Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Học, Học và Học mãi

                                              z505909888714922de4e30ce067b487449234be7ddb3b8

Trong quyển Tam tự kinh có viết: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Nghĩa là: ngọc mà không mài dũa, gọt đẽo thì không trở thành viên ngọc tinh xảo, quý giá được, cũng vậy người ta mà không học thì ngu muội, không biết điều hay lẽ phải để áp dụng vào cuộc sống cho tốt đẹp được. Chính vì thế cho nên, ngay từ thuở ấu thơ trẻ em đã phải đến trường học tập về thể dục, trí dục lẫn đức dục, để hình thành và phát triển cả về thể chất và nhân cách, làm hành trang cho tương lai.

            Người Nam Bộ thường dùng câu ca dao sau để ru con:

                “Ví dầu cầu ván đóng đinh,

              Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.

                   Khó đi mẹ dắt con đi,

           Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Như vậy, không chỉ em nhỏ mới phải đi học, mà người lớn trong cuộc mưu sinh, cũng vẫn còn phải học hỏi liên tục... 

 Tiền nhân ta có câu nói tuy mộc mạc nhưng gói ghém ý nghĩa rất thâm thuý: “Học ăn, học nói, học gói học mở”. Nghĩa là muốn thăng tiến bản thân thì người ta phải luôn luôn trau dồi học hỏi từ việc ăn uống, nói năng cho đến việc tưởng chừng như rất đơn giản là gói và mở. (câu tục ngữ này đã có trong dân gian từ lâu đời, nhưng nó vẫn đúng theo thời gian).

1.  Học ăn.

Ăn và uống là hai nhu cầu cần thiết để cho con người duy trì sự sống, vậy nên trong một ngày, và bao lâu còn sống chúng ta phải ăn uống, Thế nhưng ăn uống cũng phải có cung cách, có nghệ thuật của nó để cho người khác nhìn vào. Kiểu ăn, cách uống rất quan trọng vì nó biểu lộ tâm tính của mỗi con người, bởi vậy mới có câu; “Muốn biết tư cách của một người chỉ cần nhìn xem cách họ ăn uống”. Hay “Tính tình con người thể hiện trên bàn ăn”. Trong Thánh Kinh Đức Giê-su đã có lần nói: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia đến nói với anh rằng: Xin anh nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh phải xấu hổ mà xuống ngồi ghế cuối”. (Lc 14, 8-10) Tuy rằng câu Kinh Thánh này Đức Giê-su không trực tiếp nói đến phải ăn uống ra sao, nhưng Ngài đã gián tiếp dạy chúng ta nên ý tứ, khiêm tốn trong khi đi ăn tiệc, như tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy.  Nói chung trong vấn đề ăn uống chúng ta cần phải ý tứ, cẩn trọng mà ăn uống như thế nào cho lịch sự, cho từ tốn...

Riêng về lãnh vực y khoa và tinh thần, chúng ta cũng cần phải học để biết nên sử dụng những loại thức ăn nào cho phù hợp và nên tránh những đố ăn thức uống nào có hại cho sức khoẻ! Người Nhật có câu nói: “Ăn thức uống và uống thức ăn”. (Có nghĩa là khi uống phải chậm rãi và ăn thì phải nhai cho thật kỹ để cơ thể có thể hấp thụ hết chất dinh dưỡng có trong thức ăn). Bên cạnh đó chúng ta cũng phải chọn lựa cho mình những món ăn tinh thần bổ ích, chẳng hạn chọn đọc sách báo, xem phim giải trí lành mạnh. Trong tự điển Việt Nam có rất nhiều từ ghép với chữ ăn: như ăn chay, ăn hiếp, ăn quỵt, ăn hối lộ…Nhưng có lễ điều chúng ta cần ăn là: ăn ngay ở lành, ăn năn sám hối.  

2.  Học nói.

     Thiên Chúa đã ban cho con người một ân huệ rất đặc biệt; đó là tiếng nói. Đối với loài vật thì chúng chỉ biết tru, hú, kêu và hót mà thôi. Riêng con người, Thượng Đế ban cho chúng ta có tiếng nói để giải bày tư tưởng, thổ lộ tình cảm với đồng loại. Vì vậy tiếng nói của con người rất quan trọng. Quan trọng đến nỗi chỉ cần một lời nói thôi cũng có thể làm cho người khác mất hết niềm tin dẫn đến những hành động tiêu cực, ngược lại, cũng chỉ cần những lời nói kích lệ, động viên thì có thể giúp người nghe vượt qua nghịch cảnh! Một lời nói xúc phạm, gây tổn thương cho người nghe chỉ diẽn ra trong vài giây thôi, nhưng để khắc phục nó phải mất rất nhiều thời gian, có khi phải vài năm sau mới làm cho người nghe lành lại được vết thương trong tâm hồn. Vì thế phải luôn nhắc bảo chính mình rằng: “Tôi sẽ canh chừng lời nói của tôi, như canh chừng tù nhân”. Cha ông ta đã từng dạy dỗ: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hoặc “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Kinh nghiệm bản thân đã cho chúng ta thấy. Có những người chúng ta quý mến và không bao giờ quên được, luôn mong muốn cho họ được những điều tốt lành bởi vì họ đã có những lời nói khiến cho tâm hồn chúng ta vui vẻ, phấn khởi. Ngược lại, chúng ta chẳng muốn nhìn mặt những kẻ đã có những lời nói xúc phạm, trà đạp khiến lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương, thậm chí khi hay tin họ qua đời, chúng ta cũng chẳng mấy cảm thấy tiếc thương! Cha ông nói: “Miếng ngon nhớ lâu, lời đâu nhớ đời!” là vậy. Thánh Gia-cô-bê đã ca ngợi những con người sử dụng tốt miệng lưỡi mình: “Ai không vấp phạm về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế bản thân” (Gc 3,2).

Như vậy, để được mọi người yêu thương và kính trọng chúng ta luôn nói năng chân thành và tuyệt đối không bao giờ xúc phạm, bằng cách mạt sát hay chê bai hoặc nói xấu người khác. Trong Tin Mừng thánh Mát- thêu đã nói rõ tầm quan trọng của việc nói năng: “Tôi nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mà mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12, 36-37) (Khi tiếp xúc với ai đó lần đầu tiên, bạn chỉ cần để ý nghe người ấy nói năng thì sau đó bạn cũng có thể đánh giá phần nào về tư cách của họ. Chắc chắn chúng ta sẽ không có thiện cảm và sự tôn trọng dành cho những kẻ hễ mở miệng ra là chửi thề tục tĩu, nói những lời “chợ búa” khó nghe!)

3.   Học gói và mở.

Có người bảo rằng học gói là học cách chi tiêu tiết kiệm điều đó không sai, nhưng ở đây, chúng ta cũng có thể hiểu học gói là biết đóng lại những lỗi lầm trong quá khứ của chính bản thân mình, đừng để cho: “lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm”. Đồng thời cũng biết gói lại những lầm lỗi của anh em, nói cách khác là phải học cách tha thứ cho anh em. Thượng Đế luôn “gói” lại tội lỗi của chúng ta, như lời vua Đa Vit đã cảm nhận: “Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm cũng phủ lấp đi” (Tv 85, 3). Trong câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình. Đức Giê-su đã “Gói” tội lỗi của chị lại khi nói: “Tôi không kết án chị đâu” và Ngài cũng đã “Mở” ra con đường sống cho người phụ nữ, lúc phán: “Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11). Đối với bản tính tự nhiên của con người thì chúng ta sẽ không dễ dàng để tha thứ cho nhau, Nhưng hãy học nơi Thầy Giê-su mà biết cách thứ tha cho anh em để tâm hồn của chúng ta được bình an, thanh thản, và nhất là chính chúng ta cũng sẽ được Thượng Đế thứ tha cho mình, bên cạnh việc học “gói” lại thì chúng ta cũng đừng quên bài học mở ra. Mở ra ở đây là mở con tim của mình ra trước những đau khổ của tha nhân mà có hành động chia sẻ với họ.

Khi con người ta mới sinh ra thì nắm chặt đôi tay, các nhà tâm lý học giải thích rằng: hành vi đó nói lên bản chất con người là vị kỷ, luôn muốn giữ lại cho mình mà không muốn cho đi. Chiêm ngưỡng Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ với đôi cánh tay giang rộng và hai bàn tay mở ra như muốn ban phát ân sủng cho tất cả mọi người dương thế. Vì thế, chúng ta hãy học nơi Đức Giê-su bài học; luôn biết mở bàn tay để cho đi, cũng như luôn mở rộng trái tim để; trước là đón nhận Lời Chúa (Tin Mừng) vào tâm hồn sau nữa là đón nhận và yêu thương tha nhân.

Để thăng tiến thì mỗi ngày chúng ta phải học hỏi để mở rộng kiến thức, và lấy sự hiểu biết đó áp dụng vào đời sống hằng ngày để cho cuộc sống được thêm phần phong phú và có ý nghĩa hơn. Tóm lại: là để hoàn thiện đời sống mình mỗi ngày một hơn như lòng Chúa mong ước.   

Tác giả:  Đaminh. Trần Văn Chính.

291    11-01-2024