Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Khi cầu nguyện: Hãy đóng cửa lại!

Tạo nên một không gian nhỏ cho cầu nguyện trong cuộc sống chúng ta! Đó là điều Chúa Giêsu nhắm tới khi Người nói: ‘Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.’ (Mt 6,6)

Một truyền thống linh đạo gần hai ngàn năm tuổi trong Kitô giáo đã tích luỹ được một kho tàng khôn ngoan để giúp chúng ta dựng nên một môi trường có lợi cho việc cầu nguyện, để cho phép chúng ta ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa xuyên suốt mọi hoạt động của mình; tắt một lời, để gìn giữ sự tự do mà chúng ta có trong tư cách con cái Thiên Chúa, và điều đó bao gồm cả sự tự do để cầu nguyện. Việc đảm bảo rằng chúng ta có tự do để cầu nguyện thường là một thử thách to lớn đối với Kitô hữu và đòi hỏi một số khả năng sáng tạo.

Tính luận lý trong xã hội hiện đại của chúng ta bị chi phối bởi nỗi sợ tình trạng trống rỗng, hay cái dường như là trống rỗng đối với những người chưa bao giờ học được giá trị của thinh lặng hay chiêm niệm, giá trị của việc dành thời gian một mình với bản thân. Các phương tiện giao tiếp hiện đại của chúng ta làm cho chúng ta có thể liên lạc được mọi lúc mọi nơi. Trong quá khứ một chuyến hành trình bằng xe lửa hay bằng xe hơi mang đến một cơ hội cho sự nghỉ ngơi, cô tịch, cầu nguyện, chiêm ngắm tự nhiên, hay phản tỉnh. Ngày nay những chuyến hành trình như thế được lấp đầy bằng những cuộc điện thoại hay nhắn tin. Dĩ nhiên điều đó chẳng có gì là sai. Mục đích của chúng ta không phải là để cô lập chính mình với người khác, nhưng là để tránh đi nỗi sợ tình trạng trống rỗng (horror vacui*), sự phù phiếm và chối bỏ Thiên Chúa tồn tại trong thế giới cũng không may nuốt chửng luôn cả chúng ta.

Chúa Giêsu dạy rằng khi cầu nguyện chúng ta nên vào phòng mình và đóng cửa, có ý rằng chúng ta nên cố tạo ra và bảo quản một bầu khí thuận lợi cho việc cầu nguyện. Đúng là, chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi hầu hết mọi sự chia trí nhưng vẫn không thể thu mình lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa và cầu nguyện. Những Kitô hữu thông thái sống ở Ai Cập vào thế kỷ thứ tư và thứ năm, thường được biết đến là Các Tổ Phụ Sa Mạc, đều đã đã biết quá rõ về cái quy luật của đời sống thiêng liêng này và tuyên bố rằng ngay cả ở trong sa mạc một tu sĩ cũng giữ lại cả thế giới trong tâm hồn mình.

Vì thế ‘đóng cửa’ có nghĩa là sử dụng một khả năng sáng tạo nào đó để tạo nên không gian và bầu khí có lợi nhất để dành thời gian ở với sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó không chỉ là tìm không gian thích hợp để cầu nguyện - ‘căn phòng của bạn’ như Tin Mừng đã nói tới - mà cách đặc biệt còn là học cách để xử lý thời gian, hay đúng hơn là ứng phó với việc thiếu thời gian.

Không thể phủ nhận có những giai đoạn trong cuộc sống chúng ta khi mà các bổn phận chiếm trọn ngày sống của chúng ta và dường như không thể tìm thấy thời gian cho việc cầu nguyện. Nhưng nếu điều này trở thành thói quen, có lẽ chúng ta cần xem lại sự cân bằng trong cuộc sống của mình. Người Kitô hữu chẳng bao giờ nên để công việc hay các hoạt động của mình lấp đầy ngày sống đến mức chẳng còn thời gian dành cho một điều thật sự cần thiết.

Đó là giáo huấn của Chúa Giêsu trong dụ ngôn về người gieo giống hay đúng hơn là dụ ngôn về hạt giống (x. Mc 4,1-20). Trong Tin Mừng hạt giống này là lời nhưng nó cũng có thể được hiểu như ao ước đón tiếp sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi chúng ta.

Cả ngày dài Thiên Chúa gieo vào tâm hồn chúng ta hạt giống ao ước để lắng nghe lời Người, để được kết hợp với Người, để kết giao với Người trong tình bạn, để được hiệp thông với Người. Hầu như mọi lúc chúng ta không để ý đến hạt giống này bởi vì chúng ta lơ là và vội vàng và hạt giống này dễ dàng bị cướp đi mất. Ở những lúc khác chúng ta vui mừng đón tiếp hạt giống này, hạt giống ao ước Thiên Chúa, đấy gọi là cầu nguyện, nhưng sự thiếu bền bỉ của chúng ta không cho phép hạt giống đó bám rễ nơi tâm hồn mình và sự hăng say ban đầu nhanh chóng phai nhạt đi. Hay xảy ra là hạt giống ao ước Thiên Chúa này bị bóp ngạt bởi những lo lắng trần thế, bởi quyến rũ của sự giàu có và bởi những đam mê khác.

Để lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống cầu nguyện cần một mảnh đất thích hợp. Như chúng ta đã biết, mảnh đất tốt này chính là niềm tin rằng Thiên Chúa yêu thích cách chân thành và sâu sắc từng ý nghĩ tốt cũng như xấu của chúng ta, từng cảm xúc cao cả cũng như thấp hèn của mỗi người chúng ta. Mỗi ý nghĩ và cảm xúc đó có thể trở thành một bàn đạp để hướng tâm hồn chúng ta lên Chúa, cho dù chỉ là một giây phút chóng qua, khi chúng ta nói lên điều đó cho Chúa, như Chúa Giêsu đã làm.

Mảnh đất tốt này cũng là niềm vui và bình an đang lớn lên mà chúng ta tìm thấy khi dành ra một khoảng thời gian ngắn ngủi mỗi ngày để cố gắng ở lại trong sự hiện diện của Chúa Cha, cho dù điều này thường thì khó khăn, và làm mới lại lòng cậy trông của chúng nơi Người để tự nhắc mình rằng Người chăm sóc chúng ta:

Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ‘Ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?’ Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy. (Mt 6,31-34)


Nguồn sách: Luigi Gioia, Say It To God (In Search Of Prayer), Bloomsbury 2018.

Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên


* Horror vacui (sợ không gian trống) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Kenophobia (sợ trống rỗng). Trong lãnh vực nghệ thuật, thuật ngữ này có nghĩa là sự lấp đầy toàn bộ bề mặt của một không gian hoặc một tác phẩm nghệ thuật bằng các chi tiết. Trong vật lý, từ này phản ánh ý tưởng của Aristotle rằng ‘thiên nhiên ghê tởm một không gian trống’.

 

1229    26-08-2021