Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Không thể trốn chạy

bq1335


PHÚC ÂM: Lc 10, 25-37


Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông’. “Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.


SUY NIỆM

KHÔNG THỂ TRỐN CHẠY

“Hãy đi và làm như vậy!”


Trong cuốn “Facing Loneliness”, “Đối Mặt Với Cô Đơn” của mình, J. O. Sanders viết, “Vòng lẩn quẩn của các thú vui hoặc thu tích của cải đều là những nỗ lực hoài hơi nhằm chạy trốn những nỗi đau dai dẳng! Triệu phú thường cô đơn hơn người nghèo; vua hài thường bất hạnh hơn khán giả. ‘Không thể trốn chạy’ cô đơn, nếu không biết yêu thương!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Theo Sanders, ‘Không thể trốn chạy’ cô đơn, nếu không biết yêu thương! Thú vị thay! Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều tương tự, ‘không thể trốn chạy’ yêu thương, nếu không muốn cô đơn!  Đó là câu chuyện của một Giôna ‘vùng vằng’ khi ông là ngôn sứ bất đắc dĩ; đó còn là câu chuyện của một người Samaria ‘mủi lòng’ khi ông cứu một nạn nhân bên đường. Điều thú vị ở đây, là dù vùng vằng hay mủi lòng, hai nhân vật này vẫn ‘không thể trốn chạy’ khỏi lời mời gọi yêu thương!

Bài đọc thứ nhất mở đầu cho câu chuyện dài của Giôna. Thoạt tiên, Chúa sai ông mang thông điệp của Ngài cho dân thành Ninivê, một thành thù nghịch của Ngài, “Vì tội ác của nó thấu đến Ta”. Thù nghịch của Chúa, là thù nghịch của Israel, của Giôna. Giôna bất tuân lời Chúa dạy, ông chạy trốn Ngài càng xa càng tốt! Thay vì lên Ninivê, hướng đông; ông xuống tàu đi ngược qua Tarshish, hướng tây. Tuy nhiên, Chúa đâu để Giôna yên, Ngài theo ông đến cùng! Dẫu người ta ném ông xuống biển; một con cá đã chực sẵn đó. Và sau khi cá nhả ông lên bờ, Chúa gọi ông lần thứ hai. Cuối cùng, vì ‘không thể trốn chạy’ và cô đơn mãi, ông buộc phải rao giảng lòng thương xót của Ngài cho Ninivê, mang cho họ thông điệp sám hối; họ ăn năn và được thứ tha.

Nếu Giôna trốn Thiên Chúa để khỏi yêu thương kẻ thù, thì một người Samaria vô danh sẽ nghe tiếng lương tâm mà phục vụ kẻ thù. Ông đã cứu một người Do Thái sống dở, chết dở bên đường; dẫu Do Thái và Samaria là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Nếu Giôna là sứ giả bất đắc dĩ cho Ninivê, người Samaria sẵn sàng là sứ giả cho kẻ thù mình; ông ‘không thể trốn chạy’ yêu thương. Câu chuyện của con người tốt lành này là câu trả lời của Chúa Giêsu cho chất vấn của một luật sĩ, “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”, và “Ai là người anh em của tôi?”. Và để kết thúc cuộc phỏng vấn, Chúa Giêsu nói với nhà thông luật, “Ông cũng hãy đi và làm như vậy!”.

“Hãy đi và làm như vậy!”. Chúa Giêsu đã đi và làm như vậy! Người Samaria đại diện cho Chúa Giêsu; và nạn nhân, đại diện cho cả nhân loại, cho mỗi chúng ta. Khi chúng ta không thể tự cứu mình, trầy trụa, ghẻ lạnh vì tội lỗi; Chúa Giêsu đã rời thiên cung, xuống thế, lưu lại để cứu chúng ta. Chúng ta “sống dở, chết dở”; tiếng Anh diễn tả rất thú vị, “half dead”, ‘chết một nửa’. Ngoài cái chết thể chất, chúng ta có thể ‘chết một nửa’ theo nghĩa lửa trong tim đã tắt; chỉ còn ‘sống một nửa’ và đang lây lất kéo bản thân ‘sống qua ngày, đợi qua đời’ khi không còn một chút nhiệt huyết cho bất cứ điều gì! Có lẽ đó là cách mà nhiều người đang cảm thấy trong những ngày hôm nay do tác động của Corona, dịch bệnh; ‘chết một nửa’, hay tích cực hơn, ‘một nửa còn sống’. Chính trong tình trạng đó, Chúa Giêsu vực chúng ta lên; Ngài đưa chúng ta ra khỏi mồ, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Ngài đã đưa con lên khỏi huyệt để con được sống!”.

Anh Chị em,

Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng luôn chạnh thương mọi người; dù muốn dù không, chúng ta ‘không thể trốn chạy’ khỏi lời mời gọi yêu thương của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã làm gương; đến lượt mình, Ngài trao mệnh lệnh, “Hãy đi và làm như vậy!”. Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy mạnh dạn đến với người gần chúng ta nhất, nở một nụ cười cảm thông, nói một lời khích lệ, một ánh mắt bao dung, trao một cử chỉ yêu thương. Dụ ngôn đã mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận nhiều cách khác nhau và đáng ngạc nhiên mà Thiên Chúa có thể đến chữa lành chúng ta; cùng lúc, quan trọng hơn, mời gọi chúng ta sống yêu thương. Vì cuối cùng, chúng ta ‘không thể trốn chạy’ lời mời gọi này, nếu thực sự chúng ta là môn đệ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì bao lần, con là nạn nhân nửa sống nửa chết của những đam mê tội lỗi; nhưng Chúa đã cứu con. Xin biến con thành một người Samaria cho anh chị em con trong những ngày hôm nay, vì con ‘không thể trốn chạy’ tình yêu Chúa đang mời gọi!”, Amen.


Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

444    04-10-2021