Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Hôn nhân đòi hỏi sự trưởng thành và bản lĩnh

 

Hôn nhân, tức việc kết hôn, xưa nay là một chuyện trọng đại và rất nghiêm túc, có thể ảnh hưởng đến cả một đời người. Nhưng việc kết hôn trong thế giới ngày hôm nay có vẻ như không còn được coi là trọng đại nữa, mà thuần tuý mang tính thời thượng, thời trang, và nguỵ trang. Thực trạng buồn này xảy ra là vì sức ảnh hưởng quá lớn của truyền thông, của các ngôi sao, của những người nổi tiếng vốn được cả thế giới sủng ái, ngưỡng mộ và cách nào đó xem như một mục tiêu phấn đấu, nên họ sống làm sao thì đại chúng sẽ theo đường lối của họ. Nhưng tiếc thay, rất ít những người nổi tiếng sống bền bỉ trong ơn gọi cao quý này, mà đa số là sẽ ly hôn sau đó ít lâu. Thế nên, ly hôn trở thành một nét văn hoá mang tính đại chúng, và ly hôn đôi khi trở thành giải pháp B cho những người muốn coi hôn nhân là một “trạm dừng chân” kiểu nguỵ trang, lấy cho có, hoặc cưới như một thứ mô-đen (mode) thời thượng.

Ngày hôm nay, trong Bài Tin Mừng (Mt 19, 3-12), người ta đến hỏi để thử Chúa Giêsu với câu hỏi: “Có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do gì không?” (x. c. 4). Và câu trả lời của Chúa Giêsu là “Không được phép dưới bất cứ lý do gì, trừ lý do cuộc hôn nhân trước là không hợp pháp), còn ngoài trường hợp này thì đều là phạm tội ngoại tình (x. c. 9).

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không ai hiểu theo nghĩa đen đến mức là chỉ người đàn ông mới ly dị vợ mình cách chủ động, mà Chúa muốn nói cả với người phụ nữ chủ động làm chuyện này. Vì hơn bao giờ hết ngày nay, chuyện ông ăn chả bà ăn nem xong rồi chùi mép cho sạch là chuyện rất phổ biến, đến mức người ta còn tự hào gia đình mình rất hạnh phúc nhưng phía sau cái gọi là “hạnh phúc” ấy là cả một sự bất hạnh lớn lao, khi chồng đi đường chồng, vợ đi đường vợ, miễn là đừng để bắt gặp nhau.

Đời sống hôn nhân thật sự là một ơn gọi quá khó, quá căng thẳng, và đòi hỏi sự cam kết dấn thân cả đời của hai người nam và nữ. Chính vì sự cực khó của ơn gọi này mà người ta luôn cảm thấy mình bị cám dỗ để chạy theo một hay nhiều hình bóng khác ngoài vợ hay chồng mình. Người ta bị cám dỗ để cảm thấy phải làm như vậy nhân danh chủ nghĩa yêu thương không trọn vẹn, và nhân danh chủ nghĩa cá nhân, tức sử dụng tự do cá nhân như một phương tiện để biện minh cho mục đích gian dâm. Thế nên, khi người ta bắt bẻ lại Chúa Giêsu với câu hỏi: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" thì Ngài đã trả lời cách trực khởi: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ” (x. c. 7-8).

Đứng trước sự triệt để về tính trong sạch và hợp pháp thánh của ơn gọi hôn nhân, các môn đệ của Chúa Giêsu tự đưa ra kết luận: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ" (c. 10). Và Chúa Giêsu đi xa hơn để khẳng định điều các ông vừa nói: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi” (c. 11). Đoạn Kinh Thánh này, học giả Kinh Thánh và là thần học gia Eugene Hoiland Peterson, đã viết lại theo ngôn ngữ thời chúng ta từ bản gốc Kinh Thánh đã dịch: “Không phải ai cũng đủ trưởng thành để sống đời sống hôn nhân. Đời sống này đòi hỏi khả năng và ân sủng nhất định. Hôn nhân không phải dành cho mọi người. Tuy nhiên, có một số người ngay từ khi lọt lòng mẹ đã không được ban cho một tư tưởng kết hôn…”.

Về quan điểm này, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định rằng “ơn gọi hôn nhân là một ơn gọi hệ trọng, và thậm chí hơn cả ơn gọi tu trì, vì một người đi tu thì có thể hoàn tục để lập gia đình, nhưng một người đã lập gia đình thì không thể ly dị hay bỏ vợ/chồng mình để đi tu”. Vì vậy, để kết hôn thì mỗi người thật sự phải có sự trưởng thành về nhân cách, phải có khả năng thật sự, vì một người trưởng thành sẽ “biết phân biệt cách độc lập giữa sự thật và sự giả dối, tự quyết định về thực tại khách quan của mọi sự” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Tin & Lý Trí, 25).

Vì vậy, đối với những người đã kết hôn mà vẫn ham mê tìm kiếm “phòng nhì” hay “phòng ba”, hay đơn giản là tìm một sự giải thoát qua con đường ly hôn thì đều chưa trưởng thành về một phương diện nào đó dù biết có những hoàn cảnh quá đặc biệt buộc người ta phải ly hôn. Còn đối với những đôi bạn trẻ muốn kết hôn mà trong đầu đã chuẩn bị kế hoạch B (bất quá thì ly hôn), tốt nhất nên dừng lại và không nên kết hôn để tránh những thương tổn và cả nghiệp xấu cho bản thân mình và người khác.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi để tự xét lại chính ơn gọi của bản thân, kết hôn hay không kết hôn. Nếu muốn kết hôn thì bạn phải xét lại bản thân đã có đủ sự trưởng thành về mọi phương diện để đi vào hành trình quá khó và quá nhiều đòi hỏi này hay không, nếu câu trả lời là chưa hay không thì xin đừng nghĩ đến ơn gọi này. Còn đối với những đôi đã kết hôn, bất luận tình trạng của chúng ta đang thế nào, đều được mời gọi để tiếp tục sống đời sống dấn thân cho ơn gọi này bằng tất cả khả năng, sự trưởng thành và trách nhiệm, dù sẽ có những khiếm khuyết, nhưng đó là một hành trình để đôi bạn giúp nhau đi trọn con đường. Và như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Sẽ không bình thường nếu đôi vợ chồng quá bình yên, và sẽ rất bình thường khi chén đĩa bay ra ngoài đường, nhưng phải giải quyết trước khi mặt trời lặn”.

Joseph C. Pham

990    17-08-2019