Một khoảnh khắc lịch sử ở Erbil, miền bắc Iraq. Tại Ankawa, một vùng ngoại ô của thủ phủ của người Kurd Iraq nằm ở phía bắc đất nước, hàng trăm Kitô hữu Iraq đã cùng nhau cử hành Lễ Thánh giá, bắt đầu từ ngày 9/9 và kéo dài đến ngày 14/9/2024. Sự kiện vui mừng này được đánh dấu bằng những hy vọng lớn lao khi các Kitô hữu thuộc Công giáo, Chính Thống giáo và Assyria lần đầu tiên cùng nhau cử hành lễ tìm thấy Thánh Giá Chúa Giêsu.
Trọng tâm của lễ kỷ niệm nhấn mạnh đức tin hiệp nhất các Kitô hữu. Họ cầu nguyện mỗi ngày trong một nhà thờ khác nhau và tham gia vào các cuộc gặp gỡ văn hóa khác nhau được tổ chức trên các đường phố của vùng ngoại ô. Tất cả các sự kiện đều là một phần của công tác chuẩn bị cho Lễ Thánh Giá, được cử hành vào ngày 14/9 đối với các Giáo hội theo lịch Gregorio hoặc ngày 27/9 đối với các Giáo hội theo lịch Giuliano.
Vào ngày khai mạc, thứ Hai ngày 9/9/2024, một Thánh giá lớn đã được rước đến Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả của Giáo hội Assyria, với các giáo sĩ và tín hữu tay cầm những ngọn nến lớn thắp sáng, một dấu hiệu không chỉ của sự ca ngợi và tôn thờ mà còn của sự chia sẻ và hòa bình. Đức Cha Bashar Matti Warda của Giáo phận Công giáo Canđê tại Erbil, người tổ chức sự kiện nhấn mạnh: "Các Giáo hội thường tổ chức lễ kỷ niệm này riêng biệt vào mỗi năm. Nhưng năm nay lại có sự khác biệt tuyệt vời".
Đức Thượng phụ Mar Awa III đã giải thích rằng "việc cử hành lễ tìm thấy Thánh giá của Chúa Giêsu Kitô tượng trưng cho một cột mốc quan trọng trong kế hoạch thiêng liêng của Giáo hội phương Đông. Khi chúng ta nhìn vào Thánh giá, chúng ta nhớ đến những đau khổ của Chúa Kitô, nhưng cũng nhớ đến sự phục sinh vinh quang của Người từ cõi chết. Và khi chúng ta làm dấu Thánh giá trên chính mình, chúng ta tuyên bố sự mong đợi của mình về Sự tái lâm của Người và đức tin của chúng ta vào sự sống vĩnh hằng".
Ngoài ý nghĩa đại kết, sự kiện các Giáo hội Kitô ở Iraq cùng cử hành lễ Thánh Giá chung là một dấu hiệu tích cực cho tương lai của các Kitô hữu ở Iraq: theo thời gian, chiến tranh, bất ổn chính trị và sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo đã đẩy hàng ngàn Kitô hữu thuộc mọi hệ phái ra khỏi đất nước. Chỉ một thời gian trước, chính Đức Cha Bashar Matti Warda, khi không có số liệu thống kê chính thức, đã tuyên bố rằng "trên toàn Iraq, vẫn còn khoảng 300.000 Kitô hữu". Nhưng hy vọng vẫn còn đó mặc dù con số tín hữu đã giảm, như lễ hội ở Ankawa đang chứng minh.
Theo Vatican News (14/9/2024)