Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Huấn từ của Đức Thánh Cha và phần Hỏi-Đáp với giới trẻ trong trường đua xe ngựa Circus Maximus (toàn văn) 1

Rồi chúng con nói đến từ “sự sợ hãi.” Chúng con biết không, những giấc mơ của tuổi trẻ làm cho người lớn hơi sợ một chút. Những giấc mơ đó làm cho họ sợ, vì khi một người thanh niên có ước mơ, người đó sẽ tiến xa. Có lẽ vì họ đã không còn có những ước mơ và phiêu lưu nữa. Cuộc sống thường làm cho người lớn từ bỏ những ước mơ, từ bỏ sự phiêu lưu; có lẽ vì những ước mơ của chúng con thách đố những lựa chọn cuộc sống của họ, những ước mơ làm cho chúng con chỉ trích, phê phán họ. Nhưng đừng để cho bản thân chúng con bị cướp mất những ước mơ. Có một bạn thanh niên ở đây, ở Ý này, hai mươi hay hai mươi hai tuổi, bắt đầu ước mơ và ước mơ lớn. Và cha của bạn đó, một thương gia tầm cỡ, cố gắng thuyết phục bạn đó điều ngược lại nhưng người thanh niên đó nói, “Không, con muốn ước mơ. Con mơ ước những gì con cảm nhận trong lòng.” Và cuối cùng, cậu ấy ra đi, để ước mơ. Và thân phụ của cậu đi theo cậu. Và người thanh niên đó tìm bến đỗ trong giáo phận, cậu ấy cởi tấm áo ngoài ra và đưa cho cha mình và nói: “Xin hãy để con đi theo con đường của con.” Người thanh niên này, một người Ý của thế kỷ XIII, tên là Phanxico và ngài đã thay đổi lịch sử của nước Ý. Phanxico đã liều lĩnh và ngài đã có những ước mơ lớn; ngài không biết đến những giới hạn và nuôi dưỡng ước mơ trọn đời. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: ngài là một thanh niên như chúng ta. Nhưng ước mơ của ngài thật khác người! Người ta nói rằng ngài bị điên vì ngài mơ ước theo cách đó. Và ngài làm quá nhiều việc tốt lành, và cứ tiếp tục như vậy. Tuổi trẻ thường làm cho người lớn hơi sợ một chút vì người lớn đã không còn những ước mơ, họ đã từ bỏ sự phiêu lưu, và họ đã ổn định cuộc sống cho họ đâu vào đấy. Nhưng như cha nói trước đây, đừng để cho bản thân bị cướp mất những ước mơ. “Nhưng thưa cha, làm sao con có thể bảo đảm rằng không ai cướp mất những ước mơ của con?” Hãy đi tìm những nhà giáo có thể giúp chúng con hiểu được các ước mơ đó và biến chúng thành hiện thực, dần dần từng bước trong sự bình an. Rồi đến lượt chúng con, hãy trở thành những nhà giáo giỏi, trở thành những nhà giáo của hy vọng và đáng tin cậy đối với các thế hệ tương lai sẽ tiếp nối chúng con. “Nhưng, làm sao mà chúng con cũng trở thành một nhà giáo được?” Được, một người trẻ tuổi có khả năng ước mơ sẽ trở thành một nhà giáo, qua chứng tá của người đó. Vì chính từ những chứng tá nó làm rung động và thay đổi các tâm hồn, và thể hiện những lý tưởng mà cuộc sống mỗi ngày thi hành. Ước mơ là một sức mạnh lớn. “Thưa cha, vậy con mua ở đâu được loại thuốc tạo ước mơ cho con?” Không, thuốc đó chẳng giúp được gì đâu! Thuốc đó không làm chúng con biết ước mơ, nhưng chúng sẽ làm cho tâm hồn chúng con ngủ say. Chúng sẽ đốt sạch các nơ-ron của chúng con. Không thể mua được ước mơ. Ước mơ là một món quà, một quà tặng từ Thiên Chúa, một món quà Chúa gieo vào tâm hồn chúng con. Ước mơ được ban tặng cho chúng ta miễn phí, và vì thế chúng ta cũng phải trao tặng chúng cho người khác một cách nhưng không. Hãy cho đi những ước mơ của chúng con: không ai làm cho chúng con trở nên bần cùng. Hãy trao tặng cho người khác một cách nhưng không.

Chúng con thân mến: hãy nói “Không” với sự sợ hãi. Thầy giáo đó nói gì với con? Ông ấy có sợ không? Có, có lẽ ông ấy sợ; nhưng ông ấy đã phân tích mọi vấn đề, ông ấy rất bình tĩnh. Nhưng tại sao ông ấy lại không muốn một cô nữ sinh đi theo cùng con đường? Ông ấy làm cho con sợ. Và ông ấy nói gì? “Hãy học kinh tế: em sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.” Đây là một cái bẫy, cái bẫy của tiền bạc, cái bẫy nhử chúng con vào sự giàu sang mà không trở thành một người lữ khách trên con đường ước mơ của mình. Hãy phiêu lưu trên con đường đó: đừng e sợ. Hãy phiêu lưu, vì chúng con sẽ là người biến giấc mơ của mình thành hiện thực, vì cuộc sống không phải là một tờ vé số: cuộc sống phải được biến thành hiện thực. Và tất cả chúng ta đều có khả năng làm điều đó.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nói: “Tôi chưa bao giờ gặp được một người bi quan mà lại đạt được những điều tốt đẹp” (Phỏng vấn của Sergio Zavoli với Đức ông Capovilla, số 6, 2000). Chúng ta phải học điều này, vì nó sẽ giúp ích cho chúng ta trong cuộc sống. Và sự sợ hãi làm chúng ta trở nên bi quan. Đừng bi quan. Hãy phiêu lưu, hãy ước mơ và tiến tới.

Câu hỏi hai

Martina

Thưa Đức Thánh Cha, con là Martina và con 24 tuổi. Một giáo viên đã yêu cầu con phải suy tư về lý do tại sao thế hệ của chúng con thậm chí không thể tự chọn cho mình một chương trình ti vi, chỉ nói riêng về cam kết đối với những mối quan hệ lâu dài …

Trong suy nghĩ, con thấy rất khó nói là con đã đính hôn. Con thích nói rằng con “cùng với” một người khác: như vậy đơn giản hơn cho con! Nó mang tính trách nhiệm ít hơn, ít nhất trong con mắt của người khác.

Mặc dù vậy, trong thâm tâm con cảm thấy mong muốn cam kết lập kế hoạch và xây dựng cuộc sống chung từ bây giờ.

Vậy con thắc mắc: tại sao khao khát xây dựng những mối quan hệ đích thực và ước mơ tạo lập một gia đình bị xem nhẹ hơn những điều khác, và phải phụ thuộc vào việc theo đuổi thực tại nghề nghiệp? Con biết rằng người lớn mong chờ một cái gì đó từ con: tức là trước hết con phải có một sự nghiệp, rồi sau đó con mới bắt đầu trở thành một “người.”

Chúng con cần người lớn nhắc cho chúng con biết rằng thật đẹp biết bao khi mơ ước chung đôi với nhau! Chúng con cần những người lớn có đủ kiên nhẫn để gần gũi với chúng con và từ đó dạy cho chúng con sự kiên nhẫn gần gũi với một ai đó chăm chú lắng nghe chúng con và dạy chúng con biết lắng nghe, hơn là luôn luôn tỏ ra mình là đúng!

Chúng con cần có những điểm tham chiếu, thật mạnh mẽ và chắc chắn.

Cha có nghĩ rằng những hình ảnh thật sự tạo động lực cho người lớn trở nên quá hiếm hoi ở chân trời hay không? Tại sao người lớn lại đánh mất ý thức về xã hội, về sự trợ giúp lẫn nhau, về cam kết đối với thế giới và trong những mối quan hệ? Tại sao điều này có những lúc tác động cả đến các linh mục và các nhà giáo dục?

Con tin rằng là cha, là mẹ, là bạn bè, là anh em … suốt đời là một điều vô cùng quý giá! Và con không muốn từ bỏ niềm tin này!

Trả lời của Đức Thánh Cha

Martina quá dũng cảm, đúng không các con? Bạn ấy làm lung lay tính ổn định cố hữu của chúng ta, và bạn ấy nói bằng nhiệt huyết! Cha muốn hỏi không biết bạn ấy có họ hàng gì với Thánh Gioan Crysostom không mà sao bạn ấy có thể nói quá mạnh mẽ như vậy, với một sức mạnh như thế!

Chọn lựa, quyết định cho bản thân là cách thể hiện sự tự do ở mức độ cao nhất. Chọn lựa và quyết định cho bản thân. Và theo một ý nghĩa nào đó thì đúng là như vậy. Nhưng ý nghĩ về sự chọn lựa mà chúng ta đang hít thở hôm nay là một ý nghĩ về sự tự do không biên giới, không có trách nhiệm và luôn luôn có một mệnh đề để thoát thân: “Tôi chọn … nhưng …”. Bạn ấy đã đụng chạm ngón tay vào vết thương: một lựa chọn cho suốt cuộc đời, lựa chọn yêu thương … Ngay cả đối với vấn đề đó chúng ta cũng có khi nói, chẳng hạn như, “Tôi sẽ chọn, nhưng không phải bây giờ, nhưng khi nào tôi học xong đã.” Rằng “Tôi chọn, nhưng …”. Cái “nhưng” đó chặn đứng chúng ta lại, nó làm chúng ta không tiến tới được, nó làm chúng ta không ước mơ được, nó lấy mất sự tự do của chúng ta. Luôn có một cái chữ “nhưng”, mà có lúc nó lấn át cả lựa chọn của chúng ta, và bóp nghẹt nó. Và từ đó sự tự do bị phân tán và nó không giữ được lời hứa đối với cuộc sống và hạnh phúc. Và do đó chúng ta kết luận rằng cả sự tự do cũng là một trò lừa dối và hạnh phúc không hề tồn tại.

Chúng con thân mến, sự tự do của mỗi con người là một món quà lớn, một món quà được trao ban cho chúng con và chúng con phải nuôi dưỡng để nó lớn lên, để làm cho sự tự do của chúng con lớn lên, để phát triển nó, đó là sự tự do của yêu thương; nhưng tại sao tôi lại phải học xong đại học rồi mới nghĩ đến chuyện yêu đương? Tình yêu sẽ đến khi nó muốn – tình yêu đích thực. Hơi nguy hiểm khi nói về chuyện yêu đương với giới trẻ đúng không? Không, chẳng có gì nguy hiểm cả. Vì tuổi trẻ biết rất rõ rằng khi nào có tình yêu thật sự và khi nào nó chỉ là một sự hăng hái như cái áo khoác của tình yêu: chúng con phân biệt những điều này rất tốt, chúng con đâu có dại! Và vì vậy, chúng ta hãy can đảm nói về tình yêu. Tình yêu không phải là một sự nghiệp: tình yêu là sự sống và nếu hôm nay tình yêu đến, tại sao tôi lại phải đợi đến ba, bốn, năm năm để cho nó lớn lên và làm cho nó vững chắc? Trong vấn đề này cha sẽ yêu cầu các bậc cha mẹ chúng con giúp tuổi trẻ trưởng thành khi tình yêu đến, để tình yêu cũng trưởng thành, chứ không phải chỉ đẩy đưa và nói, “Không được, vì nếu chúng con kết hôn bây giờ, rồi con sẽ có con cái và con sẽ không hoàn thành sự nghiệp được, cũng như tất cả những nỗ lực cha mẹ dành ra cho con”; tất cả chúng ta đã nghe những chuyện như vậy. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải đặt tình yêu vào vị trí hàng đầu, nhưng là tình yêu đích thực; và vấn đề đó chúng con phải học cách phân định, khi nào là tình yêu thật và khi nào nó chỉ là sự nhiệt tình. “Tại sao tôi thấy khó khăn khi nói rằng tôi đã đính hôn?” Tức là, thể hiện ra, đưa ra một thẻ chứng minh mới trong cuộc đời của tôi. Bởi vì có cả một thế giới những điều kiện. Nhưng có một điều khác vô cùng quan trọng: “Nhưng con, con có muốn kết hôn chưa?” “Nhưng, chúng ta phải làm nhiều điều khác: con cứ bước tới theo cách như vầy, cứ giả vờ như không yêu, vùi đầu vào học, rồi bắt đầu một cuộc sống hai mặt.” Kẻ thù lớn nhất của tình yêu là cuộc sống hai mặt. Chúng con hiểu chứ? Hay cha phải giải thích rõ hơn? Kẻ thù lớn nhất của tình yêu không chỉ là ngăn chặn không cho nó lớn lên bây giờ, bắt nó đợi cho đến khi sự nghiệp của con ổn định, nhưng đó là cách sống hai mặt, vì nếu khi nào con bắt đầu yêu cuộc sống hai mặt đó, thì tình yêu sẽ bị đánh mất. Tại sao cha nói điều này? Vì trong tình yêu thật sự, người nam có một nhiệm vụ và người nữ có một nhiệm vụ khác. Chúng con có biết nhiệm vụ lớn nhất của người nam và người nữ trong tình yêu thật sự là gì không? Chúng con có biết không? Đó là sự trọn vẹn: tình yêu không khoan dung với những thái độ nửa vời. Hoặc là tất cả hoặc là không gì cả. Và để làm cho tình yêu lớn lên, cần phải tránh đi những con đường tắt. Tình yêu phải chân thành, rộng mở, can đảm. Ở Argentina mọi người nói như vầy trong tình yêu bạn phải đặt tất cả thịt lên trên lửa.

Có một chi tiết trong Kinh Thánh làm cha rất xúc động: sau khi tạo dựng muôn loài Tạo vật, Kinh Thánh kể rằng Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, “Người tạo dựng lên người nam và người nữ, đều theo hình ảnh của Người.” Đây là tình yêu, hình ảnh giống Thiên Chúa. Vậy Thiên Chúa như thế nào? Người giống như tình yêu hôn nhân đó. Đây là hình ảnh giống Thiên Chúa. Kinh Thánh không kể rằng người đàn ông giống hình ảnh của Thiên Chúa. Không. Cả hai người, cả hai, là hình ảnh giống Thiên Chúa. Và rồi Kinh thánh tiếp tục kể, trong Tân Ước: “người nam sẽ rời bỏ cha mẹ mình mà kết hiệp với vợ mình, và cả sẽ trở nên một thân xác.” Đây là tình yêu. Và trách nhiệm của người nam trong tình yêu là gì? Là hãy làm cho người vợ hay người vợ sắp cưới của mình trở nên nữ tính nhiều hơn. Và trách nhiệm của người nữ trong tình yêu là gì? Là làm cho chồng mình hay người chồng sắp cưới của mình trở thành người đàn ông nhiều hơn. Đó là trách nhiệm cho cả hai người, cùng nhau phát triển. Trong hôn nhân, người đàn ông không thể phát triển một mình nếu anh ta không làm cho người vợ của mình cùng phát triển, và người nữ không thể phát triển trong hôn nhân nếu cô ấy không làm cho người chồng của mình cùng phát triển. Và đây là sự hiệp nhất, và đây là ý nghĩa của việc thân xác trở nên một: cả hai trở nên một, vì người này làm cho người kia phát triển lên. Đây là ý nghĩa của tình yêu và của hôn nhân.

Chúng con có nghĩ rằng một lý tưởng như thế, khi chúng con cảm thấy nó đúng, khi nó chín mùi, lại phải gạt sang một bên để nhường chỗ cho những điều quan tâm khác không? Không, không được. Cần phải phiêu lưu trong tình yêu, nhưng là tình yêu đích thực, chứ không xem sự nhiệt tình như lớp áo khoác bên ngoài là tình yêu.

Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi mình: tình yêu của tôi ở đâu, gia tài của tôi ở đâu? Điều mà tôi xem là quý giá nhất trong cuộc sống là ở đâu? Chúa Giê-su nói về người đàn ông đã bán hết mọi thứ ông ta có để mua viên ngọc quý vô cùng giá trị. Tình yêu là như vậy: bán hết mọi thứ để mua viên ngọc vô cùng quý giá này. Tất cả mọi thứ. Đây là lý do tại sao tình yêu phải chung thủy. Nếu có sự bội ước, là không có tình yêu; hoặc nó là tình yêu bị bệnh, hay là tình yêu vụn vặt không lớn lên được. Bán tất cả mọi thứ để mua một thứ. Hãy suy nghĩ thật kỹ về tình yêu, hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về nó. Đừng e ngại khi nói về tình yêu: nhưng là tình yêu dám phiêu lưu, tình yêu thủy chung, tình yêu làm cho người mình yêu được phát triển, để hai người cùng phát triển. Hãy nghĩ đến tình yêu trổ sinh hoa trái.

Khi cha đi vòng quanh đây, cha đã nhìn thấy một số em bé đang trong vòng tay ôm ẵm của cha mẹ: đây là hoa trái của tình yêu, tình yêu đích thực! Hãy phiêu lưu trong tình yêu!

Câu hỏi thứ ba

Dario

Thưa Đức Thánh Cha, con tên là Dario, con 27 tuổi và con là một y sĩ trong phòng chăm sóc cuối đời.

Trong cuộc sống những thời khắc mà con phải đối mặt với đức tin không phải là hiếm và có lúc con hiểu rằng những hoài nghi vượt quá những sự chắc chắn, những câu hỏi mà con đặt ra đều nhận được câu trả lời không phải là những gì hữu hình mà con có thể đụng chạm đến được, thỉnh thoảng con thậm chí cho rằng những câu trả lời không hợp lý cho lắm.

Con nhận thấy rằng chúng ta phải dành thêm thời gian cho điều này: nó quá khó khăn giữa muôn điều chúng ta phải làm hàng ngày … Và thật không dễ tìm được một sự hướng dẫn và có thời gian để trao đổi và nghiên cứu.

Và rồi có những câu hỏi rất lớn: làm sao một Thiên Chúa vĩ đại và nhân lành (như người ta nói với con) lại cho phép có những bất công trên thế giới? Tại sao người nghèo và người bị gạt ra bên lề phải chịu đựng quá nhiều đau khổ? Công việc của con đặt con phải đối diện với cái chết mỗi ngày, và nhìn thấy những người mẹ hay người cha trong gia đình bỏ lại những đứa con khiến con phải đặt câu hỏi: tại sao lại để điều này xảy ra?

Giáo hội, người mang Lời Chúa đến trên toàn trái đất, dường như ngày càng xa cách và khép kín trong những nghi thức của mình. Đối với tuổi trẻ “những áp đặt” từ bên trên không còn phù hợp nữa, chúng con cần bằng chứng và một chứng tá chân thành của Giáo hội đồng hành với chúng con và lắng nghe những hoài nghi mà thế hệ chúng con đặt ra mỗi ngày. Những vinh quang chẳng đi đến đâu và những tai tiếng thường xuyên bây giờ làm cho Giáo hội ít còn đáng tin cậy trong con mắt của chúng con.

Thưa Đức Thánh Cha, chúng con có thể đọc được tất cả những vấn đề này dưới con mắt như thế nào?

Trả lời của Đức Thánh Cha

Dario đụng chạm ngón tay vào vết thương và lặp lại từ “tại sao” nhiều hơn một lần. Không phải tất cả mọi câu hỏi “tại sao” đều có câu trả lời. Chẳng hạn tại sao trẻ em lại phải chịu đau khổ? Ai có thể giải thích điều này cho cha? Chúng ta không có câu trả lời. Chúng ta chỉ tìm được một ý nghĩa nào đó khi nhìn đến Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Mẹ của Người: ở đó chúng ta sẽ tìm thấy một con đường để cảm nhận một điều gì đó trong tâm hồn và đó là câu trả lời.

Trong Kinh Lạy Cha (x. Mt 6:13) có một lời cầu xin: “Xin chớ để (ND: lead = đưa, dẫn đưa) chúng con sa chước cám dỗ.” Bản dịch tiếng Ý gần đây đã điều chỉnh lại đúng với văn bản gốc, vì nó nghe có thể hơi mơ hồ. Có thể nào Thiên Chúa Cha lại “đưa” chúng ta vào sự cám dỗ? Làm sao Người lại đánh lừa con cái của Người? Dĩ nhiên là không. Và vì thế bản dịch đúng phải là: “Xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ.” Xin cứu chúng con khỏi sự dữ, giải thoát chúng con khỏi những tư tưởng xấu … Đôi khi các ngôn ngữ, ngay cả khi nói về Thiên Chúa, phản lại thông điệp tình yêu của Người. Có lúc chúng ta là những người phản lại Tin mừng. Và bạn nói đến sự phản bội này đối với Tin mừng rằng: “Giáo hội, người mang Lời Chúa đến trên toàn trái đất, dường như ngày càng xa cách và khép kín trong những nghi thức của mình.” Những điều bạn này nói thật mạnh mẽ; nó là một sự phán xét đối với tất cả chúng ta, và một cách đặc biệt là đối với – chúng ta cứ nói thẳng – các mục tử; một sự phán xét đối với chúng ta, những người sống đời tận hiến, những người sống đời tận hiến. Bạn ấy nói rằng chúng ta ngày càng xa cách và khép kín trong những nghi thức của mình. Chúng ta hãy lắng nghe điều này với sự tôn trọng. Không phải luôn luôn là như vậy, nhưng đôi khi nó đúng đấy. Với tuổi trẻ, những áp đặt từ bên trên không còn phù hợp nữa. “Chúng con cần bằng chứng và một chứng tá chân thành của Giáo hội đồng hành với chúng con và lắng nghe những hoài nghi mà thế hệ chúng con đặt ra mỗi ngày.” Và bạn ấy yêu cầu tất cả chúng ta, các mục tử và tín hữu, phải đồng hành, phải lắng nghe, phải làm chứng ta. Nếu tôi là một người Ki-tô hữu, một giáo dân, một tín hữu, một linh mục, một nữ tu, một giám mục, nếu chúng ta là những người Ki-tô hữu không lắng nghe những sự đau khổ, không lắng nghe các vấn đề, không biết im lặng để người khác nói và lắng nghe họ, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể đưa ra được một câu trả lời xác thực. Và trong rất nhiều trường hợp những câu trả lời xác thực không thể đưa ra bằng lời nói: chúng ta phải làm chứng cho chúng, phải phiêu lưu bản thân làm chứng tá. Nơi nào không có chứng tá, nơi đó không có Chúa Thánh Thần. Điều này rất nghiêm túc.

Với những người Ki-tô hữu tiên khởi, người ta đã phải kêu lên: “Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao.” Vì người ta nhìn thấy chứng tá. Họ biết cách lắng nghe, và vì họ sống đúng như Tin mừng nói. Là một người Ki-tô hữu không phải là một địa vị của cuộc sống, không phải một địa vị: “Con cảm tạ Chúa, lạy Chúa, vì con là một người Ki-tô hữu và con không giống như những người khác không tin Người.” Các con có thích lời cầu nguyện này không? (các bạn trẻ trả lời: Không). Đây là lời cầu nguyện của người Pharisê, người giả hình; đây là điều những kẻ giả cầu nguyện. “Nhưng, những con người tội nghiệp, họ chẳng hiểu gì cả. Họ không đi học giáo lý, họ không đi học ở một trường Công giáo, họ không học ở một Đại học Công giáo … họ là những con người tội nghiệp …” Đây có phải là người Ki-tô hữu không? Đó có phải là người Ki-tô hữu hay không? (các bạn trẻ trả lời: Không). Không được! Đây là một điều đáng xấu hổ! Đây là một tội. “Con tạ ơn Chúa, vì con không giống như những người khác: Con đi Lễ ngày Chúa nhật, con làm việc này, con có một đời sống nghiêm túc, con xưng tội, con không giống như những người khác …” Đây có phải là người Ki-tô hữu không? (các bạn trẻ trả lời: Không). Không, chúng ta phải chọn con đường làm chứng nhân. Có một lần trong bữa trưa với các bạn trẻ tại Krakow, một bạn thanh niên hỏi cha: “Con gặp trục trặc một chút tại đại học vì con có một người bạn theo thuyết bất khả tri. Thưa cha, cha bảo con phải nói gì với người bạn theo thuyết bất khả tri này để làm cho bạn ấy hiểu rằng tôn giáo của chúng ta là tôn giáo thật?” Cha mới nói với bạn ấy, “Con à, việc cuối cùng con phải làm là nói gì đó với bạn ấy. Nhưng hãy bắt đầu sống là một người Ki-tô hữu, và bạn ấy sẽ hỏi con tại sao con lại sống như vậy.”

617    20-08-2018