|
Vào cuối thế kỷ thứ nhất, tình hình của các Kitô hữu dưới thời đế quốc Rôma ngày càng trở nên khó khăn vì những cuộc đàn áp không ngừng được thúc đẩy bởi các hoàng đế Rôma, đặc biệt bắt đầu từ hoàng đế Nêrô vào năm 64. Khi viết sách Khải huyền, thánh Gioan bị đày ở đảo Patmos - Hy lạp dưới sự bách hại của một hoàng đế khác là Domiti (81-96). Trong bối cảnh đó nhiều tín hữu sợ hãi và chán nản trước các mối đe dọa tra tấn và chết chóc, họ rời bỏ niềm tin bằng cách tuân giữ các tập tục ngoại giáo.
Sách Khải huyền, hay Khải huyền, nhằm khuyến khích các tín hữu. Về cơ bản, đây là cuốn sách viết về niềm hy vọng Kitô giáo, hay về niềm tin không lay chuyển vào Chúa Giêsu và những lời hứa vinh hiển của Ngài, như vị giáo sư đã nhấn mạnh. Đó là một tác phẩm công bố về sự chiến thắng của sự lành trên sự dữ, chiến thắng của Vương quốc Chúa Kitô trên vương quốc sự dữ.
Sách khải huyền nói về sự sửa đổi cuộc sống của bảy cộng đoàn miền Tiểu Á mà thánh Gioan viết theo phong cách khôn ngoan và mục vụ, và về những điều phải xảy ra sau này – thêm nữa, phần “khải huyền” theo đúng nghĩa, đó là điều được vén mở dưới hình thức biểu tượng, điều sẽ xảy ra đó liên quan đến cuộc chiến giữa Chúa Giêsu Kitô và Satan, giữa sự sụp đổ của những tác nhân xấu và sự chiến thắng của Vương quốc Chúa Giêsu.
Những tai họa được trình bày trong sách không thể được giải thích theo nghĩa văn tự, nó như là các biểu hiệu của những sầu não trên Trái đất, phải vượt qua để sau đó tận hưởng niềm vui Thiên đàng. Những đau khổ của cuộc sống này được tiên đoán nhờ sự Khôn ngoan của Thiên Chúa đối với toàn bộ kế hoạch hài hòa mà chúng ta chỉ hiểu được một phần nào đó thôi. Khải huyền làm cho người Kitô hữu thấm nhuần niềm an ủi và khích lệ không chỉ ở thế kỷ đầu mà còn cho mọi thời đại, bởi vì những sầu khổ của cuộc sống này làm nên một phần của cuộc chiến đấu, chiến thắng của sự Thiện trên sự dữ.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ