Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Làm sao để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể cách xứng đáng

eucharistjapplgegatead678x380
 Nguồn ảnh: Josh Applegate | Unsplash.com


Nếu chúng ta đến
với Bí tích Thánh Thể một cách không xứng đáng, thì chúng ta không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa mà còn làm hại cho chính mình.

Nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta có được ơn ban vĩ đại nhất. Nơi đó, Chúa Giêsu ban cho chúng ta trọn vẹn chính Người - mình, máu, linh hồn và thần tính của Người - để được hưởng dùng dưới hình bánh và rượu. Nhưng, như người ta vẫn nói, những ơn ban lớn lao cũng đi đôi với trách nhiệm lớn lao. Để nhận được hoa trái từ ơn ban này, chúng ta cần chuẩn bị bản thân và sau đó sống đời mình sao cho phù hợp với ơn ban đó. Nếu chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể một cách không xứng đáng, thì chúng ta không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa mà còn làm hại cho chính mình. Ngay cả đôi khi cũng có thể thấy điều đó nơi Hollywood, như vị hiệp sĩ trong phim Indiana Jones và Cuộc thập tự chinh Cuối cùng giải thích, “Đối với những kẻ bất chính, Chén Sự Sống chínhlời nguyền rủa muôn đời.

Hãy nghĩ về một số ví dụ khác. Bạn có thể tưởng tượng được việc xuất hiện tại lễ cưới của mình trong khi lại đính hôn với một người khác hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đi làm ngày đầu tiên trong bộ đồ ngủ? Còn việc đến một nhà hàng sang trọng nhưng thức ăn lại được đặt trên một chiếc đĩa giấy thì sao? Nghiêm trọng hơn, hãy tưởng tượng đến việc một vị tướng tiết lộ kế hoạch của đất nước bạn cho kẻ thù. Những điều quan trọng nhất trong cuộc đời đều cần đến trách nhiệm, thận trọng, phẩm giá và lòng trung thành. Vì vậy, chúng ta cần có trách nhiệm đối với Chúa Kitô và không được gắn bó với bất cứ điều gì ngoài trừ Người. Chúng ta cần phải được mặc lấy ân sủng của Người cần phải giữ gìn sự tinh tuyền của Bí tích Rửa Tội. Khi đến để rước Mình Thánh Chúa, chúng ta cần phải chuẩn bị một cái bình xứng đáng để có thể chứa đựng ơn ban này, chứ đừng là một cái bình bị rạn nứt. Và chúng ta không thể đem trao ơn ban này cho kẻ thù bằng cách sa đà vào tội lỗi.

Thánh Phaolô cảnh báo chúng ta về hậu quả của việc rước Chúa cách bất xứng trong Tthứ Nhất gửi tín hữu Côrintô: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.” (1Cr 11,27-30) Thánh Phaolô thấy trước những hậu quả nghiêm trọng của việc xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể. Vậy làm sao để chúng ta có thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể cách xứng đáng?

Trước tiên, chúng ta cần có đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể không phải là một biểu tượng. Chúa Giêsu trao ban chính Mình và Máu của Người để chúng ta có thể đi vào sự kết hiệp với Người. Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu giải thích về việc làm thế nào Người có thể ban cho chúng ta chính bản thân Người làm của ăn như con chiên mới của Lễ Vượt Qua: “Vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống.” (Ga 6,55) Nếu không có đức tin vào sự hiện diện thực sự này, thì chúng ta chỉ đến với Bí tích Thánh Thể theo kiểu đang ăn một miếng bánh thông thường, việc này sẽ làm ô nhục ơn ban của Chúa chính Giêsu nơi Bàn Tiệc Thánh. Như Thánh Phaolô nói, đức tin cho phép chúng ta nhận biết Thân Thể của Chúa Giêsu và mở lòng chúng ta để đón nhận tình yêu và ân sủng của Người.

Thứ hai, chúng ta cũng cần loại bỏ những trở ngại trong việc đón nhận ân sủng từ sự hiện diện của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đang ở trong tình trạng tội trọng, thì chúng ta không thể và cũng không thích hợp để tham dự vào sự kết hiệp mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta. Giáo Hội ban cho chúng ta Bí tích Giải Tội để đưa chúng ta vào mối hiệp thông đúng đắn với Thiên Chúa. Thực tế là Giáo Hội còn buộc chúng ta phải xưng thú tội lỗi của mình mỗi năm ít là một lần, bởi vì tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót và sự tha thứ. Thiên Chúa cho phép chúng ta gạt đi gánh nặng tội lỗi sang một bên và đến với Người bằng lương tâm trong sạch. Thánh Phaolô còn hướng dẫn rằng việc hướng về Bí tích Giải Tội tạo nên tình trạng cởi mở và thanh khiết cách đúng đắn để chúng ta có thể xem xét lại chính mình.

Thứ ba, lòng đạo đức cho phép chúng ta tôn vinh sự hiện diện của Chúa Giêsu bằng cách đến gần Người với lòng tôn kính và yêu thương. Chúng ta xây dựng lòng đạo đức qua việc cầu nguyện, kể cả trước và sau Thánh lễ, bằng cách kết hợp chính mình với Chúa Kitô đang hiến mình trong Thánh lễ, và ngay cả bằng tư thế và thái độ của chúng ta. Chúng ta có cư xử như thể Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện trong Thánh lễ không? Chúng ta đến để đón rước Người giống như chúng ta đang đến với vị vua của vũ trụ không? Nếu chúng ta đến đón rước Người chỉ vì một thói quen thông thường, với một thái độ tình cờ hay trần tục, thì sẽ khó có thể “nhận ra được Thân Thể” của Chúa Giêsu. Đúng hơn, chúng ta phải đến với Thánh lễ bằng sự mong mõi thiết tha nhất vì thời khắc quan trọng nhất trong tuần là khi chúng ta gặp được Thiên Chúa và được nên một với Người.

Cuối cùng, sống một cuộc đời xứng hợp với ân ban từ Bí tích Thánh Thể. Chúng ta không nên giới hạn việc kết hợp với Chúa Giêsu trong một giờ hay một tuần. Sự kết hợp với Chúa Giêsu cần được nảy nở thành một đời sống Thánh Thể, với sự hiện diện của Chúa Giêsu ở lại nơi chúng ta và lan toả đến người khác. Nếu cuộc đời của chúng ta đang đi theo một hướng khác, chúng ta cần phải quay lại đúng hướng để tạo nên một sự kết hợp xứng đáng. Bí tích Thánh Thể đòi hỏi sự hoán cải liên tục, quay lưng lại với thế gian và quy hướng về Chúa Giêsu, để cho ân sủng của Người định hướng mọi việc chúng ta làm.

Bí tích Thánh Thể là nguồn sống chứ không phải là sự chết. Nếu chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng, thì chúng ta có thể tuyên bố rằng Chén Sự Sống mang đến ơn cứu độ đời đời cho những người công chính, cho những ai biết đến gần để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa bằng đức tin và lòng đạo đức.

Tác giả: Tiến sĩ R. Jared Staudt - Nguồn: The Catholic World Report (14/10/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

2161    15-10-2021