Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Họp mặt Cựu Chủng sinh Vĩnh Long (Hải ngoại) năm 2022 tại Philadelphia

logo420x420


Phần 1: Lời ngỏ 

Những ngày họp mặt anh em cùng trường đã qua nhưng trong Tuyến (có những anh lớn và nhỏ trong nhóm nên Tuyến xin phép dùng đại danh từ Tôi cho nó gọn) vẫn còn đọng lại những dư âm của niềm vui, sự thân ái từ anh em bạn học cùng trường ngày xưa. Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, gặp mặt rồi cũng phải chia tay nhưng điều quan trọng là mỗi người đem được gì về trong hành trang của mình, tôi chắc rằng sau những ngày này anh em ra về với hành trang đầy ấp những niềm vui những kỷ niệm khó quên. Có những anh em 30, 40 năm mới có dịp gặp lại, có những chuyện vui chuyện buồn 30, 40 năm mới kể lại cho anh em cùng chia sẻ. Mỗi người chắc chắn sẽ có một cảm giác khác nhau về buổi họp mặt. Với tôi những cảm giác nôn nao đã có từ những ngày ban đại diện lên chương trình cho buổi họp mặt. Từ cả năm trước, anh em trong ban đại diện đã có rất nhiều cuộc bàn thảo để lên chương trình cho buổi họp mặt. Từ những suy tư để có thể mang niềm vui, sự thuận tiện nơi ăn chốn ở, đưa đón để anh em có thể vui lòng anh em đến, vừa lòng anh em đi. Thậm chí ban đại diện còn đề nghị anh Trung (New York) đi tiền trạm (nói theo ngôn ngữ quân đội) đến Philadelphia để quan sát thực tế hầu có thể sắp xếp chương trình chu đáo hơn. Càng gần đến ngày họp mặt sự nôn nao càng nhiều hơn, rồi gặp gỡ nhau, chia sẻ vui mừng với nhau qua nụ cười, ánh mắt, qua những ly rượu ân cần mời mọc, sau đó chia tay trong lưu luyến.

Những con sóng trên đại dương bắt đầu từ những cơn gió nhẹ tạo thành gợn sóng lăn tăn rồi sóng nhồi theo sóng, mỗi lúc một mạnh dần lan xa, quay vào bờ ôm ấp bờ cát rồi lại quay ra biển cả để lớp sóng sau tiếp tục công trình thế kỷ. Anh em Cựu Chủng sinh Vĩnh Long (CCSVL) Hải ngoại đã họp mặt được 4 lần, hy vọng càng ngày sẽ càng có nhiều anh em tham dự để niềm vui, tình thân ái, sự liên kết được phát triển, được bền chặt hơn.

Bài chia sẻ này mang tính tổng hợp: Một chút chia sẻ tâm tình, một chút tường trình để anh em không tham dự được có thể biết được một số diễn biến trong dịp họp mặt năm nay. Hy vọng không quá dài để anh em phải nhàm chán khi đọc, hy vọng nó sẽ khơi dậy trong anh em những tâm tình để viết lên đây chia sẻ những điều ấy với mọi người.

Phần 2: Ngày thứ nhất (Thứ Sáu 29.7.2022)

Năm nay qui tụ được 14 anh em cộng thêm thân hữu (phu nhân và con) thì được khoảng 30 người. Thứ Sáu ngày 29.7, Nguyễn Phong Sơn (Houston, Texas) là người đầu tiên đến Philadelphia từ 4 giờ sáng, sau đó là Bùi Quang Dũng (Germany) cùng phái đoàn 3 người đến lúc 9:43am, 10:42am tôi và bà xã đến từ Minnesota. Văn và Sơn đến phi trường đón chúng tôi về nhà thết đãi cơm trưa với món thịt bò chiên bơ và khổ qua, ngon và lạ. Tôi cũng đã làm một ít dưa mắm và nem chua (home made nên không sợ đụng hàng) anh em ăn ai cũng thích nên cảm thấy rất vui. Phùng và gia đình từ California. Anh Trung, anh Đông và anh chị Trí lái xe (đi 2 xe) từ New York đến (anh chị Trí từ California đáp máy bay đến New York sau đó lái xe đến Philadelphia trong chương trình sẽ đưa nhóm của Dũng từ Germany đến New York tham quan, anh Đông thì từ Portland, Oregan đến New York để đi cùng anh Trung cho có bạn đồng hành) chiều thì anh Tân và anh Tri từ Chicago bay đến, Cha Minh (Minnesota) và anh Minh Anh (Philadelphia) cũng đến ngay sau đó để cùng ăn bữa chiều với anh em trong bầu không khí ấm cúng (ấm thật chứ không đùa vì nhiệt độ bên ngoài 90 độ F nên máy lạnh chạy hết công suất vẫn không hạ nhiệt được). Vui thật vui với những câu chuyện cả mới lẫn cũ, ông bà nói rượu vào lời ra là còn thiếu vì bia vào lời cũng ra ào ào chứ đâu kém. Thôi thì đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, chuyện cũ xen lẫn chuyện mới nhưng nhiều nhất vẫn là những giai thoại xoay quanh mái trường xưa. Những biệt danh của bạn bè được nêu lên để tìm xuất xứ. Nào là tại sao có biệt danh “Hùng Ré”, từ đâu ra biệt danh “Mỹ Nghiền” (Sơn lúc đi học tên là Mỹ) dù chẳng hề nghiện một thứ gì, xuất xứ của biệt danh “Ách Đông” Thành D. Ngựa, Thường “Cá Chép”, Phước Sầu Bi… Xuân “Trưởng Ty” chức vụ lớn từ lúc còn là học sinh trung học... còn nhiều và rất nhiều biệt danh, có một sự thật là khi tên ai đó bị trùng lặp thì phải tìm cho ra một biệt danh để phân biệt anh này với anh kia. Hên xui may rủi mà được biệt danh tốt hay không tốt thôi. Có những biệt danh thời học sinh theo các anh tới phút cuối đời.

Chuyện vãn kéo dài đến hơn nửa đêm anh em mới đi ngủ để anh em có sức mà đi thăm thành phố Philadelphia vào ngày mai.

Phần 3: Ngày thứ nhì (Thứ Bảy 30.7.2022)

Sau một đêm ngủ trâu (từ mới học từ anh Văn là ngủ dã chiến trên ghế sofa hoặc trên sàn nhà, một số anh chọn ngủ như vậy cho rộng rãi). Tuy chị Lên (phu nhân của anh Văn chủ nhà) đã thức khuya để thu dọn nhà bếp cho anh em thế mà hôm sau 5:30am tôi xuống nhà bếp đã thấy chị Lên đang chuẩn bị nồi phở cho anh em ăn sáng, chẳng biết chị có ngủ được chút nào không? Sáng nay, anh Tuấn từ Fort Wayne, Indiana và anh Thành từ Boston cũng lái xe đến. Sau món phở điểm tâm cả nhóm bắt đầu hành trình du ngoạn quanh thành phố Philadelphia.

Điểm đến đầu tiên là Liberty Bell (người VN mình hay gọi là chiếc chuông bể) chuông không to nhưng mang một sứ mạng và thông điệp cao cả:

Proclaim liberty throughout all the land unto all the inhabitants thereof
Tạm dịch: Tuyên bố sự tự do trên mọi miền đất nước cho tất cả cư dân.

Một chút tìm hiểu về lịch sử của chiếc chuông và vết nứt qua Google. Chiếc chuông được đúc từ năm 1751 ở bên London và bị nứt từ lần đầu tiên khi đánh thử. Sau đó nó được nấu và đúc lại ở Philadelphia. Không có tài liệu nào cho biết khi nào và tại sao chiếc chuông thứ hai này bị nứt. Vết nứt được sửa chữa lần một nhưng không hiệu quả và khi vết nứt lan rộng ra chia cắt chữ Liberty và chữ Philadelphia thì chiếc chuông câm lặng cho đến bây giờ và có lẽ cho đến mai sau. Không có ai đã từng nghe tiếng của chiếc chuông mà còn sống trên trái đất này.

Tiếp đến chúng tôi thăm Đền thờ thánh John Neumann. Ngài sinh năm 28.3.1811 ở Áo (Austria) và mất ngày 05.01.1860 tại Philadelphia. Ngài được tuyên thánh vào ngày 19.6.1977 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI. Cho đến năm 2022 ngài là vị thánh nam đầu tiên có quốc tịch Hoa Kỳ. Cuộc sống ngắn ngủi với  gần 49 năm thôi nhưng ngài đã kịp để lại cho đời những công trình và gương sáng diệu kỳ. Thăm viếng và đọc kinh cầu nguyện với ngài một lúc, xin ngài nâng đỡ và phù hộ cho con cháu Việt Nam cùng hoàn cảnh di dân như ngài.

Điểm thứ ba chúng tôi đến là Eastern State Penitentiary tạm gọi là nhà tù. Nhà tù này hoạt động từ năm 1829 đến năm 1971. Nơi đây từng là nhà tù rộng nhất, tốn kém nhất của nước Mỹ. Những nhân vật nổi tiếng thế giới từng bị giam giữ tại đây như Al Capone, Willie Sutton… coi cho biết thì được chứ hỏi tôi có muốn ở lại nơi nỗi tiếng này không thì tôi khẳng định là không: trăm lần không, vạn lần cũng không.

30072022nhatu032048x1536
 30072022nhatu042048x1536
 30072022nhatu052048x1536
 3007


Quay về lại nhà anh chị Văn để nghỉ ngơi một chút, ăn tạm bánh mì với xíu mại sau đó tiếp tục đến nhà con anh chị Văn để dùng cơm chiều.

Bữa cơm chiều nay có thêm sự hiện diện của Cha Thúy và em gái Cha đến từ Australia. Gia đình anh Văn đã đặt sẵn một con heo quay tuyệt ngon để ăn với bánh mì và bánh hỏi. Vừa ăn vừa hàn huyên tâm sự, tiếng cười giòn giã vang lên từng chập qua những câu chuyện vui. Bạn xưa gặp lại, bữa cơm đầm ấm, bạn tâm giao đối tửu, có một trong ba điều ấy là đã vui rồi huống hồ là có đủ cả ba điều trong cùng một lúc thì anh em cũng biết là vui đến chừng nào rồi. Sau bữa ăn là tiết mục hát cho nhau nghe. Cha Minh mở đầu bằng một bài hát thánh ca và một bản tình ca (tôi quên mất tên bài hát rồi) sau đó những ca sỹ nghiệp dư bắt đầu giúp vui, từ tiếng hát của người ở USA đến tiếng hát từ Germany, Australia. Từ đơn ca đến song ca còn tôi thì “đại ca” vì không biết hát nhưng vui quá nên cũng “ca đại” Đến 12 giờ đêm cuộc vui phải tạm dừng. Nếu không có Thánh lễ sớm vào ngày hôm sau thì có lẽ bữa tiệc vẫn chưa dừng lại ở đây.

Phần 4: Ngày thứ ba (Chúa Nhật 31.7.2022)

Từ nhà con anh Văn về nhà anh Văn khoảng 30 phút lái xe nên khi đến nơi đã gần 1 giờ sáng nhưng anh em vẫn say sưa chuyện trò đến gần 2 giờ sáng mới chia tay. Nếu ở VN thì anh em phải nghe tiếng gà gáy chập hai giục đi ngủ rồi.

Sáng Chúa Nhật, 6:00 giờ sáng tôi xuống nhà bếp thì gặp anh Trí và anh Văn đang uống cà phê. Ông Từ Trí chắc quen giờ kéo chuông nhà thờ rồi nên dù thức khuya nhưng đúng giờ là phải thức dậy hay sao đấy.

Thức ăn còn nhiều trong tủ lạnh, các phu nhân tiếp tay với chị Lên chuẩn bị bữa điểm tâm. Hôm trước tôi có nhờ chị Lên nấu cho nồi cháo trắng để ăn với dưa mắm, hai món này ăn với nhau thì vừa ngon vừa lành. Nhóm của Dũng từ bên Đức bảo từ ngày rời VN đến hôm nay mới được ăn lại món này, ai không ăn được mắm thì đã có bánh mì xíu mại, xôi đậu phụng… sáng nay không thấy ai dùng “dầu gió xanh”, anh Tri gọi chai bia Heineken là dầu gió xanh vì chai bia có màu xanh. Anh Tri còn thêm một câu chắc như Đinh đóng cột là nếu bị cảm mạo thương hàn nhẹ nhẹ thì cứ uống vào vài chai dầu gió xanh này là “đi” hết (anh Tri không nói rõ là ai “đi”, bệnh thương hàn đi hay bệnh nhân đi nên khi dùng phương pháp này phải cẩn thận theo dõi nhé).

8 giờ sáng chúng tôi ra xe đi đến nhà Đạm, con anh Văn để cùng hiệp dâng Thánh lễ với Cha Thúy. Cha Minh dâng Thánh lễ giỗ ở nơi khác nên không đến được. Trước giờ lễ, anh Đông phụ trách việc tập hát cho anh chị em, nhờ ca đoàn trưởng giỏi, ca viên xuất sắc nên không mất thời gian bao nhiêu, tuy rằng cũng tập bè một bè hai nghiêm chỉnh như ai. Hôm nay Cha Thúy dâng Thánh lễ cầu nguyện, tạ ơn Chúa nhân dịp anh chị Văn kỷ niệm 40 năm thành hôn.

Trong Thánh lễ, sau phần Lời nguyện chung, anh chị Văn tiến lên trước bàn thờ, cầm tay nhau nói lên lời hứa khi lãnh nhận bí tích hôn phối 40 năm trước. Sau đó các anh chị có đôi có cặp đang hiện diện nắm tay nhau tuyên lại lời hứa lúc lãnh nhận Bí tích Hôn Phối.

Lúc đó bà xã tôi rươm rướm nước mắt làm tôi suýt chút nữa là rơi nước mắt theo. Nghe nói sau đó mấy chị em cứ theo bà xã tôi để phỏng vấn: Tại sao lúc đó em(chị) khóc vậy? Cuối thánh lễ Cha Thúy xức dầu chữa lành và tha thứ cho mọi người hiện diện. Vài người đùa: Chúa ơi giờ con yên tâm đi “Đức” (đứt) mà không cần passport rồi !?!?

Bạn Dũng cũng kể một chuyện vui bên Đức. Hôm đó anh em trong cộng đoàn đang chuyện trò thì Cha quản nhiệm mở cửa bước vào vừa đi vừa nói to Đức thắng, Đức thắng rồi… bà con lao xao hỏi: Có sao không không cha, có sao không cha. Cha bảo: Vui quá chứ sao lại hỏi, Đức thắng Hòa Lan 2-0 mà không sao được à… Lạy Chúa tôi, cha đang nghe tường thuật bóng đá, làm anh em một phen hú vía tưởng xe của cha bị hư thắng.

Trưa nay con trai và con dâu anh Văn rất biết ý các bác, các chú, các cô và các dì nên thết đãi món canh chua cá kho, tép rang, đổi khẩu vị nên ăn quá ngon. Cám ơn hai con nhé, cũng xin cám ơn anh chị sui gia của Văn đã cùng với hai cháu chuẩn bị bữa ăn trưa cho chúng tôi. Đạm ơi, con có đọc bài này thì chuyển lời cảm ơn của các chú các bác tới ông bà Nhạc con nhé.

Sau cơm trưa chúng tôi trở về lại nhà anh Văn để họp bàn một số việc của hội CCSVL Hải ngoại.

1. Việc bầu lại Ban Đại Diện và thời gian nhiệm kỳ.
Nhân sự Ban Đại Diện lần này chỉ có thêm nhưng không thay đổi:

  • Cha Giuse Vũ Xuân Minh – Linh hướng.
  • Anh Đặng Quang Trung – Hội trưởng.
  • Anh Nguyễn Phong Sơn – Phó Nội vụ.
  • Anh Nguyễn Bá Trí – Phó Ngoại vụ.
  • Anh Đinh Chí Thành – Phụ tá Ngoại vụ.
  • Anh Nguyễn Đức Minh Anh – Phụ tá Ngoại vụ.
  • Anh Vũ Cư Tuyến – Ban Truyền thông.
  • Anh Nguyễn Toàn Đông – Phụ tá Truyền thông.
  • Anh Phạm Đình Phùng – Thư ký.

Anh em thống nhất ban đại diện sẽ được bầu lại 4 năm một lần.

2. Giúp giáo phận Vĩnh Long. Anh em thống nhất là sẽ hỗ trợ giáo phận trong khả năng của mỗi người.

Anh em bàn thảo một số việc khác như: Địa điểm và thời gian cho lần họp mặt kế tiếp, website của hội…

Buổi hội thảo kết thúc lúc 4giờ 30. Anh em nghĩ ngơi một chút rồi ra nhà hàng ăn tối. Hôm nay anh chị Văn kỷ niệm 40 năm thành hôn, tiếp đãi anh em và quan khách ở nhà hàng China Gourmet, ca đoàn mà anh Văn là ca trưởng phụ trách phần văn nghệ. Lễ hấp hôn rất bài bản, anh chị mặc trang phục cô dâu chú rể trông đẹp đôi lắm chỉ thiếu vẽ bẽn lẽn của cô dâu trẻ là giống như đôi Tân lang và Tân giai nhân vậy.

Ông Bà Võ Minh Văn

Anh em cựu chủng sinh cũng góp một bài hát để đuổi khách về. Nói đùa vậy thôi, chẳng qua anh em bảo với cô MC là khi nào xong tiết mục cuối thì nhóm anh em CCSVL sẽ góp mặt trong bài hát đồng ca chia tay:

Gặp nhau đây rồi chia tay.
Ngày dài như đã vụt qua trong phút giây.
Lòng hăng say còn chưa phai. 
Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy…

Bài hát xong thì đồng hồ cũng điểm 11 giờ đêm, giờ nhà hàng đóng cửa. Anh em giúp một tay thu xếp và đem ra xe giàn âm thanh của Đạm, con của Văn, cháu rất dễ thương, bận rộn nhưng lúc nào cũng tươi cười lễ phép.

Về đến nhà Văn thì đã hơn nửa đêm nhưng anh em cũng ngồi tâm sự đến hơn 2 giờ sáng mới đi ngủ.

Sáng thứ Hai 01.8.2022, sau bữa điểm tâm chúng tôi chia tay nhau, một lần nữa bài hát: Bài ca tạm biệt của nhạc sĩ Viết Chung (một nhạc sĩ Công giáo, ông Giuse Đỗ Quang Trung) được anh em cất lên để tạm biệt nhau… Gặp nhau đây… … …

Hẹn mai ta sum vầy….

Mọi người từ giã trong lưu luyến, mỗi người đi một hướng. Hẹn một ngày gặp lại. Chúa sẽ thương gìn giữ anh em, ban cho anh em sức khỏe, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ để đến hẹn lại lên, đến hội ngộ với anh em đồng môn. Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi… mong rằng chẳng có núi, chẳng có sông nào ngăn được bước chân của anh em đi họp mặt trong những lần kế tiếp.

Thân ái 

Minnesota 03.8.2022

Tác giả: Tuyến Vũ - Nguồn: Cánh Đồng Truyền Giáo

01082022chiatay01
 Từ trái hàng đứng: Đinh Chí Thành, Lâm Quang Tân, Nguyễn Văn Tuấn, Lâm Quang Tri, Nguyễn Toàn Đông, Vũ Cư Tuyến, Bùi Quang Dũng, Nguyễn Bá Trí.
Hàng ngồi từ trái: Phạm Đình Phùng, Cha Nguyễn Minh Thúy, Cha Vũ Xuân Minh, Nguyễn Phong Sơn, Nguyễn Minh Anh.
1163    09-08-2022