tình bạn là một nhiệm vụ quan trọng, vì thường thì sự chia rẽ không chỉ đến từ học thuyết thuần túy mà còn từ những xung đột lịch sử và định kiến ​​của con người.

Và chúng ta, những tín hữu và linh mục “bình thường” có thể làm được gì? Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta rằng bổn phận hướng đến sự Duy nhất của Kitô giáo thuộc về tất cả các tín hữu (Unitatis Redintegratio, số 5). Do đó, sự tiến triển trong mục tiêu thánh thiêng này sẽ phụ thuộc vào lòng tận tuỵ sự cống hiến mà tất cả chúng ta dành cho nó. Mặc dù bối cảnh tôn giáo nơi nhiều xứ đạo của chúng ta gần như không có sự hiện diện của các Kitô hữu ngoài Công giáo, nhưng người ta vẫn luôn có thể cầu nguyện và dâng Thánh lễ; lời cầu nguyện có một giá trị vô cùng to lớn. Và nếu sự hiện diện của các Giáo hội khác mở ra cho công cuộc hiệp nhất, thì nhiệm vụ của chúng ta là mở rộng mối quan hệ với các cộng đoàn này, theo chỉ dẫn mà huấn quyền Giáo Hội đưa ra. Chúng ta, những người Công giáo, sẽ phải thực hiện bước đầu tiên, noi gương Thiên Chúa, Đấng luôn có sáng kiến ​​trong công trình cứu độ, bất kể sự cố chấp của loài người.

Bản dịch Anh ngữ của Virginia M. Forrester

Tác giả: Antonio Navarro - Nguồn: Exaudi (18/01/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

537    20-01-2022