Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Làm thế nào để giúp một em bé sớm phát triển xử lý tình trạng nhạy cảm cao độ của em?

 

 
Sớm phát triển, có năng khiếu bẩm sinh, có trí thông minh trên trung bình, đó là các tên gọi cho một em bé thông minh, nhạy cảm thường làm cho chính em đã khó sống và lại còn làm ‘rắc rối’ thêm cho môi trường chung quanh em.
Một em bé sớm phát triển thường khó xử lý trong sinh hoạt hàng ngày vì tính nhạy cảm cao độ của em có thể khơi lên các phản ứng mạnh bạo và ồn ào. Đây là một vài chỉ dẫn để giúp các em kiềm chế cảm xúc của mình, giúp cha mẹ trấn an và đi theo các em.
Các em thường khó chấp nhận uẩn ức, bất mãn, khó chấp nhận khuôn khổ và giới hạn, các em bàn thảo tất cả mọi chuyện và lúc nào cũng… bàn thảo, điều đình với bất cứ một lệnh nhỏ nào, trẻ em sớm phát triển là trẻ em khó khăn và làm kiệt sức. Tuy nhiên, theo bà Jeanne Siaud-Facchin, tâm lý gia chuyên về các em sớm phát triển thì tạo một khuôn khổ và ấn định các giới hạn là nhu cầu cốt tử cho sự phát triển tình cảm và đó là phương tiện duy nhất để tránh các mâu thuẫn thường xuyên cứ bị leo thang hoài.
Làm thế nào để phản ứng khi các em lên cơn vì tính nhạy cảm cao độ của các em? Các bà mẹ kể cách cụ thể họ đã làm để trấn an và làm dịu cơn giận của con mình.
Tại sao đa số các trẻ em sớm phát triển thường khó khăn và làm kiệt sức?
Dĩ nhiên không phải tất cả các em sớm phát triển đều khó khăn, có một số em dễ bảo và vào khuôn phép hơn. Nhưng đa số, tính nhạy cảm cực kỳ của các em làm cho các em nhạy phản ứng với các biến đổi xúc cảm dù rất nhỏ trong môi trường sống của các em. Điều này làm cho các em có các phản ứng xúc cảm mạnh bạo và quá độ.
Valérie, 41 tuổi, mẹ của 6 đứa con kể: “Tất cả các con tôi đều rất nhạy cảm nhưng chúng không phản ứng giống nhau… Đứa con đầu lòng 9 tuổi rưỡi (đã thử nghiệm là trẻ em sớm phát triển) vẫn còn những cơn giận dữ. Giữa chúng với nhau, nó khóc khi phản ứng bằng lời hay bằng hành động, nhưng nếu diễn tả chưa đủ thì nó đánh. Còn với tôi thì nó hét. Đứa thứ nhì 8 tuổi, phản ứng của nó là hét và nó lui vào phòng để dịu xuống. Nó nói thô tục khi không kiểm soát được… Đứa con trai thứ ba 5 tuổi thì khóc và cần ôm. Đó là đứa duy nhất mà tôi đến giúp khi nó lên cơn… Theo tôi, có thể đó là khía cạnh khó xử lý nhất của các em sớm phát triển trong đời sống hàng ngày của một gia đình đông anh em, vì các dịp căng thẳng thì không thiếu”.
Vì sao trẻ em sớm phát triển phản ứng mạnh như vậy?
Bà Jeanne Siaud-Facchin, tâm lý gia đưa ra một vài chỉ dẫn để giải thích vì sao phản ứng của các em lại không phù hợp như thế.
1. Vì các em không chịu đựng được bất mãn
Đối với các em, phản ứng mạnh vì uẩn ức bất mãn không phải là chướng, nhưng đúng hơn là nói lên cảm nhận mình bị bất an. Theo các em, khác nhau của thích thú hay bất mãn là nghi ngờ và bấp bênh. Khoảng cách giữa thèm muốn và thỏa mãn là ở trong thời gian mà mọi sự có thể xảy ra.
2. Bởi vì các em không biết chờ
Mọi sự phải được làm ngay lập tức, nếu không chúng sẽ bị nỗi bất an xâm chiếm. Các cơn bùng nổ sẽ rất mạnh và thường xảy ra nếu đòi hỏi của chúng mạnh: đòi hỏi vật chất, đòi hỏi tình thương, đòi hỏi phải sẵn sàng, đòi hỏi được phục vụ… Bất cứ một chậm trễ nào cũng có thể kéo theo các phản ứng mạnh: giận dữ, đóng cửa mạnh, làm neo, lăn xuống đất…
3. Bởi vì chúng liên tục tìm đâu là các giới hạn
Suy nghĩ của chúng, câu hỏi của chúng thì không có giới hạn, vì thế chúng cần có một khuôn khổ, để chúng có thể xếp mình trong đó. Và để biết khuôn khổ này có vững chắc không, chúng tấn công vào khuôn khổ, chúng trắc nghiệm khuôn khổ. Đó là lý do vì sao cha mẹ nghĩ chúng tấn công, trong khi sự thật chúng chỉ tìm các bờ bến an toàn.
4. Bởi vì chúng phải chịu đựng sự lấn chiếm của các xúc cảm và che giấu phản ứng xúc cảm xáo trộn này qua cách ứng xử hung hăng.
Các em bé sớm phát triển thường cực kỳ nhạy cảm, dù một lời nhận xét bình thường, một cử chỉ không đáng kể cũng làm cho em bé cảm thấy mình bị sỉ nhục. Tất cả đều có tác động lên em bé, vì dưới mắt chúng, không có gì là không đáng kể, nhưng vì chúng muốn che giấu sự mong manh xúc cảm này nên chúng phản ứng bằng lối giận dữ, bực bội, hung hăng.
Làm thế nào để giúp em bé sớm phát triển chế ngự sự nhạy cảm quá độ này?
1. Trước hết: cự lại và đặt các giới hạn rõ ràng
Có được tất cả những gì mình muốn nơi cha mẹ làm cho đứa bé có cảm nhận mình rất mạnh, và cảm nhận này làm cho nó khổ vì nó thấy nó trơ trụi một mình, không ai mạnh hơn để che chở mình. Cự lại đứa bé là mang đến cho nó một hình ảnh ngược lại, hình ảnh của vững chắc, của an toàn.
Bà Jeanne Siaud-Facchin viết trong quyển sách Em bé sớm phát triển, ví dụ của em Alicia, 9 tuổi không cho mẹ chải tóc cho mình. Em cự lại, em hét lên, em nói mẹ dữ… Mẹ em chịu hết nổi, cuối cùng phải nhượng bộ.
Trong ví dụ này, Alicia chỉ mong muốn một chuyện: mẹ không nhường bước. Bà phải duy trì các giới hạn cần thiết để bảo vệ em. Khi nhường bước là bà cho em biết, cảm xúc của bà rất mong manh.
Khi mà các giới hạn đã được ấn định rõ thì việc cự lại với đứa bé sẽ dễ dàng và nhất quán hơn. Theo tâm lý gia, cha mẹ phải ấn định cái gì họ chấp nhận, cái gì họ không chấp nhận, đặt các giới hạn rõ ràng, thậm chí phải giải thích để giúp đứa bé chấp nhận. Các giới hạn này được xem là các luật lệ không được vi phạm. Chúng ta lấy ví dụ của Alicia, luật lệ sẽ trấn an em và tránh xung đột giữa hai mẹ con là: “Khi nào mẹ cũng chải tóc cho con”. Lời giải thích sẽ tùy theo hoàn cảnh, có thể lời giải thích sẽ là: “Vì như vậy sẽ nhanh hơn, vì buổi sáng hai mẹ con rất bận, vì mẹ muốn bím tóc cho con, như thế con sẽ đẹp hơn…”.
2. Khi đang “lên cơn”: cứ để bùng nổ…
… Rồi tùy cơ hội thuận tiện, nhẹ nhàng giải thích lý do giận dữ, diễn tả bằng lời và cùng với con tìm giải pháp để giải quyết vấn đề.
Các ví dụ của cha mẹ có con cái sớm phát triển:
Audrey: “Với thời gian, tôi học để tách ra một thời gian để nhìn vấn đề… sau đó thì tôi bình tỉnh hơn để nói chuyện”.
Bénédicte: “Tôi kéo cháu ra khỏi ‘vùng căng thẳng’ để xả stress. Đôi khi tôi dùng thủ thuật cãi nhau nhẹ nhưng kiên quyết (có kết quả làm dịu xuống ngay), bằng cách ôm con trong tay, hoặc khi nó đứng thì ấn mạnh tay trên vai. Và nhất là, khi qua cơn, tôi sẽ nói lại yếu tố nào đã làm cơn giận bùng lên, để làm nhẹ bớt sự việc (không phủ nhận con, vì trẻ con có quyền bày tỏ xúc cảm, đôi khi rất chân thành nhưng cách diễn tả thì lệch lạc!) và tìm giải pháp để con có thể áp dụng một mình, để chế ngự xúc cảm khi xảy ra sự việc. Tôi cố gắng bình tỉnh, vì bực tức lên chẳng giải quyết được gì, chỉ làm cơn giận tăng gấp bội, khi quá bực tức, tôi không bình thản giải quyết được…”.
Marie-Hélène: “Điều giúp tốt nhất là lạnh. Không biết bao nhiêu cơn giận xảy ra lúc mùa đông, có lúc tôi phải chờ cả 10 phút ngoài trời lạnh ở sân thượng để chờ cho cơn giận của cháu dịu xuống. Các bài viết của các tâm lý gia Montessori và Dolto giúp tôi có chữ để diễn tả nỗi giận và bất mãn. Cuối ngày học, khi còn ở lớp tiểu học, tôi tìm thời gian yên lặng, dùng thảm trải xuống sàn tập, nằm dài 10 phút với nhạc thư giãn, sau đó nói lên những gì làm nghịch ý con trong ngày. Đến năm 7 tuổi thì mọi chuyện đỡ hơn. Sau đó tôi còn phải đào sâu để biết, nhiều khi cơn giận bùng ra không phải do bất mãn, nhưng vì đứa bé quá buồn, ví dụ như viết sai chính tả chẳng hạn. Chúng tôi ấn định một luật như sau: nếu con thấy mình sắp bùng cơn giận, con nói với mẹ con cần ôm hôn, thế là mẹ sẽ hiểu ngay. Và cách này rất tốt cho chúng tôi”.
Marta An Nguyễn dịch
1083    11-01-2018