Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Kinh "Bắt Đạo". Một tài liệu quý thời kỳ bách hại thế kỷ 19

 

 
Trong chuyến về Qui Nhơn dự ngày lễ khấn và kỷ niệm ngân khánh, kim khánh của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, ngày 21 tháng 8 năm 2010, tôi được linh mục quản lý Giáo phận trao cho cuốn Memorial Mission de Qui Nhơn 1917- 1919 và như thế ngài đã cung cấp cho gần như trọn bộ “Lưu dấu” Địa phận Qui Nhơn.

 

CacThanhTuDaoVietNam.jpg

 

Khi lật những trang sách, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì quá khứ lịch sử như hiện lên qua từng con chữ. Câu chuyện của linh mục thừa sai F.M Geffroy MEP về “Con Dần”, cô gái 13 tuổi bị bắt cùng cả gia đình vì đức tin thật là cảm động. Cô bé 13 tuổi ấy đã làm các quan tòa Khánh Hòa lúc đó tức giận đến độ trở thành những tên đao phủ khát máu. Trong khi nhiều người kể cả ông bố của mình chối đạo thì cô bé Bình Cang đó đã kiên vững đến cùng. Nên nhớ vào thời kỳ đó, bị bắt bỏ tù nếu không có người nhà cung cấp thực phẩm là kể như chết đói. Làm sao có thực phẩm khi cha , mẹ, chị cả đều bị bắt nhốt. Cả gia đình phải ăn xin để sống. Sau hai năm, mẹ và chị cả chịu hết xiết đã chối đạo, rồi đến lượt thân phụ cũng quyết định bước qua thánh giá. Cô bé đau đớn lắm nhưng không thể ngăn cản được. Phần mình, em quyết theo Chúa đến cùng. Qua ba đời quan Đỗ Phước Thịnh, một con người tàn bạo, kế tiếp là quan Phạm Hành, khoan dung hơn nhưng đến Quan án Tường “ ce trọ trẹ de Huế était un véritable tigre’ ( ông quan trọ trẹ người Huế nầy quả là con hùm thật. Lời cha Geoffroy ). Quan đã buộc người cha bước qua Thánh giá mà cô gái nhỏ lại bất khẳng (không chịu chối đạo), Quan Án Trường cho đánh đập tàn nhẫn đến nỗi cô bé ngất đi và được đem về nhà giam mình đầy máu me. Hai ngày sau, dù các vết thương c̣òn tươi rói nhưng em Dần lại bị đưa đến công đường hành hạ tiếp. Cô bé lại bất tỉnh nhân sự và bị lôi ra bỏ ng̣oài bờ rào vì tưởng chết. Nhưng Sáu Sự, người Phú Yên không chối đạo đã ẵm cô bé vào và cho nằm sấp bất động. Đau đớn nhưng cô bé không hề rên la. Sáu Sự cố gắng đem ra sân gạt ḍi bọ trên các vết thương , tắm rửa và 15 ngày sau, cố bé đã chết trong nổi đau đớn tột độ. Câu chuyện khá dài kể thêm kết cục bi thảm của viên quan bất nhân…chết thối tha và xác cũng chìm mất trên biển cùng với của cải vơ vét.

 

Sự việc nầy xảy ra vào năm 1860, Tự Đức năm thứ 12. Quan án Tường cũng cho chặt đầu bà Bề Trên nhà Phước Mến Thánh Giá Chợ Mới, chú Giuse Hữu, con trai Trùm Ngữ Chợ Mới và cháu ruột của Cậu Bảo. Ông cũng chém đầu sáu giáo dân Bắc Kỳ thuộc khu vực các Giáo sĩ Tây Ban Nha. Các vị bị lưu đày đến vùng đất nầy mà nghe đâu trong số đó có một vị phó tế.

 

Hai trăm năm trước , vào năm 1665, cô bé Luxia Kỳ, 13 tuổi chết bị voi dày cũng vì đức tin tại Thanh Chiêm đã từng làm sững sờ bao người. Rất tiếc dù được ca tụng nhiều các em vẫn chưa được đưa lên bậc chân phước. Ước mong tấm gương các em sẽ giúp giới trẻ nữ công giáo noi theo, can đảm với thánh giá hằng ngày và sống gương mẫu giữa một thế giới sa đọa.


Hy vọng Giáo xứ Chợ Mới, Giáo phận Nha Trang nơi xác các vị tử đạo được cải táng vẫn c̣òn lưu giữ những thánh tích của các đấng chứng nhân đức tin kể trên.


Điều tôi muốn không chỉ là tuyên dương cái chết của em mà còn ghi lại một kinh rất lạ. Ông Trùm Nên ở Chợ Mới một ngày hỏi em, khi bị đánh, em có đau không. Em nói rằng “ Con cảm thấy đau lắm, nhưng con cố gắng không nghĩ đến chuyện đó nữa. Khi người ta bắt đầu đánh con, thì con cũng bắt đầu đọc kinh bắt đạo và lại đọc lại khi đến cuối kinh, và con chỉ ngừng đọc khi người ta không c̣òn đánh con nữa”.


Kinh bắt đạo là kinh gì?


May mắn thay, linh mục Geoffroy đã cho in kinh bắt đạo nầy vào cuối câu chuyện. Kinh nầy trích từ sách thiên (sách giáo lý công giáo) chữ nôm in tại Gia Hựu năm 1864. Bốn năm sau cái chết của em Dần. Như vậy kinh nầy trước đó đă được giáo hữu xử dụng để cầu nguyện.


Tên bình dân là kinh bắt đạo nhưng tên kinh là Kinh dốc lòng giữ đạo cho trọn ( Hễ khi bắt đạo thì hằng ngày ban hôm phải đọc kinh sau nầy).

 

Lạy Chúa tôi, là Đứng ( Đấng) đã dựng trời đất muôn vật, và sinh ra tôi ở đời nầy mà thờ phượng Chúa, nên chính việc tôi phải làm, là tin cậy yêu mến giữ đạo Chúa cho trọn. Mà bởi tội lỗi tôi, nên Chúa đã lấy lòng thương xót mà cho Ngôi Hai xuống thế làm người chịu nạn chịu chết mà cứu lấy tôi, cho khỏi sa địa ngục vô cùng: mà rày tôi chẳng muốn chịu sự khó, mà báo nghĩa Chúa đă thương tôi ngần ấy sao? Ấy vậy từ nầy về sau, dầu tôi phải chịu bắt trói, gông cùm, tù rạc, lưu giam; dầu phải đày đọa, bỏ cha mẹ vợ con của cải; dầu phải gia hình kiềm khảo, chết dữ dằn độc ác thế nào vì đạo Chúa, thì tôi sẵn lòng mà chịu những sự ấy, và tin thật mỗi hình khổ mà kẻ dữ làm khổ cho tôi bây giờ, sánh chẳng bằng một chút hình khổ xưa Chúa đă chịu vì tôi. Vả lại sự dữ tôi phải chịu bây giờ, thì chóng qua chóng hết, mà phần thưởng Chúa dành cho tôi trên nước Thiên đàng, thì vô cùng vô tận. Vậy tôi xin Chúa ban ơn sức mạnh vững vàng cho tôi, đặng bền lòng từ nầy về sau thà chịu mọi hình khổ , dầu rất dữ thế nào cho đến chết, chẳng thà bỏ đạo Chúa tôi, cho đặng sống tạm đời nầy mà ngày sau phải chịu hình phạt vô cùng trong địa ngục. Amen.

 

Hội An ngày 22 tháng 8 năm 2010.

Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng sưu tầm.

NB : Viết dựa vào Mémorial de Qui Nhơn No 145, 4 Novembre 1917, trang 155-162.

2416    19-11-2017