Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Khát ai ? Ai khát ?

 

          Nước là phần không thể nào thiếu trong cơ thể con người. Con người có thể nhịn ăn trong nhiều ngày nhưng không thể nào nhịn khát được. Như vậy, nước có thể gọi là thực phẩm thiết yếu hay có thể nói nữa quan trọng nhất cho cơ thể người.

          Kinh nghiệm khát nước đó có nơi cuộc đời của mỗi người chúng ta.

          Hôm nay, ta lại bắt gặp hình ảnh khó chịu của dân Do Thái trong hành trình sa mạc. Bực tức, khó chịu và gây sự với Chúa bởi đơn giản đang ở quê hương dù giàu, dù nghèo nhưng không phải đói và không phải khát như khi lang thang trong sa mạc.

          Hẳn ta vừa nghe lời ai oán của dân dành cho Môsê : "Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy". Và rồi, trước lời ai oán đó, Thiên Chúa đã làm cho dòng nước chảy ra từ phiến đá mà Môsê đã đưa gậy đập vào.

          Tiếp tục trong hành trình sa mạc, dân vẫn đói và vẫn khát và vẫn tìm nguồn nước để mà nuôi sống mình. Thế nhưng, thứ nước nuôi dưỡng xác thịt con người không làm thỏa mãn cơn khát thật sự của đời họ. Họ khát thứ nước gọi là nước Trường Sinh, đó chính là dòng nước Cứu Độ không phải từ tảng đá trong sa mạc xưa mà là dòng nước Cứu Độ vọt ra từ chính thân mình Chúa Giêsu.

          Hôm nay, ta bắt gặp hình ảnh rất dễ thương của hai con người trong thân phận làm người. Người phụ nữ đã ra kín nước ở bờ giếng làng gọi là giếng Giacob, và ở nơi đây, chị cũng gặp một người cần nước hay nói cách khác là khát nước như chị. Chị thì có gàu để kín nước và hiển nhiên chị có quyền để làm cho chị và cả người đối phương hết khát. Chị cũng tỏ ra cái thách thức vẻ : "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? “ Nhưng rồi từ cái quyền, tạm gọi là cái quyền mà chị đưa ra thì Chúa Giêsu lại hé mở cho chị cái quyền tối cao của Chúa đó chính là Chúa Giêsu mới là người mang lại khát vọng, mang lại thứ nước mà chị hết khát.

          Rõ ràng rằng trong cuộc sống tạm gọi là thỏa mãn thể xác, thỏa mãn nhục dục, thỏa mãn đam mê, thỏa mãn niềm vui của chị với 5 đời chồng nhưng rồi vẫn chưa dừng được cơn khát. Giản đơn vì là con người, sống trong phận người, khát của thể xác, khát của đam mê, khát của dục vọng không bao giờ chấm dứt. Chỉ chấm dứt khi con người nhắm mắt xuôi đôi bàn tay mà thôi.

          Từ cái khát thể xác, Chúa Giêsu đã gợi cho chị cái khát của linh hồn, cái khác thứ Nước Trường Sinh mà con người uống vào không bao giờ khát nữa. Chính trên Thập Giá, Chúa Giêsu vẫn còn khát cái gọi là khát Thần Khí Chúa và hoàn thành cuộc đời của mình khi phó thác trong tay Thần Khí.

          Con người của Chúa Giêsu trong thân phận làm người vẫn khát Thần Khí, khát Thiên Chúa để rồi khi nhắm mắt lìa đời này Ngài mới thỏa được cơn khát mong thẳm sâu trong đời mình.

          Nhìn lại cuộc đời của ta, chắc có lẽ ta có kinh nghiệm nhiều hơn ai khác về cơn khát của mình.

          Ngày xưa, thời bao cấp, nhiều người trong chúng ta chứ không phải hết, sau ngày “đổi đời 30 tháng 4 năm 1975”, thèm có một chiếc xe chỉ là honda dame để chạy thôi nhưng vẫn khát vì không có. Đầu thập niên 80, vài ba chiếc xe “cánh én” nhập về và ai sở hữu nó có thể vênh mặt để nhìn người hàng xóm không có xe. Sau đó lại lên đời 81, 81 kim vàng giọt lệ, 94 quả địa cầu ... Dream, Future ... và bây giờ thì không biết gì gì nữa.

          Có khi ta đã thỏa 5 đời xe gắn máy rồi nhưng cũng chưa thỏa.

          Có khi ta cũng thay 5 đời xe oto con rồi nhưng vẫn không thỏa được cơn khát của lòng mình.

          Có khi ta cũng đã có 5 cái bằng cấp to nhỏ trong tay rồi nhưng vẫn chưa thỏa cơn khát.

          Có khi ta cũng đã đổi căn nhà đang ở đến căn thứ 5 rồi nhưng vẫn chưa thỏa.

          Có khi ta làm bề trên 5 khóa nhưng vẫn chưa chịu dừng.

          Có khi ta làm chánh xứ đó 5 lần 5 năm rồi nhưng vẫn chưa chịu di dời đi xứ khác cho giáo dân nhẹ thở ...

          Cơn khát của lòng người, cơn khát của lòng ta dường như mãi mãi không nguôi nghỉ.

          Trong cái kinh nghiệm thực tế của đời mình đó, ta liên tưởng và nhớ đến cuộc đời của một vị thánh rất gần với chúng ta đó chính là thánh Augustino. Có thể nói rằng đêm nào không ngủ với gái thì coi như đêm đó không thỏa lòng ... có thể nói rằng với biết bao nhiêu quyền lực trong tay nhưng cũng không thỏa mãn. Cho đến lúc một ngày kia, lòng chạm lòng, mắt chạm mắt, tâm chạm tâm đến Chúa thì thánh nhân hoàn toàn thay đổi. Ngài đã thốt lên : “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”.

          Những ngày tháng gần đây, ít là một tháng vòng lại, ít nhiều gì chúng ta đã tận mắt chứng kiến được những sự ra đi của người này người kia, trong đó có 2 vị giám mục khả kính, một vị cựu giám đốc Chủng Viện Xuân Lộc, vài linh mục, vài nữ tu và vài ông bà cố ... Qua những biến cố của cuộc đời, rất gần và rất thực với đời ta đó, dù la tu sĩ, linh mục hay giám mục cuối cùng cũng nằm xuống để xuôi tay. Bao nhiêu dự tính, bao nhiêu khát khao theo kiểu của con người trần tục cũng phải gác lại. Cuối cùng, tất cả chúng ta, trong niềm tin, chúng ta đều thốt lên với Chúa rằng : “Nhờ lòng thương xót Chúa, xin Chúa thương đón nhận linh hồn cha, sơ, đức cha ... vào hưởng Nhan Thánh Chúa”.

          Trong sâu lắng, chúng ta tự hiểu rằng cái gọi là Nhan Thánh Chúa mới chính là cái khát khao đích thực của đời con người, và, của chính mỗi người chúng ta.

          Trong Mùa Chay Thánh, đặc biệt câu chuyện khát nước của dân Do Thái khi xưa trong sa mạc và câu chuyện bên bờ giếng Giacob hôm nay gợi lại cho ta cơn khát thực sự của đời ta. Trong sâu lắng, ta dừng lại và tự hỏi với lòng mình là ta khát cái gì và ta khát ai trong đời ta. Nên nhớ rằng nước uống, cơm ăn áo mặc, quyền lực cũng chỉ là thỏa mãn cơn khát nhất thời, cơn khát của con người nhưng cơn khát Nước Trường Sinh mới là cơn khát mà con người cần hơn cả. Xin cho ta mau mắn ngày mỗi ngày chạy đến không phải bên bờ giếng Giacob mà chạy đến bên Bàn Thờ Chúa để kín múc Nguồn Mạch Trường Sinh là Chính Mình và Máu Thánh Chúa. Khi và chỉ khi như thế, ta mới thỏa mãn cơn khát thực sự của người Kitô hữu mà thôi.
CTV TT VL 

 

         

 

 

 

976    17-03-2017