Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Hồi ức buồn về những ngày giãn cách

hoiucbuon
Thời gian trôi qua nhanh quá, chuyện đã qua một năm rồi mà trong ký ức của tôi và nhiều người vẫn còn ám ảnh chưa quên được, tưởng như mọi việc mới xảy ra tuần rồi hay gần đây thôi: lệnh giãn cách ở đâu yên đó để phòng chống dịch covid-19.

Giữa tháng 5/2021 chỉ hạn chế đi lại một số quận của Sài Gòn, đến tháng 6/2021 thêm một số quận của Thành Phố Hồ Chí Minh bị giãn cách; trường học, Chùa, Nhà thờ, đơn vị sản xuất, quán ăn đồng loạt đóng cửa. Đến ngày 3/7/2021 gần như 63 tỉnh thành trong cả nước chỉ được di chuyển lòng vòng nội hạt một cách hạn chế. Ngày 19/7/2021 chính thức những chuỗi ngày ngạt thở, mọi công dân trên khắp mọi miền đất nước không được bước chân ra đường (ngoại trừ một số công nhân viên ban ngành được phép di chuyển có giấy đi đường do đơn vị cơ quan có thẩm quyền cấp). Thiếu thốn mọi mặt từ viên thuốc đến thức ăn, những vật dụng cá nhân, người dân ốm đau bệnh tật muốn đi khám bệnh hay mua viên thuốc muốn qua được các chốt kiểm soát là cả một vấn đề nan giải, mỗi chốt kiểm soát có kiểu sử lý khác nhau. Ngay cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của người dân cũng không được các nhân viên thi hành công vụ trực chốt kiểm soát hiểu đúng nghĩa, mà nhiều khi còn làm khó hạch sách shipper giao hàng. Nhân viên trực chốt không xử lý uyển chuyển tình huống thấu tình đạt lý, để người dân sống trong cảnh vừa túng tiền vừa thiếu thức ăn, vừa không được chăm sóc y tế khi sức khỏe yếu kém, để rồi có những cái chết oan uổng khi không được cấp cứu, chữa trị kịp thời... Bốn tháng người dân sống cảnh như bị giam lỏng trong nhà, có rất nhiều trường hợp trầm cảm stress nặng từ các em học sinh đến người lớn. Cảnh doanh nghiệp phá sản không tiền trả lương công nhân, công nhân thất nghiệp không có thu nhập dẫn đến cảnh túng thiếu. Đời sống tinh thần bị ức chế vì chỉ loanh quanh trong nhà, ngay cả đi chợ mua thức ăn cũng không được đi (phải thông qua đội đi chợ hộ). Thức ăn đắt đỏ, không tươi ngon, có gì ăn đó, không có sự lựa chọn, bị người bán gian dối khi cân thiếu bán đắt...

Đó là những bất cập hạn chế của chuỗi ngày dài sống trong lệnh giãn cách. Nhưng cũng có những tình người dễ thương đáng yêu, xuất hiện nhiều lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát. Có những mạnh thường quân, những tình nguyện viên tự phát cứu đói cứu trợ trong cơn dịch bệnh bùng phát mạnh. Người dân miền Tây hướng về Sài Gòn cứu đói bằng lương thực, thực phẩm. Những túi thuốc tình người trợ giúp nhau qua cơn hoạn nạn, lon gạo chia nhau nấu cháo, bó rau chia nhau cho có chất xơ khi gia đình có người già, trẻ em. Cảm động tình người, tình làng nghĩa xóm đùm bọc nhau sống tạm thời bình mà khó khăn đói kém như thời chiến tranh loạn lạc, chỉ vì dịch bệnh covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu. Có những cái chết thương tâm vì dịch bệnh, có nhiều người ra đi trong cô độc không được người thân đưa tiễn, không ít trẻ emphải mồ côi cả ông bà cha mẹ. Cha mẹ già ôm hũ hài cốt cùng với di ảnh của con trẻ về quê khi lệnh giãn cách tạm nới lỏng, chồng đèo con thơ trước ngực, sau lưng là giỏ đồ và thùng carton đựng hũ hài cốt vợ về quê (đầu tháng 10/2021). Bao cảnh tang thương, đói khổ còn in đậm trong tâm trí của nhiều người chưa thể được xóa nhòa để quên đi chuỗi ngày buồn đau .

Giờ đây dịch bệnh đã ổn rồi, cuộc sống trở về gần như bình thường. Nguyện xin ơn trên cho những vong linh đã ra đi trong những ngày đại dịch sớm được vào Nước Chúa (đạo Công Giáo), sớm được vãng sanh về Đất Phật (các tôn giáo khác) để những người còn sống an lòng không phải ray rứt tiếc nuối vì không lo được chu toàn cho người đã khuất trong những ngày cuối đời. Vì thời thế lúc dịch bệnh phức tạp nên người thân ở lại đành bất lực ngậm ngùi tiễn vọng người quá cố mà thôi. Xin yên lòng an nghĩ những vong linh đã ra đi trong trận đại dịch covid-19.


Bài viết được tác giả gửi về Ban BAXH – Caritas Vĩnh Long

544    03-07-2022