Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Khái niệm về ơn gọi

aa7ca58d65ee5fd7ff3e7322cdf49a44


Tôi lớn lên trong một thế hệ được dạy rằng Thiên Chúa ban cho mỗi người một ơn gọi để sống. Trong tập quán tôn giáo thời đó, đặc biệt là trong tu đức, chúng tôi tin rằng mỗi người được đặt trên trái đất này với một kế hoạch thánh thiêng, và Chúa ban cho mỗi người một ơn gọi đặc biệt để chu toàn. Hơn nữa, ơn gọi không phải là điều mà mỗi người được tự do lựa chọn nhưng là được Thiên Chúa ban cho. Nhiệm vụ của mỗi người là nhận ra và hiến thân cho ơn gọi đó, ngay cả khi phải từ bỏ ước mơ của chính mình. Tuy rằng mỗi người vẫn có tự do để chấp nhận hoặc từ chối ơn gọi, nhưng nếu không trung thành với ơn gọi của mình, sẽ nguy cơ là người ấy sẽ  sống một cuộc sống sai lầm.

Thực ra, có một sự thật quan trọng trong quan niệm đó về ơn gọi, nhưng rất cần một vài phân biệt quan trọng. Trước hết, trong lối tu đức này, người ta nghĩ về ơn gọi theo một nghĩa rất hạn hẹp, về cơ bản, họ chỉ hình dung bốn ơn gọi cơ bản: linh mục, tu, hôn nhân, và độc thân. Hơn nữa, họ có xu hướng đặt quá nhiều tính nghiêm trọng vào sự lựa chọn, cụ thể là, nếu bạn chọn sai hoặc nếu bạn chống lại ơn gọi do Thiên Chúa ban cho, thì điều đó có thể gây nguy hiểm cho sự cứu rỗi đời đời của bạn. Ở đây có một số nỗi sợ hãi không lành mạnh liên quan đến việc lựa chọn ơn gọi.

Tôi đã tận mắt chứng kiến ​​điều này khi tôi làm Bề trên giám tỉnh của Dòng trong sáu năm. Một trong những nhiệm vụ của tôi là nộp đơn sang Rôma để xin phép hồi tục cho một số anh em muốn rời bỏ chức linh mục. Tôi thấy có nhiều người trong số họ đã chọn ơn gọi linh mục dưới áp lực rất lớn và với sự sợ hãi giả tạo. Sự lựa chọn của họ không phải là một sự lựa chọn tự do.

Nói như vậy, quan niệm cũ về ơn gọi trên cơ bản vẫn đúng và bị mất đi một cách quá dễ dàng trong một thế giới và nền văn hóa thường đặt tự do cá nhân lên trên hết.

Chúng ta cần tìm hiểu lại tầm quan trọng của việc tìm kiếm ơn gọi của một người và và dâng hiến bản thân cho ơn gọi đó. Phải thừa nhận rằng ơn gọi cần được định nghĩa rộng hơn là việc lựa chọn giữa chức linh mục, đời sống tu trì, hôn nhân, và cuộc sống độc thân. Thay vào đó, ơn gọi cần được định nghĩa là sự tuân theo những mệnh lệnh thầm kín trong tâm hồn, những hồng ân, tài năng, và cả nhiệm vụ bất khả nhượng bên trong chúng ta đó là đặt mình phục vụ người khác và thế giới.

James Hollis, một nhà trị liệu theo thuyết Jung, đãtrình bày từ một quan điểm hoàn toàn thế tục, nhưng đã nêu bật chính xác điểm này. “Những khao khát thực sự và số phận của chúng ta không phải do bản ngã của chúng ta chọn cho chúng ta, mà là do bản tính của chúng ta và “những thần linh. … Một cái gì đó bên trong chúng ta biết điều gì phù hợp với mình và sự khẳng định về cách diễn tả của nó là thứ khiến chúng ta tỉnh thức, thúc đẩy từ bên trong trong những lúc chúng ta bận rộn nhất hoặc khiến chúng ta đố kỵ với người khác. Ơn gọi là một lời mời gọi của tâm hồn. … Cứ như thể chúng ta được sai đến thế giới này với một nhiệm vụ cao cả, và nếu chỉ lơ và quên nhiệm vụ, thì chúng ta đã vi phạm lý do của sự hiện hữu của mìnhĐiều nàyxác thực biết bao!

Nhà bình luận David Brooks, cũng có cùng quan điểm khi cho rằng, ơn gọi là một yếu tố phi lý, trong đó bạn nghe thấy một tiếng nói từ bên trong mạnh mẽ đến mức không thể nghĩ được là sẽ bỏ đi và nơi mà bạn trực giác biết rằng bạn không có lựa chọn, nhưng chỉ có thể tự vấn, trách nhiệm của mình ở đây là gì? Đồng thời, lời mời gọi đến một ơn gọi là một điều thánh thiện, một điều gì đó huyền bí, một tiếng gọi từ sâu thẳm. Vì vậy, việc biện phân ơn gọi của bạn không phải là vấn đề của việc hỏi bạn mong đợi điều gì ở cuộc sống mà là cuộc sống mong đợi điều gì ở bạn.

Vậy thì Chúa Giêsu nói gì về ơn gọi? Như chúng ta biết, Chúa Giêsu thích giáo huấn qua các dụ ngôn, và Dụ Ngôn Về Các Nén Bạc (Mt 25 và Lc 19) tối hậu là về việc mỗi người sống theo ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho. Trong dụ ngôn này, những người biết sử dụng những nén bạc để được nhận sinh lời, và cuối cùng họ được ban cho nhiều hơn nữa. Trái lại, người đem chôn giấu nén bạc của mình, kết cục là bị trừng phạt. Thực chất, sứ điệp của dụ ngôn là thế này: Nếu chúng ta sử dụng tài năng Chúa ban, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa và phúc lành trong cuộc sống của mình; ngược lại, nếu chúng ta không sử dụng tài năng của mình, thì chính những hồng ân đó sẽ trở thành rào cản và thậm chí làm cho tinh thần chúng ta suy sụp. Hãy chỉ cho tôi thấy một người cay đắng và đố kỵ, và hầu hết, bạn sẽ thấy đómột người tài năng, dù ý thức hoặc vô thức, cảm thấy thất vọng vì đã không sử dụng tài năng của mình hoặc sử dụng chúng theo cách không phải để phục vụ người khác. Sự cay đắng và đố kỵ thường là phần còn lại của sự bất hạnh do chúng ta không sử dụng hoặc lạm dụng tài năng và hồng âncủa mình.

Có một tiếng nói được phát ra từ sâu thẳm tâm hồn cho chúng ta biết về tài năng, tính khí, hoàn cảnh, sự nhạy bén về đạo đức và tôn giáo, thậm chí cả những vết thương lòng của chúng ta. Tiếng nói này nhẹ nhàng, nhưng kiên định và không ngừng vang lên, khi nhắc chúng ta rằng chúng ta không được tự ýđể làm bất cứ điều gì mình muốn với cuộc đời của mình, nhưng chúng ta cần từ bỏ điều đó vì một thứ gì đó cao quí hơn bản thân chúng ta.

Và, thực sự có một mối nguy hiểm khi không lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm ấy, mặc dù điều đang bị đe dọa không phải là sự cứu rỗi đời đời của chúng ta, mà là hạnh phúc và năng lực phát triển của chúng ta ngay ở phía bên này của sự vĩnh cửu.


Tác giả: Lm. Ron Rolheiser, OMI - Nguồn: godgossip.org (03/5/2022)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

465    06-05-2022