Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Kinh Tin Kính : Tôi tin có một phép Rửa để tha tội

Kinh Tin Kính 
Tôi tin có một phép Rửa để tha tội


 
 
Hôm nay thứ Tư Lễ Tro khởi đầu mùa Chay, lễ nghi xức tro lên đầu giúp người tín hữu bày tỏ sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa và anh chị em. Từ đây người tín hữu nhớ lại, Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, là nhìn nhận tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ và hậu quả là con người xa cách Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết. Vì thế, cần phải “quay trở lại” một cách tận căn. Mùa Chay sẽ là thời gian thuận tiện giúp người tín hữu quay trở lại và hoán cải. Mùa Chay cũng là thời gian chuẩn bị cho các dự tòng chịu Phép Rửa để được gia nhập cộng đoàn Kitô giáo vào đêm Phục Sinh. Như thế, khi khuyên nhủ các tội nhân công khai hối cải, Giáo hội cũng khích lệ toàn thể cộng đoàn thống hối; và khi nhắn gởi với các dự tòng, Giáo hội cũng chuẩn bị cho mọi tín hữu sống lại ân sủng Phép Rửa của chính mình. 


Trong nghi thức Rửa Tội, chúng ta tuyên xưng đức tin, lời tuyên xưng trong Kinh Tin kính - “Tôi tin có một Phép Rửa để tha tội.” Với lời tuyên xưng này, chúng ta hiểu rằng: “Bí tích Thánh Tẩy là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội, vì bí tích này kết hợp chúng ta với Ðức Ki-tô Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta, đã phục sinh để chúng ta được trở nên công chính, hầu chúng ta cũng được sống một cuộc sống mới.”[1] Tuyên xưng đức tin lần đầu khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tha hết mọi tội lỗi, đến nỗi không còn gì phải tẩy xóa, dù là tội nguyên tổ hay những tội riêng... Nhưng, ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy không giải thoát chúng ta khỏi bản tính yếu đuối. Trái lại, chúng ta vẫn phải chiến đấu chống lại các xu hướng xấu dẫn chúng ta đến tội lỗi. Vì thế, Hội Thánh cần có quyền tha tội. Chính nhờ Bí tích Giải tội mà người đã được Rửa tội có thể được hòa giải với Thiên Chúa cũng như với Hội Thánh.[2] Thánh Auguttinô đã dạy: "Nếu Hội Thánh không có quyền tha tội, thì chúng ta không còn hy vọng nào, không còn hy vọng được sống đời đời và được ơn giải thoát vĩnh cửu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Hội Thánh một hồng ân như vậy."[3]


Trong việc tha tội, linh mục và bí tích chỉ là dụng cụ, còn Chúa Giê-su Ki-tô mới là tác giả và Ðấng duy nhất ban ơn cứu độ. Ngài đã dùng Bí tích để xóa bỏ tội lỗi và tái sinh chúng ta trong ân sủng.[4] Như vậy, khi tuyên xưng đức tin về ơn tha tội, chúng ta tuyên xưng đức tin về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.  Và "dù có ai gian ác và xấu xa đến đâu... vẫn có thể tin chắc được tha thứ, miễn là chân thành sám hối."[5]


Đến với Bí tích Hòa giải là đến với Thiên Chúa thương xót; đến với Bí tích Hòa giải là đến để được chữa lành, để làm mới tương quan. Thánh Faustina đã viết trong "Nhật ký Lòng Thương xót" của mình rằng: "Mỗi lần đến với Bí tích Hòa giải, con hãy vững tin, hãy đắm mình hoàn toàn trong lòng thương xót của Ta, nhờ đó Ta có thể tuôn đổ muôn vàn ân sủng trên tâm hồn con… Con hãy nói với các linh hồn rằng từ chính suối nguồn thương xót này, các linh hồn sẽ kín múc được những đặc sủng bằng chiếc bình của lòng tin. Nếu lòng tin của họ lớn, thì cứ đến kín múc lấy mà dùng vì lòng nhân hậu của Ta thì vô hạn."[6]


Tuyên xưng “có một Phép Rửa để tha tội,”  là tuyên xưng đức tin vào mạch nguồn tha thứ, là mạnh dạn bước quay về. Cúi đầu để được xức tro là nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình, đồng thời tin vào tình yêu của Thiên Chúa và tin vào phương thức Chúa dùng là Bí tích Rửa tội và Bí tích Giải tội để Ngài ban ân sủng cho chúng ta.


Tuyên xưng ơn tha tội là chúng ta can đảm đến để xưng tội. Tuy nhiên, việc xưng tội không có nghĩa là chữa lành nhanh chóng! Mà có nghĩa là một tiến trình chữa lành và dạy dỗ, giúp chúng ta lớn lên để không còn tái phạm hết lần này đến lần khác các lỗi phạm làm rạn nứt tương quan giữa chúng ta với Chúa cũng như với anh chị em.
Xin mượn lời Thánh Vịnh 103 để chúc tụng và tuyên xưng ơn tha thứ của Chúa:
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
 

[1] GLHT CG số 977.
[2] GLHT CG số 978-980.
[3] Thánh Auguttinô bài giảng 213,8.
[4] GLHT CG số 987.
[5] GL Rô-ma 1,11,5.
[6] Nhật ký của thánh Faustina, số 1602. st
883    25-08-2018