Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Học "nhẫn" nơi trẻ em

hocnhan
Tôi có những chuỗi ngày ăn ngủ thực tế tại chùa nơi nuôi các cô nhi, hoặc những trẻ do gia cảnh cảnh nghèo khó mà cha mẹ đành gởi Chùa nuôi dưỡng. Tôi đến chùa tăng thăm hỏi, chơi đùa với các trẻ và quan sát thực tế cách chăm sóc nuôi dạy trẻ của các sư thầy. Và ở chùa ni nhìn cách chăm sóc nuôi dạy trẻ bất hạnh kém may mắn của ni cô. Tôi cũng đến tham quan giao lưu với Hội thánh Tin Lành, nơi cũng có nhóm nuôi dạy trẻ em nghèo, mồ côi. Nhiều năm qua chúng tôi chỉ phụ hỗ trợ phần nào (quần áo, sữa, tã, gạo và có khi là tiền) để các mái ấm nơi nuôi dưỡng trẻ có kinh phí lo cho các trẻ, và chúng tôi chỉ đến khoảng hai, ba tiếng đồng hồ là về nên ít có cơ hội tiếp xúc nhiều để hiểu rõ tâm tánh của các trẻ theo từng giai đoạn phát triển của mỗi lứa tuổi.

Lần này tôi đến ở thực tế vài ngày nên có dịp tiếp xúc lâu với các trẻ. Đúng là “nuôi” cho ăn no thì dễ hơn “dạy” dỗ tính cách trẻ được nên người thành đạt, đức hạnh thì thật là khó khăn và nan giải. Với những trẻ tâm tánh bình thường: ngoan, nghe lời dạy bảo, biết sai biết lỗi biết sửa, biết kính trên, nhường dưới thì có phần nào đó còn dễ dàng. Còn có một số bé cá tính quá manh động, không biết sợ ai, không nhận biết mình đã làm sai (cho dù được nhắc nhở khuyên răn, phân tích) các trẻ đó vẫn khăng khăng cố chấp, hoặc khi làm sai thì tỏ thái độ chống đối theo kiểu “im thin thít”, không nói câu gì cứ “ngông ngông”, không thèm trả lời, không thèm nói tới ai khi được hỏi, cứ thích là chọc là phá các bạn chung phòng, gây gỗ đánh nhau. Với những trẻ cá tính “khác biệt” như vậy nếu ở trường học, hoặc trong gia đình sẽ bị trách phạt, có khi cha mẹ, thầy cô bực tức không kềm lòng được sẽ “đét đít” vài roi hoặc phạt không cho chơi đồ chơi, không cho bánh kẹo đi học, không cho xem tivi, phạt quỳ gối,… tùy trường hợp mà có hình phạt đúng người đúng tội nếu trẻ quá “bướng”. Còn này là môi trường nhà chùa và nhà Chúa nên các thầy, các ni cô, các dì phước phải cố gắng “nhẫn” và dằn lòng để không nổi nóng với trẻ để có lời lẽ dịu ngọt thích hợp mà cảm hóa trẻ. Thường lứa tuổi từ 12 đến 15 - 16 tuổi các trẻ sẽ thay đổi tâm tánh vì hormone sinh học cơ thể thay đổi, lứa tuổi dậy thì thích thể hiện ta đây đã lớn đủ khôn ngoan không cần ai sửa dạy, không cần ai nhắc nhở chuyện gì cả. Gặp những “ca khó đỡ” như thế các sư thầy, ni cô, các dì thường kiên nhẫn khấn nguyện xin ơn trên phù trợ (theo niềm tin tôn giáo tín ngưỡng mà cầu nguyện). Và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ, làm bạn với trẻ để trẻ chịu nói lên suy nghĩ của mình. Chứ bậc tu hành đâu thể hành xử theo thói quen lối sống của người đời: la hét, mắng nặng nhẹ, đánh đòn.

Những ngày ở thực tế nơi nuôi trẻ cô nhi, tôi học được chữ “nhẫn” trong mọi tình huống, “nhẫn” chờ cho trẻ qua lúc bốc đồng manh động bướng không nghe lời, rồi sau đó phân tích nói nhỏ nhẹ cái tốt cái xấu đúng sai để trẻ biết mà sửa lỗi. Chỉ mong những con trẻ này sớm nhận biết hoàn cảnh của mình mà chăm ngoan nghe lời dạy bảo của các sư thầy, ni cô, các sơ để chăm học, biết phụ việc nhà chung, không cố chấp quậy phá. Thật là khổ tâm nuôi cho ăn no, mặc sạch lành lặn đã khó, dạy dỗ tính cách đạo đức làm người cho các trẻ lại càng khó hơn, một mắc xích phải cố gắng “nhẫn” để tháo gỡ. Ở nhà trường ngoài những bài toán, con số, bài văn,… tôi thiết nghĩ một tuần nên tăng thêm giờ dạy đạo đức lễ nghĩa làm người để các trẻ thời hiện đại 4.0 có hành động, suy nghĩ tích cực hơn. Vì có đức tính tốt đạo đức tốt, xã hội mới phát triển toàn diện vì có tài mà không có đức thì cũng khiếm khuyết cho xã hội, tài và đức song song sẽ tốt mỹ mãn hơn.

Tác giả: Maria Sơn Hà Cẩm Tú

527    28-10-2022