Sidebar

Thứ Tư
19.03.2025

"Làm ơn cho Chúa?"

phariseepraying
 Ảnh minh họa từ Catholic Diocese of Cleveland

 

Một câu chuyện dụ ngôn kể lại rằng có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế kia thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.(Lc 18, 9-14)

Câu chuyện trên khắc họa rõ nét hình ảnh của người Pharisêu từ dáng vẻ bề ngoài cho đến lời nói cùng những đức tính và việc làm tốt đẹp của ông. Thoạt nhìn chúng ta sẽ thấy ông là một con người có vẻ ngoài đạo đức cùng với việc chu toàn những bổn phận tôn giáo của mình. Điều này hiển nhiên vì chúng ta thấy ông đang thực hành một việc tốt đẹp đó là cầu nguyện trong đền thờ. Đã là một người có đức tin thì việc cầu nguyện được xem như hơi thở của cuộc sống. Ông thực thi việc này quả thực không có gì chê trách. Người Pharisêu này cũng biết tạ ơn Chúa vì mình không có tham lam, bất chính hay ngoại tình. Bên cạnh đó, ông còn ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng lên cho Chúa một phần mười thu nhập của ông nữa. Thử hỏi nhiều người trong chúng ta có thực hiện được những điều như ông chưa?

Thế nhưng, vấn đề không nằm ở những việc làm trên bởi tự bản chất chúng đều tốt đẹp trong mắt của Chúa. Mọi sự sẽ vô cùng tốt lành nếu ông có một thái độ khiêm nhường để dâng lên cho Chúa mọi hy sinh của mình. Tuy nhiên, ông lại kiêu ngạo vì chính mình, vả lại ông còn xét đoán những người khác. Chính thái độ đó đã phá đổ hết mọi công trạng của ông. Rốt cuộc những việc làm đó cũng chỉ vì mục đích xây dựng cho ông một ngẫu tượng về chính mình. Để rồi chính ông tôn thờ chính mình và cho rằng chỉ có mình mới có thể làm ơn cho người khác. Thậm chí, chính ông cũng “làm ơn” cho Chúa khi nói rằng “con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Có lẽ Chúa sẽ giàu có hơn nhờ một phần mười thu nhập của ông chăng? Ngoài ra, người Pharisêu này ăn chay mỗi tuần hai lần, không sống tham lam, bất chính hay ngoại tình như muốn nói với Chúa rằng Chúa thấy đó con sống không có gì chê trách được, những hy sinh con làm cho Chúa là để người khác thấy được mà tin vào Chúa đó. Tất cả đều là công lao và hy sinh của con!

Như vậy, chính ông tự dựa vào mình hơn là vào Chúa. Khi nói những suy nghĩ như vậy chúng ta thấy được rằng ông chẳng hề tin vào Chúa, ông chỉ tin vào mình, tin rằng chỉ khi nào mình sống như vậy thì người khác mới thấy được sự đạo đức và tốt lành của mình mà thôi. Ông nâng mình lên trên cao để rồi nhìn người khác chỉ với một ánh mắt khinh khi. Chúa cũng chẳng còn quan trọng nữa! Ông và ngẫu tượng về sự hoàn hảo của mình tất nhiên trở thành “chúa” và ông tự tôn vinh mình trong sự kiêu ngạo và tự đắc. Đó chính là sai lầm lớn nhất của người Pharisêu này khi đã không hề ý thức được sự bất toàn của mình. Thực sự ông có làm ơn được gì cho Chúa không? Ông quên rằng ông chỉ là thụ tạo nhưng lại muốn có được uy quyền của Đấng Tạo Hóa. Ông không biết rằng những lời cầu nguyện, những việc làm của ông không đem lại thêm gì cho Chúa đâu vì Chúa là Đấng Toàn Năng, Toàn Hảo và Toàn Thiện mà. Những điều đó có chăng là giúp cho chính ông, cho sự cứu độ của ông và người khác mà thôi.

Một khi đã tự nâng mình lên tức khắc ông tự cho mình cái quyền khinh thường người khác. Người khác giờ đây chỉ là hạng thấp kém, không cùng đẳng cấp với mình. Câu nói “hoặc như tên thu thuế kia” là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Ông đâu xem người đồng loại của mình là anh em. Cách xưng hô nói lên một sự khinh miệt vì ông nghĩ rằng người thu thuế đó là kẻ tội lỗi, chẳng xứng đáng được tôn trọng. Bởi vì nghĩ mình là người cao thượng, đã có thể “làm ơn” cho Chúa thì ông cũng có quyền xét đoán người khác cũng như ban ơn cho người khác.

Qua hình ảnh của người Pharisêu chúng ta có thể thấy được mình trong đó. Đôi lúc chúng ta thấy mình cũng đạo đức, giữ đạo tốt đẹp cũng nhưng biết làm việc này việc kia giúp ích cho nhà Chúa và người khác. Chúng ta rất dễ rơi vào cạm bẫy của sự tự mãn và tự luyến về chính mình. Chúng ta dễ bị những lời khen của người khác làm mờ đi. Chúng ta cần ý thức được rằng Chúa muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Chính thái độ và sự chân thành mới khiến chúng ta dấn thân trọn vẹn và làm bất kỳ điều gì mà không nghĩ về chính mình. Hơn nữa, chúng ta cần biết rằng những gì chúng ta làm không đem lại ích lợi gì cho Chúa đâu, chính chúng ta và tha nhân mới là người nhận được lợi ích đó. Đừng nghĩ rằng mình có thể làm điều này điều kia cho Chúa, nhưng không chỉ có Chúa mới làm tất cả cho chúng ta. Chúng ta chỉ là người được ban ơn để rồi chính chúng ta phải biết sinh ích từ những ân ban đó.

Xã hội hiện nay đang rơi vào cùng một cạm bẫy như người Pharisêu ấy. Thế giới càng hiện đại, khoa học càng phát triển thì nhiều người càng tự mãn hơn về khả năng của mình. Họ nghĩ rằng không gì mà con người không thể làm được. Con người tôn thờ cái tôi tự mãn của mình và nuôi dưỡng nó bằng những thứ vật chất xa hoa. Thử hỏi chúng ta có thực sự cần quá nhiều thứ cho cuộc sống hàng ngày hay không? Chính vì lẽ chúng ta càng muốn nhiều mà nhiều hệ lụy đã xảy ra, nào là bệnh tật càng nhiều, tình trạng lãng phí thức ăn ở nhiều nơi trong khi nhiều người khác lại chết đói. Vấn nạn này sẽ chẳng có hồi kết nếu con người chỉ nghe thấy những lời tôn vinh mình mà điếc ngắc trước lời mời gọi của Chúa và tiếng than khóc của tha nhân.

Thế nhưng, tại sao Chúa vẫn muốn chúng ta “làm ơn” cho Chúa theo cách nào đó? Để nói rằng chúng ta có thể “làm ơn” cho Chúa theo nghĩa là nhờ chúng ta mà Chúa đến với những người khác. Chúa cần chúng ta làm trung gian mang những ân huệ của Chúa đến cho những anh chị em chưa nhận biết Ngài. Tuy Chúa dư sức làm việc ấy nhưng Ngài vẫn muốn sự cộng tác của chúng ta vì tình yêu vô biên của Ngài và vì Ngài muốn thấy chúng ta sống hạnh phúc và ý nghĩa. Chúng ta chỉ có thể sống hạnh phúc và có ý nghĩa khi khám phá ra rằng chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được yêu thương và được mời gọi mang tình yêu đó đến khắp cùng Trái Đất. Lời mời gọi ấy vẫn luôn vang vọng trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Các thánh là những người đã lắng nghe lời mời gọi thống thiết ấy của Chúa để đến với những tâm hồn đau khổ. Chúa đang rất cần từng người trong chúng ta mở lòng mình ra để nhìn thấy những đau khổ và bất công mà nhiều người vẫn đang gánh chịu vì sự kiêu ngạo và lòng thù hận.

Để có thể làm được điều đó, điều cốt yếu chính là việc chúng ta biết xây dựng mối tương quan thân tình với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện ở đây không phải là việc khoe khoang những công trạng của mình, nhưng là khiêm hạ nhìn nhận mình yếu đuối và tội lỗi. Chúng ta chỉ có thể cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa mà thôi. Một khi chúng ta đã bám chặt vào Chúa thì chúng ta sẽ thấy được điều mà Chúa muốn chúng ta làm. Nên thánh và giúp người khác nên thánh chính là sứ mạng mà mỗi người phải luôn ý thức và nỗ lực không ngừng nghỉ. Mỗi ngày trôi qua đều là cơ hội và cũng là thách thức để chúng ta thanh luyện con người mình. Đừng chủ quan và ỷ lại vào chính mình. Chúng ta sẽ chỉ nhận được thất bại và sự hư mất nếu chúng ta chỉ bám víu vào mình là tạo vật hèn yếu và bất toàn. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm thấy được sức mạnh. Qua đó, chúng ta học biết ra khỏi mình để đi vào tương quan với người khác.

Tóm lại, ĐHY Robert Sarah từng nói trong tác phẩm Chúa hoặc không rằng: “Chúa chẳng ưa chút nào chủ nghĩa nghi lễ ở đó để con người tự thỏa mãn chính mình, ... cho chúng ta cảm giác là mình đang tự cử hành cho chính mình.” Thực ra, “vượt lên trên nghi thức, Chúa tìm kiếm trước hết, trái tim con người.” Những lời này như làm vang vọng lại những giáo huấn từ hơn 2000 năm trước của Chúa Giêsu khi Ngài dạy các môn đệ phải cầu nguyện và làm việc bác ái nơi kín ẩn, tránh người khác biết được vì chính Chúa Cha đã biết rồi. Qua đó, chúng ta học biết khiêm nhường như người thu thuế để thân thưa với Chúa “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Một khi ý thức mình là kẻ tội lỗi, chúng ta sẽ không còn cậy dựa vào bất kỳ thụ tạo nào, kể cả chính mình. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp và ban ơn cho chúng ta. Để rồi khi thấy mình được chính Chúa yêu thương, chúng ta sẽ có thể làm gấp ngàn lần điều mà người Pharisêu có thể làm nhưng với một thái độ khiêm nhường và chân thành thực sự. Ước mong mỗi người luôn ý thức được tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện đích thực. Xin Chúa luôn ban ơn để từng người biết lui vào chốn cô tịch và thinh lặng của tâm hồn để ở lại cùng Chúa, lắng nghe Ngài và đáp trả cách mau mắn trước những thúc bách của tình yêu.

Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)

678    14-02-2025