Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Kitô hữu có thể học được gì từ tín đồ Hồi giáo trong tháng Ramadan

ra


Năm
nay, tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo bắt đầu từ ngày 01/4 và kết thúc vào ngày 01/5Không phải năm nào người Hồi giáo cũng tổ chức lễ Ramadan trùng với việc người Kitô hữu mừng lễ Phục Sinh và người Do Thái mừng lễ Vượt Qua. Người Hồi giáo theo Âm lịch — một năm có 12 chu kỳ của mặt trăng, chứ không phải dương lịch, được đánh dấu bởi quỹ đạo của Trái đất quanh mặt trời. Điều này có nghĩa là 1 năm của Hồi giáo ngắn hơn (khoảng 11 đến 12 ngày) so với dương lịch và do đó, tháng Ramadan bắt đầu sớm hơn mỗi năm. Với những tin tức đáng lo ngại gần đây về sự đàn áp Kitô hữu ở Ai Cập và Nigeria, có lẽ phù hợp để nhắc nhở độc giả rằng — bất kể những hành động của một số ít chiến binh — Kitô hữu không cần phải sợ tín đồ Hồi giáo. Thật vậy, các Kitô hữu thậm chí có thể học hỏi từ tín đồ Hồi giáo.

Ý tưởng học hỏi lẫn nhau thể hiện một cách tiếp cận khác đối với các mối tương quan Hồi giáo - Kitô giáo. Thông thường, Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo suy nghĩ theo khía cạnh luận chiến hoặc đối thoại. Một mặt, trên internet đang xôn xao với tranh chấp Hồi giáo - Kitô giáo. Hàng trăm trang web Hồi giáo, kênh YouTube, nguồn cấp dữ liệu Instagram và tài khoản twitter đề cao “dawah”, một hình thức truyền giáo của tín đồ Hồi giáo không giới hạn trong sự hộ giáo nhưng thường bao gồm các cuộc tấn công luận chiến vào Chúa Ba Ngôi, thần tính của Chúa Kitô và Kinh Thánh.

Các Kitô hữu thường đáp lại một cách tử tế, nhưng không phải lúc nào cũng là sự biện giáo về tình yêu thương. Thực tế là cũng có một số người biện giáo biếm họa và khinh miệt kinh Qur’an và những tài liệu về những lời nói và việc làm của Muhammad được gọi là hadith. Chúng ta được nói cho biết rằng kinh Qur’an thuyết pháp về một vị Thiên Chúa tàn nhẫn và đầy thù hận, và rằng Muhammad đã phạm tội vô luân về tình dục cách tồi tệ nhất. Một số người Công giáo cũng tham gia trò chơi luận chiến này. Giờ đây, hầu hết “những người thực hành dawah” và những người hộ giáo Kitô giáo đều khẳng định rằng họ không có ý truyền bá sự căm thù, mà chỉ để rao giảng sự thật. Tuy nhiên, hình ảnh họ cung cấp về tôn giáo bên kia không xác thực. Thật vậy, đôi khi thật khó để nhận ra điều này.

Mặt khác, Giáo Hội, đặc biệt là sau Công đồng Vaticanô II, dành cho việc đối thoại về tôn giáo một sự thích hợp và rộng lượng. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến ​​điều này khi tham gia một cuộc đối thoại tại Vatican cách đây vài năm do tổ chức Hồi giáo cấp cao của Ai Cập thuộc viện Sunni al-Azhar. Cuộc gặp gỡ này đặt bối cảnh cho chuyến thăm Ai Cập sau đó của Đức Giáo hoàng Phanxicô và cuối cùng là cuộc gặp với vị đứng đầu al-Azhar (Ahmad al-Tayyeb) tại Abu Dhabi, nơi hai vị cùng nhau ký vào văn kiện Tình huynh đệ nhân loại (Human Fraternity). Tài liệu này mở ra với lời nhắc nhở về phẩm giá của tất cả mọi người:

Nhân danh Thượng đế, Đấng đã tạo dựng nên con người bình đẳng về quyền lợi, bổn phận và phẩm giá, và Ngài đã mời gọi họ sống với nhau như anh chị em, để lấp đầy trái đất và làm nổi bật những giá trị của lòng tốt, tình yêu và hòa bình.

Cách thức đối thoại tôn giáo này nhấn mạnh tầm quan trọng và ưu điểm của việc tìm kiếm các giá trị chung và giáo huấn chung, đồng thời nhấn mạnh đây là một phương thế xây dựng tình bằng hữu. Đối thoại tôn giáo đánh dấu một sự tương phản hoàn toàn so với lịch sử trước đó của cuộc cạnh tranh tôn giáo giữa tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu, và từ các cuộc luận chiến giữa tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu trên Twitter.

Tuy nhiên, cuộc đối thoại này có nguy cơ bị áp đặt quá mức ở mức độ tín ngưỡng vì giả định sai lầm rằng điều này sẽ làm cho việc vận động chung về một số vấn đề xã hội cấp bách trở nên dễ dàng hơn. Nhưng vì tín ngưỡng và hành động — hoặc đức tin và việc làm— có liên quan mật thiết trong cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo, nên việc tách biệt chúng là một hành động độc đoán. Khi lấy đi động cơ, chiếc xe sẽ vẫn chạy một quãng đường hoặc thậm chí hơn một cây số, nhưng cuối cùng nó sẽ dừng lại. Nhà tư tưởng người Nga, Vladimir Solovyov, có một nhân vật đã tuyên bố trong Câu chuyện về kẻ phản Kitô của mình, “Hỡi đấng tối cao hùng mạnh, điều chúng tôi trân trọng nhất trong Kitô giáo là chính Chúa Giêsu Kitô. Ngài và bất cứ điều gì đến từ Ngài, vì chúng tôi biết rằng toàn bộ thần linh cư ngụ trong thân xác của Ngài".

Vì vậy, liệu có một cách tiếp cận khác đối với các mối tương quan Hồi giáo-Kitô giáo chăng? Chúng tôi gợi ý rằng thực ra có một cách thứ ba, đókhông loại trừ việc truyền giáo hoặc đối thoại, nhưng tận dụng tối đa cả hai lãnh vực này. Đây là cách tiếp cận có thể được xem như là một bài tập về lòng hiếu khách thiêng liêng, được trao tặng và đón nhận, được xây dựng dựa trên khả năng lắng nghe và sự ân cần. Chúng ta có thể tìm thấy sự thông hiểu ở những nơi mà chúng ta có thể không trông mong để tìm thấy.

Chúng ta nhớ lại rằng truyền thống Hồi giáo nhận thức về hadith, mà theo đó Muhammad dạy rằng: "Hãy tìm kiếm sự thông hiểu, thậm chí đến Trung Quốc". Chúng ta có thể nói, "Hãy tìm kiếm sự thông hiểu, ngay cả đến Ả Rập".

Lời kêu gọi đầu tiên của chúng tôi, như là những Kitô hữu là lưu tâm đến Kinh Thánh và Giáo Hội, nhưng chính Kinh Thánh mời gọi chúng ta lắng nghe để tìm kiếm sự khôn ngoan ở bất cứ đâu. Liệu chúng ta có thể tìm thấy sự thông hiểuhoặc sự khôn ngoan nào trong Hồi giáo, một khi chúng ta chú ý chăng? Viện McGrath về Đời sống Giáo hội tại Đại học Notre Dame và Tổ chức Oasis của Milan đã cùng nhau tìm cách để mô hình hóa “cách thứ ba” này bằng cách sản xuất một loạt video ngắn về Giáo hội và Hồi giáo như một phần của dự án Lý do cho niềm Hy vọng của chúng ta. Phần giới thiệu về những video này giải thích động lực của chúng tôi:

Tại sao chúng tôi thực hiện bước này? Bởi vì chúng tôi biết rằng nhiều tín đồ Hồi giáo không hài lòng với những định kiến ​​thông thường về Kitô giáo. Họ tìm kiếm một điều gì đó sâu sắc hơn. Quan trọng không kém, chúng tôi tin rằng các Kitô hữu có thể đạt được sự hiểu biết mới về đức tin của mình bằng cách xem xét các câu hỏi của tín đồ Hồi giáo một cách nghiêm túc.

Ba video hoạt hình đầu tiên giới thiệu Chúa Giêsu khi Người xuất hiện trong Hồi giáo và Kitô giáo. Trong đoạn video mở đầu, chúng tôi trích dẫn lời linh mục dòng Đa Minh nổi tiếng người Pháp, Jacques Jomier, sau khi so sánh quan điểm tương phản của Chúa Giêsu với hai bức tranh khảm đã giải thích rằng: với những viên đá cùng màu có thể tạo ra những bức tranh khảm khác nhau một cách sâu sắc. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, có một sự mạch lạc và vẻ đẹp riêng cho mỗi cách trình bày bức tranh khảm về Chúa Giêsu.

Đối với tín đồ Hồi giáo, Chúa Giêsu là một tiên tri, đúng hơn, Người là một trong số những vị tiên tri vĩ đại. Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, nhờ lòng nhân từ của Ngài, qua các tiên tri. Con người có thể tìm thấy những dấu chỉ cho thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa và các thuộc tính của Ngài trong tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều người bỏ lỡ những dấu chỉ này vì tội lỗi của họ. Như kinh Qur'an giải thích, “Linh hồn con người ra lệnh cho cái ác” (Q 12, 53). Tuy nhiên, Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài sai các vị tiên tri rao giảng cho con người về sự độc nhất và quyền thống trị của Ngài. Một số vị tiên tri này, bao gồm cả Chúa Giêsu, mang theo một cuốn sách từ trời để chia sẻ với dân tộc của họ. Các câu của cuốn sách này được gọi là ayat, cùng một từ được sử dụng cho các dấu chỉ trong tự nhiên (chẳng hạn như: mưa, núi, khả năng nhìn, nghe và tư duy của con người), chỉ cho biết về một Đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa hướng dẫn con người qua “những dấu chỉ” trên thế giới lẫn “những dấu chỉ” trong Kinh Thánh.

Chúa Giêsu đóng một vai trò đặc biệt trong mô hình hướng dẫn này của Thiên Chúa. Người mang đến một cuốn sách từ trời, được biết đến trong tiếng Ả Rập với tên injil (hoặc "Phúc âm" trong tiếng Hy Lạp), và tạo ra những phép lạ (ở một số nơi nhất định còn được gọi là ayat). Vì vậy, Chúa Giêsu được tôn kính như một sứ giả của lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bản chất của các phép lạ của Chúa Giêsu, như được tường thuật trong kinh Qur’an, cũng được bộc lộ. Đáng chú ý nhất là sự ra đời cách trinh thai của Người. Kinh Qur’an, trong các chương riêng biệt (hoặc Surah) mô tả việc truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Trong chương 3, các thiên thần nói với Maria “Thiên Chúa ban cho bà tin vui về một lời từ Ngài, Đấng có tên là Kitô, Chúa Giêsu, con của Maria” (Q 3, 45). Ở những nơi khác, kinh Qur’an nói về việc Thiên Chúa tạo ra Chúa Giêsu bằng cách thở hơi vào Đức Maria (Q 21, 91). Như vậy, Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là người mang phép lạ (ayat) trong kinh Qur’an. Chính Người là một phép lạ.

Theo một cách nào đó, đây là một nhãn quan khác biệt sâu sắc về Chúa Giêsu mà Giáo hội đã dạy chúng ta. Thật vậy, có một số nơi mà Chúa Giêsu của kinh Qur’an không chỉ khác với Chúa Giêsu của Kitô giáo, thậm chí Người còn dường như khuyến dụ Kitô hữu. Ví dụ, trong chương 5, Thiên Chúa hỏi Chúa Giêsu, “Có phải Ngài đã nói với dân chúng rằng: ‘Hãy coi tôi và mẹ tôi như hai vị thần khác với Thiên Chúa’ không?” Chúa Giêsu đáp: “Vinh quang thuộc về Ngài! Con không có quyền nói điều đó” (Q 5, 116). Trong câu sau, Chúa Giêsu dường như từ chối trách nhiệm với các Kitô hữu: “Con chỉ nói với họ điều mà Ngài đã truyền cho con: ‘Hãy thờ phượng Thiên Chúa là Đức Chúa của tôi và là Đức Chúa của anh em’” (Q 5, 117).

Vì vậy, thật là sai lầm nếu đơn giản cho rằng Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo có chung một niềm tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trong kinh Qur’an không phải là Con của Thiên Chúa, và không phải là Đấng cứu độ trần gian. Thật vậy, kinh Qur’an phủ nhận hoàn toàn cái chết của Chúa Giêsu. Đây là lý do tại sao một trong những video “Lý do cho niềm Hy vọng của chúng ta” hỏi rằng liệu chúng ta nên nói về Sự đóng đinh hoặc “Crucifiction” trong Kinh Qur’an chăng. Sẽ không quá lời khi nói rằng theo một cách nào đó, Chúa Giêsu trong Kinh Qur’an là một nhân vật phản Kitô giáo.

Ở đây người ta dường như đi đến bế tắc. Thật không đủ và không đúng khi tưởng tượng rằng nhân vật của Chúa Giêsu là “của chung” hoặc được “chia sẻ” bởi những Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là lên án những tín đồ Hồi giáo vì đã từ chối giáo huấn của Giáo Hội về Chúa Giêsu Kitô là một hành vi vô ích và không khoan dung. Đáng mừng là có cách thứ ba.

Các video về “Lý do cho niềm Hy vọng của chúng ta” nhằm mục đích giúp các Kitô hữu thấy sự mạch lạc và vẻ đẹp của giáo huấn của Hồi giáo về Chúa Giêsu dành cho tín đồ Hồi giáo. Đồng thời, giáo huấn này nhằm cho tín đồ Hồi giáo thấy sự mạch lạc và vẻ đẹp của giáo huấn của Kitô giáo về Chúa Giêsu dành cho Kitô hữu. Học biết về người khác và học để yêu thương người khác, có thể giúp Kitô hữu củng cố chứ không suy giảm niềm tin Kitô của chính mình. Các video này cũng có thể giúp tín đồ Hồi giáo vượt qua cuộc luận chiến thông thường của Hồi giáo có thể biến Kitô hữu thành những người theo tam thần giáo, những người tôn sùng con người Chúa Giêsu và những người bị dẫn dắt bởi một Kinh Thánh sai lầm.

Cuối cùng, mọi thứ phụ thuộc vào chất lượng của các câu hỏi. Trên thực tế, có những câu hỏi mang tính luận chiến hoàn toàn không thú vị, mặc dù chúng có lẽ cần được trả lời (nhưng hãy nhớ đến sự im lặng của Chúa Giêsu trước mặt Hêrôđê). Và có những câu hỏi khác không chỉ hoàn toàn chính đáng mà còn có thể giúp chúng ta phát triển trong sự hiểu biết về đức tin của chính mình, chẳng hạn như "Làm thế nào bạn có thể khẳng định thuyết độc thần và tin rằng Chúa Giêsu là con của Thiên Chúa?" hoặc "Làm thế nào Chúa Giêsu có thể chết trên thập giá nếu ông ấy là Thiên Chúa?" Có lẽ những câu trả lời mà chúng tôi đang cố gắng truyền đạt trong Lý do cho niềm Hy vọng của chúng ta sẽ hữu ích cho một số tín đồ Hồi giáo trong công cuộc tìm kiếm tâm linh của họ, và dù nếu không mang lại lợi ích gì, thì ít nhất, cũng giúp cho chúng ta phong phú thêm.

Sự giao thoa của hai mùa lễ Phục sinh và tháng Ramadan năm nay có thể là cơ hội để những Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo tìm hiểu nhau theo cách thế vẫn giữ được sự khoan dung, không rơi vào thuyết đa nguyên đơn thuần. Thật vậy, có lẽ nên bao dung hơn khi cho phép cả Phúc Âm và giáo huấn Hồi giáo được giữ nguyên như chúng vốn là, và không kết hợp cả hai một cách giả tạo thành những gì mà chúng không là. Nói cách khác, Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo không cần phải đồng ý, nhưng có thể học để bất đồng ý kiến một cách rõ ràng, tốt đẹp.

Tác giả: Gabriel Said Reynolds và Martino Diez* - Nguồn: Church Life Journal (19/4/2022)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm

-------------------

* Gabriel Said Reynolds là Giáo sư Thần học và Nghiên cứu về Hồi giáo tại Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn Allah: God in the Qur’an. Martino Diez là Giám đốc Khoa học của Oasis International Foundation và giáo sư về Ngôn ngữ và Văn học Ả Rập tại Đại học Công giáo Milan, Ý.

479    04-05-2022