Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Lễ các linh hồn trong Luyện Ngục

Từ sau giờ chầu phép lành ngày lễ chư thánh, tại nhiều nhà thờ ở nhiều nơi, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe thấy một tiếng chuông vang lên để rồi tan dần vào trong bầu không khí âm u đen tối và yên lặng. Chúng ta có cảm tưởng như tiếng ai nhắc nhở, kêu nài, than van, ai oán trong đêm trường vắng im. Phải, những tiếng chuông đó là những tiếng chuông sầu báo hiệu ngày " Đại lễ của các linh hồn đau khổ ". Và tháng các linh hồn đã bắt đầu. Những tiếng chuông đó nhắc nhở cho chúng ta hãy nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục.

Lễ các linh hồn nơi luyện ngục khởi đầu do thánh Odilon dòng thánh Bênêđictô tại Cherry vào thế kỷ thứ XI, và lan ra rất mau trong toàn thế giới. Sau được Hội thánh ấn định vào ngày 02 tháng 11 ngay ngày sau lễ các thánh nam nữ. Luyện ngục! Ôi chốn khủng khiếp chừng nào! Chốn mà các linh hồn phải chịu thanh tẩy các vết nhơ tội khiên bằng lửa. Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo hữu thành Côrinthô đã dạy: "Họ sẽ được cứu rỗi, sau khi sẽ qua biển lửa" (1 Cr 3,25).

Giáo lý khẩu truyền của Giáo hội cũng đã minh xác và tin nhận rằng có luyện tội mới cắt nghĩa được đức công bình, và đồng thời mới biểu dương được lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa, Đấng thẩm phán chí công.

Thường thường hầu hết các linh hồn kẻ lành sau khi lìa khỏi xác và khi đã chịu phán xét riêng, sẽ phải giam phạt một thời gian trong luyện ngục, lâu mau tùy theo tội lỗi riêng từng người. Luyện ngục không có tính cách vô cùng như trong hỏa ngục, nhưng tại đó các linh hồn cũng sẽ bị ngợp trong lửa hỏa hào như trong hỏa ngục. Vì tất cả và tất cả chỉ là một biển lửa rùng rợn khủng khiếp với những lời kêu van rú lên: "Hỡi các bạn hữu tôi, hãy thương đến tôi, ít ra là các bạn hãy thương xót tôi, vì tay Chúa đánh phạt tôi đau đớn lắm rồi (Gb 19, 21).

Nếu tai chúng ta có nghe thấy những lời kêu van thảm thiết của các linh hồn, chúng ta mới hiểu được phần nào tình cảnh đau khổ của họ lúc bị thiêu đốt. Sự đau đớn ấy vượt quá sức trí khôn loài người suy tưởng. Có nhiều linh hồn nơi luyện ngục hiện về minh chứng điều đó. Chân phúc Maria Villani muốn hiểu thế nào là luyện ngục nên đã cầu xin Thiên Chúa cho một linh hồn hiện về với mình. Thiên Chúa đã nhận lời. Người ban phép cho một linh hồn hiện về với chị, và linh hồn ấy đã đặt tay trên trán chị làm thành một vết thương đau nhức suốt hai tháng trời dòng dã. Chị nữ tu Têrêxa Gesta de Foligno bên Ý đã hiện về áp tay phải của chị vào thành cửa phòng may đồ mà khi còn sống chị đã làm việc, khiến cửa bị một dấu tay cháy nám đen in vào gỗ. Còn bao nhiêu truyện khác chứng thực các linh hồn phải chịu cực khổ trong luyện ngục, và các chứng cứ ấy hiện còn chứa trong hai tủ kính ở "nhà thờ các linh hồn luyện ngục" bên Rôma.

Luyện ngục là nơi ghê sợ, hầu hết chúng ta còn có một ý niệm phổ thông về điều ấy. Nhưng nhiệm vụ chúng ta không phải chỉ là tìm hiểu suông, nhưng tìm hiểu để mà cứu vớt.

Thực vậy, Giáo hội là người mẹ nhân từ đã làm gương cho chúng ta trước, và Giáo hội còn giúp ta biết bao nhiêu công việc và phương thế, để ta thi hành đức bác ái đối với các linh hồn một cách hữu hiệu hơn. Cụ thể là ngày hôm nay, Giáo hội đã ban phép cho các linh mục được làm ba lễ, và cho chúng ta mỗi người giáo hữu cứ mỗi lần viếng nhà thờ thì được hưởng một ân đại xá để cầu cho các linh hồn. Hơn thế nữa, Giáo hội còn dành cả tháng mười một này để thúc giục, mời gọi, nài xin chúng ta cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục cách riêng. "Chúng ta giờ đây làm việc còn có công, khóc còn được người thương, kêu còn được người nghe, sám hối còn đền được tội và rửa được linh hồn" (Gương Chúa Giêsu I, 24,1).

Trái lại, với các linh hồn nơi luyện ngục, thời giờ lập công đã hết, các linh hồn ấy chỉ còn biết nài xin, nài xin chúng ta tưới nước ân sủng xuống dập tắt lửa luyện hình.

Cầu nguyện xin ân xá cho các linh hồn nơi luyện ngục là chúng ta thực hiện tinh thần thương xót, trả nợ công bình, tự cứu rỗi, và sau hết làm vinh danh Thiên Chúa.

Trước hết, cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục, tức là chúng ta thực hiện tinh thần vị tha, và đó cũng chỉ là một công lý. Ai trong chúng ta có tinh thần bác ái, có lòng thương yêu người dễ động lòng trắc ẩn trước những nỗi thống khổ của kẻ khác, lại có thể làm ngơ trước những nỗi cực hình của các linh hồn trong luyện ngục, trong khi chúng ta có thừa phương thế cứu giúp? Cầu nguyện cho các linh hồn tức là chúng ta sẽ không nhẫn tâm bịt tai trước những tiếng than van ai oán! "Hãy thương đến tôi, vì bàn tay Chúa đang đè nặng trên tôi".

Thứ đến, đôi khi chính đức công bình đòi buộc chúng ta phải cầu cho các linh hồn. Biết đâu, các linh hồn đang phải chịu cực hình kia, chẳng là linh hồn ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu, hay linh hồn những người đã làm ơn cho ta khi họ còn sống. Chịu ơn tức phải đền ơn, đó là điều tất nhiên. Đức công bình cũng còn đòi buộc chúng ta phải cầu cho các linh hồn, là vì có khi bởi yêu chúng ta, muốn cho chúng ta được hạnh phúc, sung sướng, hoặc bởi gương xấu của chúng ta mà các linh hồn ấy liều mình phạm tội gây nên cái án phạt cho mình. Ấy là chưa kể đến những lời chúng ta đã giao hữu với họ, cũng không thể cho phép chúng ta quên họ được.

Rồi đến, chúng ta còn phải cầu nguyện cho họ, vì lẽ mạnh khác là chính vì sự rỗi linh hồn của chúng ta. Ý tưởng về lửa luyện ngục giúp chúng ta xa lánh tội nặng, chê ghét tội nhẹ, thúc đẩy chúng ta cải thiện và thánh hóa đời sống. Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết rằng: "Chưa từng bao giờ tôi có thể tin được một người không hề làm một việc gì để giúp đỡ các linh hồn, mà mình lại được rỗi linh hồn". Một thầy trợ sĩ dòng Đaminh khi bình sinh đã cầu nguyện, hy sinh rất nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục, nên khi thầy gần chết, được xem thấy tất cả các linh hồn ngài đã cứu được xưa đến giúp đỡ thầy trong giờ sau hết. Trải qua bao thế kỷ và tại nhiều nơi, Thiên Chúa đã tỏ ra vô vàn sự lạ làm chứng sự thông công giữa "Giáo hội chiến đấu và Giáo hội đau khổ’. Chúa Giêsu đã từng giảng trên núi Bát phúc xưa: "Ai thương xót người ấy là phước thật, vì chưng sẽ được thương xót". Nếu chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy chóng được giải thoát, chắc rằng không đời nào các linh hồn ấy lại quên ta. Các linh hồn ấy sẽ bầu cử cho chúng ta trước toà Chúa ngay trong lúc còn trong luyện ngục. Chúng ta nên nhớ rằng: các linh hồn ấy không làm gì được cho mình, nhưng cầu cho chúng ta thì rất đắc lực, nhất là khi đã lên nơi vinh phúc.

Lạy Chúa, lời Chúa phán xưa còn văng vẳng bên tai con: "Một chén nước khi cho kẻ khó hèn sẽ không mất phần thưởng" (Mt 10, 42), va:ø "Ai đong cho anh em đấu nào, thì Cha Ta trên trời cũng sẽ đong lại cho đấu ấy". Xin Chúa ban cho chúng con được lòng mộ mến thương giúp các linh hồn nơi luyện ngục.

Sau hết, linh hồn có lòng mến Chúa, làm vinh danh Thiên Chúa, tất không thể nào quên được việc cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục. Các linh hồn đó là những phần mình đau khổ trong nhiệm thể Chúa Kitô. Cầu nguyện cho các linh hồn tức là chúng ta làm tăng nhân số trên thiên đàng, làm cho Chúa được nhiều linh hồn chúc tụng, yêu mến và tôn thờ. Và Chúa hẳn lấy làm sung sướng được mở cửa thiên đàng cho các linh hồn ấy vào.

Tháng các linh hồn quả thực có một ý nghĩa cao đẹp biết bao! Là thời cơ làm thoả mãn các linh hồn mến Chúa và yêu người, là thời cơ giúp ta suy ngắm và sẽ giúp ta cải thiện đời sống. Các linh hồn ấy bị lửa thiêu đốt cũng là bởi khi còn sống chưa cải thiện, đời sống chưa thánh thiện đủ.

"Hãy thương xót chúng tôi, xin hãy nhớ". Chớ gì những tiếng kêu thất thanh đầy giọng não nùng bi thiết của những linh hồn đang chìm ngập trong biển lửa vô hình ấy có thể thấm nhập vào tâm hồn của chúng ta, kích động chúng ta sốt sắng nhiệt thành cầu nguyện, để Chúa ra tay giải thoát và đem các linh hồn ấy về nơi mát mẻ vinh phúc muôn đời.

1120    02-11-2018