Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Kinh Thánh được hình thành như thế nào?

 

 
Chắc chắn Kinh Thánh không phải một quyển sách rơi từ trời xuống. Thật khó mà tưởng tượng Kitô Giáo lại không có Kinh Thánh. Tuy nhiên thực tế là trong gần 400 năm đầu tiên Giáo Hội mới được thành lập, Kinh Thánh không tồn tại, ít nhất là cách đầy đủ.

KinhThanh.jpg

Việc tập hợp và thành lập Kinh Thánh là một quá trình dài. Trong quá trình ấy, các nhà lãnh đạo của Giáo Hội sơ khai đã phải xem xét tỉ mỉ vô số các bản thảo và nhận định, dựa trên các tiêu chí về sử học, tín lý và thần học, để nhận ra sách nào nên được giữ lại và sách nào không phải là linh hứng.

 

Quá trình hình thành Cựu Ước

 

Tuyển tập các sách ngày nay ta gọi là "Cựu Ước" bản chất là các bản thảo Thánh Kinh Do Thái cổ, tên chuyên môn là "Tanakh", và các sách Kinh Hípri. Các sách thánh này đầu tiên được kể và truyền miệng qua nhiều đời, cho đến khi được viết ra giấy.

 

Khoảng 200 năm trước khi Chúa Giêsu giáng sinh, xuất hiện một bản dịch các sách thánh Do Thái sang tiếng Hy Lạp và được công nhận rộng rãi là bản dịch được linh hứng. Truyền thống kể lại rằng vua Ptolemy II của Ai Cập muốn có một bản dịch Kinh Thánh Do Thái, nên đã mời các trưởng lão Do Thái từ Giêrusalem đến để dịch sách. Tổng cộng 72 trưởng lão, 6 vị từ mỗi chi tộc Israen, đến Ai Cập để dịch sách. Các vị được bố trí thành các nhóm riêng và cho ở các phòng khác nhau để dịch. Khi hoàn tất, các bản dịch được tổng hợp lại, và thật bất ngờ là tất cả các bản đều được dịch bằng câu từ y như nhau, dù không ai bảo ai.

 

Bản dịch này được gọi tên là Bản Bảy Mươi và trở nên phổ thông trong cộng đồng người Do Thái biết tiếng Hy Lạp. Chính các tác giả Tin Mừng cũng đã sử dụng Bản Bảy Mươi này để làm nguồn trích Cựu Ước cho tác phẩm của các ngài.

 

Các giáo phụ Kitô Giáo đã đọc Bản Bảy Mươi và suy tư sách nào được linh hứng thật. Quy điển Công Giáo thêm vào một số sách vốn được viết bằng tiếng Hy Lạp, không có bản gốc tiếng Do Thái và không có trong Bản Bảy Mươi, nhưng được tôn kính và đọc phổ biến giữa người Do Thái thời điểm đó, như sách Giuđitha, Tôbia, Khôn Ngoan, Huấn Ca...

 

Quá trình hình thành Tân Ước

 

Hồi ấy, nhiều bản viết tay về cuộc đời Chúa Giêsu và cái chết của Người được lưu truyền. Tác giả các bản thảo này có thể là chính các Tông Đồ, môn đệ của các Tông Đồ hoặc các tín hữu khác. Hoặc họ đã tận mắt chứng kiến, hoặc đã nghe người chứng kiến kể lại về cuộc đời Chúa Giêsu, và viết ra để truyền cho người khác.

 

Thời gian trôi qua, bản sao các tác phẩm không hoàn chỉnh này phát tán khắp cộng đồng Kitô hữu, và một vài cộng đồng Kitô hữu cố tập hợp lại để đọc vào các Lễ bẻ bánh ngày Chúa Nhật. Song song với các tác phẩm kể về cuộc đời Chúa Giêsu, người ta cũng truyền tay và đọc các thư của các Tông Đồ, trong đó nổi bật nhất là các thư của Thánh Phaolô, và cũng xem đó là linh hứng của Chúa Thánh Thần.

 

Hiến chế Dei Verbum của công đồng Vaticanô II nói rõ: "Các tác giả thánh viết 4 Tin Mừng đã lựa chọn một số trong nhiều điều được truyền miệng hoặc lưu truyền bằng văn bản, giảm thiểu vài điều thành các bản tổng hợp, giải thích những điều khác theo hoàn cảnh của Giáo Hội các ngài, lưu giữ nguyên dạng các tuyên bố, nhưng trong bất kỳ cách nào các ngài cũng luôn nói cho chúng ta sự thật về Chúa Giêsu. Các ý trong các tác phẩm hoặc được lấy từ chính ký ức của tác giả, hoặc nghe từ các nhân chứng "ngay từ lúc khởi đầu đã thấy tận mắt và đã phục vụ Lời" để chúng ta được biết "sự thật"..."

 

Vào thời Thánh Irênê, Giáo Hội đã bắt đầu nói về Tin Mừng "tứ dạng" (quadriform), tức là 4 quyển Tin Mừng của Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan.

 

Từ những năm 300, nhu cầu về việc có một quyển Kinh Thánh thống nhất chính thức ngày càng tăng cao. Các nhà sử học tin rằng nhu cầu có quyển Kinh Thánh quy đến đến chính yếu là từ việc vua Constantinô yêu cầu 50 bản sao Kinh Thánh cho Giám Mục của Constantinople. Mọi sự khởi đầu từ công đồng Laodicea năm 363. Kế đó, Đức Giáo Hoàng Đamasô I yêu cầu Thánh Giêrônimô dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh vào năm 382. Cuối cùng, Thượng hội đồng Hippo (393) và Carthage (397) đã quyết định dứt khoát sách nào được giữ.

 

Mục đích của việc quy điển hoá Kinh Thánh là nhằm loại bỏ mọi tác phẩm sai trái cũng đang được lan truyền phổ biến lúc bấy giờ, và có quy chuẩn rõ ràng để hướng dẫn các nhà thờ sách nào được đọc trong Thánh lễ, sách nào không.

 

Hội Thánh tin xác quyết rằng quá trình tập hợp Sách Thánh này thật sự được hướng dẫn bởi chính Chúa Thánh Thần. Hội Thánh xem Kinh Thánh như tác phẩm của chính Thiên Chúa, được Chúa ban cho Hội Thánh.

 

Theo Philip Kosloski, Aleteia

Gioakim Nguyễn dịch

2555    29-06-2020