Sidebar

Thứ Hai
09.09.2024

Khoảnh khắc đóng băng

khoanhkhacdongbang1
Nếu có thể đóng băng thời gian ở một khoảnh khắc nào đó, bạn sẽ muốn đó là khoảnh khắc nào?

Tôi xin kể cho bạn nghe về khoảnh khắc tuyệt vời trong đời tôi. Tôi, một gia sư dạy kèm tại nhà cho học trò. Lần nọ, tới nhà học trò, bà nội em ra mở cổng: “Cô ơi, cho cháu tôi xin nghỉ tối nay nhe! Hôm nay sinh nhật nó mà ba nó quên, sáng này ba nó lại đánh nó quá chừng vì lỗi phạm của nó. Nó buồn nên khóc quá trời!” – Dạ, không sao thưa bà. Tôi quay ngược xe chạy đi và lát sau quay lại chính ngôi nhà của em, tay xách theo một cái bánh kem và một số “đồ phụ tùng” để tổ chức sinh nhật. Bà em mở cửa cho tôi vào và cùng với gia đình, chúng tôi mừng sinh nhật em. Niềm vui hiện lên khuôn mặt của từng người. Và niềm hạnh phúc vỡ òa trong lòng tôi.

Tuy nhiên đây không phải là khoảng thời gian tôi muốn đóng băng lại cho bằng câu chuyện tiếp theo đây. Sau buổi mừng sinh nhật em đó, tôi ngỏ ý xin những phần gạo để phát cho những người vô gia cư, hay ngồi ngay những ngã ba, ngã tư đường phố, chìa bàn tay tật nguyền đón lấy những tấm lòng của người qua đường. Vì chủ nhà chỗ tôi dạy đây mỗi tháng họ phát cho người nghèo trên một tấn gạo. Thế là mỗi tháng tôi lại có 150kg gạo để đi thăm và phát cho những hoàn cảnh đáng thương mà tôi gặp đó đây.  Trong đó có “khu ổ chuột” của anh Phong, người từ bé đã từng uống thuốc độc tự tử vì hận người cha vô tình. Anh ở với người chị cũng từng uống thuốc độc. Hai chị em giờ bị tâm thần nhẹ và thoái hóa cột sống. Anh Phong phải ngồi xe lăn. Hai chị em đi bán vé số mỗi ngày để sinh nhai. Cạnh bên là phòng của anh Cường, anh bị tâm thần và không làm được gì. Mỗi ngày, mẹ anh đi lượm ve chai để lo cho con và cho mình. Lắm lúc người mẹ trở bệnh, nằm viện, không thu nhập, cuộc sống lại trở nên ngày một khó khăn hơn. Rồi lại tới phòng của cô Hoa, chồng đi làm hồ ở xa và vừa bị lừa gạt mất tiền, công việc lại lúc có lúc không. Ba mẹ con ở nhà bữa đói bữa no, bữa cơm trắng, bữa cơm với muối mè. Tới mùa học, không có tiền lo cho con, bà mẹ phải gởi một đứa sang nhà bác nó để nó được lo cho đi học.

 

khoanhkhacdongbang
 (Nguồn internet)


Vậy đó, hàng tháng tôi đến thăm và chia sẻ những bao gạo tôi nhận được từ chỗ tôi dạy gia sư. Họ rất vui và trân trọng món quà họ nhận được. Một hôm anh Phong gọi tôi, cô ơi em Cường bị bệnh nặng, nhà không có tiền mua bảo hiểm, không tiền mua thuốc, cô giúp cho Cường có cái bảo hiểm để uống thuốc đi cô! Thế là tôi tìm cách mua cho Cường cái bảo hiểm. Mấy hôm sau, cô ơi, phòng trọ trên lầu có hoàn cảnh đáng thương lắm, cô giúp gạo cho phòng đó đi cô! Tôi lại lên thăm. Căn phòng có một cái toilet, phía ngoài chỉ để vừa tấm nệm và một lối đi vừa cho một người, cộng thêm một khoảng trống nho nhỏ đủ để một bếp ga và một cái tủ. Tấm nệm vừa cũ kỹ, vừa mục rách, vừa có mùi hôi. Nằm trên đó là ông cụ gần bảy mươi tuổi, bị tai biến và một bé gái mười ba tuổi. Cứ tưởng rằng, bé gái là cháu của cụ, ai dè sau một lúc nói chuyện tôi mới ng
ra cụ là cha của bé gái. Mẹ bé chỉ mới bốn mươi, làm lao công. Một mình chị vất vả lo cho gia đình. Gần đây chân cụ bị hoại tử, phải tháo khớp, mỗi ngày tháo một ít. Gia đình phải ăn mì tôm mỗi ngày vì không có tiền mua gạo và thức ăn. Tôi xin thêm phần gạo cho họ vì ai có thể từ chối giúp đỡ hoàn cảnh như vậy!

Vài hôm nữa, anh Phong lại alo, cô ơi, em tôi bị ung thư máu, phải thay máu mỗi tháng mà không có bảo hiểm. Cô giúp em tôi được cái bảo hiểm nữa nhe cô. Em mang ơn cô nhiều lắm!... Tôi hì hục cùng đứa bạn đi thăm gia đình người em của anh Phong. Anh alo cho tôi nhiều đến nỗi tôi phát quạu. Thú thật tôi cũng chưa đủ sự quảng đại để cho đi và nghĩ tốt về anh. Đôi lúc tôi nghĩ, có khi nào anh nghĩ mình là cái máy in tiền để rồi anh cứ alo là có!? Lần đó, ghé thăm những phòng trọ bên cạnh anh Phong, tôi nghe họ nói: “Cô ơi, bao nhiêu gạo cô phát cho anh Phong, anh đều chia lại cho tụi tui. Giờ anh bị sơ gan, cũng gần thời kỳ cuối rồi đó cô! Ở đây, tụi tui chia sẻ với nhau từng hạt muối, từng cọng rau.” Tôi chợt lặng đứng người và muốn đóng băng khoảnh khắc ấy. Cái khoảnh khắc mà tình người đã nở hoa. Tôi chợt nghĩ trong xã hội ngày hôm nay, tồn tại nhiều người giàu và rất nhiều người nghèo. Nhưng thử hỏi, liệu tình người vẫn sẽ nở hoa chăng?

Tôi thầm cảm ơn anh Phong. Nhờ anh, tôi có cơ hội mang những tấm lòng của những nhà hảo tâm đến với những người nghèo khổ. Nhờ anh, tôi biết còn rất nhiều hoàn cảnh đang cần sự trợ giúp của mọi người. Nhờ anh, tôi học được việc không nên phán xét, nghĩ xấu về người khác. Và cũng nhờ anh tôi học được, ngay cả khi không có gì, ta vẫn còn rất nhiều thứ để cho.


Caritas Vĩnh Long

101    30-06-2024