Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Lời cầu nguyện sớm nhất với Đức Mẹ

stmary


Được tìm thấy trong một tờ giấy cói có niên đại từ năm 250, dưới đây là lời cầu nguyện với Đức Mẹ cổ xưa nhất từng được biết đến cho đến ngày nay.

Lời cầu nguyện về Đức Mẹ được biết đến sớm nhất, giống như các sách Tin Mừng, được viết bằng tiếng Hy Lạp. Đó là lý do tại sao, trong đó, Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “Θεοτοκος”, “Đấng cưu mang Thiên Chúa”, vốn đã là một chi tiết có liên quan về mặt thần học (như chúng tôi sẽ cố gắng giải thích). Lời cầu nguyện này, như được giải thích trên trang web của Trisagion Film, “được tìm thấy trên một mảnh giấy cói có niên đại khoảng năm 250 sau Công nguyên”, chỉ vài thế kỷ sau cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, khoảng một thế kỷ trước hoàng đế Constantine và sắc lệnh Milan, nhưng quan trọng hơn, hai thế kỷ trước Công đồng Đại kết thứ ba, Công đồng Êphêsô, trong đó Đức Trinh Nữ Maria được tôn xưng là “Mẹ Thiên Chúa”.

 

rylandspapyrus470
 Lời cầu nguyện sớm nhất được biết đến với Theotokos (trong nguyên bản tiếng Hy Lạp “Θεοτοκος” có nghĩa là “Đấng cưu mang Thiên Chúa”), tức là với Đức Trinh Nữ Maria, được tìm thấy trên một mảnh giấy cói, có từ khoảng năm 250 sau Công Nguyên.


Năm 1917, Thư viện John Rylands ở Manchester, Anh, đã mua được một tấm bảng lớn bằng giấy cói của Ai Cập, viết bằng tiếng Hy Lạp Koine (Mediterranean Lingua Franca - một dạng ngôn ngữ chung của vùng Địa Trung Hải - được dùng để viết các sách Tin Mừng). Lời cầu nguyện, như được giải thích trên
trang web của Trisagion Films, được tìm thấy trong đoạn được đánh số 470, và có vẻ đoạn này có nguồn gốc từ một phụng vụ mùa Giáng sinh của Giáo hội Copt (có thể là Kinh chiều mùa Giáng sinh), mặc dù đoạn này cũng có thể là một bản sao dùng riêng được lấy từ lời cầu nguyện gốc.

Lời cầu nguyện có nội dung như sau:

Lạy Mẹ Thiên Chúa, dưới tình thương của Mẹ, chúng con nương náu: xin đừng chê bỏ những lời khẩn cầu của chúng con trong cơn nguy khốn, nhưng xin giải cứu chúng con khỏi những hiểm nguy, vì chỉ có Mẹ là Đấng vẹn sạch, vì chỉ có Mẹ là Đấng đầy ơn phước.

 

screenshot20160706at40742pm

 

prayingtomary1


Tác giả: Daniel Esparza – Nguồn: Aleteia (08/7/2016)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

710    03-08-2022