Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Lời Chủ Chăn: Biết lắng nghe để tham gia

loichuchant41
Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long 

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần IV, sẽ nói đến Biết Lắng nghe để Tham gia, được trích trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng Evangelii Gaudium và Thông Điệp về Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội Fratelli Tutti.

Mượn câu nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, 2015 để mở đầu cho việc biết lắng nghe để tham gia : “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe [...] Giáo hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: tất cả đều lắng nghe nhau, và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần”. Đây một lời khuyên quí giá dành cho tất cả thành phần Dân Chúa để xây dựng Giáo hội của Chúa ở trần gian nầy. Mọi người đều tham gia, nhưng việc tham gia rất cần sự đóng góp của nhiều thành phần khác nhau. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mỗi thành phần ít nhiều gì cũng có ý kiến để xây dựng tốt một công trình.

 

Trong phạm vi Tôn giáo chúng ta, lắng nghe khởi đi từ Mạc khải Kinh Thánh. Mạc khải chủ yếu là Lời Thiên Chúa nói với con người và Kinh Thánh dạy rằng “đức tin sinh ra bởi sự lắng nghe” (Rm 10, 7). Con người phải lắng nghe Lời Thiên Chúa (Đnl 6, 4: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất…”), mở lòng đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành trong niềm vâng phục của đức tin. Phần Ngài, Thiên Chúa cũng lắng nghe lời con người cầu xin và kêu cứu (Tv 10, 17 “Lạy CHÚA, Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn; Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ,..”; Ga 11, 41: “Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con””).

Lắng nghe không phải là độc thoại. Độc thoại được diễn tả như sau : một bài phát biểu dài của một người không để người đối thoại của mình nói hoặc người đối thoại không có lời đối đáp. Lắng nghe nghiêng chiều về phía đối thoại nhiều hơn. Đối thoại, trong từ Hy Lạp là dia-lego = nói với ai. Theo đúng nghĩa, đối thoại được hiểu là đàm thoại giữa nhiều người, nhiều nhóm người hoặc liên lạc thường xuyên với ai, với mục đích là cùng nhau đi tìm chân lý. Chân lý theo ý kiến của anh, chân lý theo ý kiến của tôi, chớ không phải chân lý của kẻ mạnh. - Thí dụ cuộc đối thoại mà chúng ta thường nghe đó là cuộc đối thoại Đại Kết : Công giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo. Đối thoại giữa những anh em có lập trường hoặc tín ngưỡng không giống nhau, nhưng mỗi người đều nỗ lực, cố gắng để gặp người kia trong tâm trạng và những xác tín của họ. - Một thí dụ khác rất gần và rất thực tế trong đời sống tôn giáo chúng ta. Đối đáp trong Thánh lễ : Thánh lễ mà trong đó cộng đoàn gồm ca đoàn và giáo dân đáp lại lời của vị chủ tế, và tham dự vào một số Bài đọc.

Đến đây từ đối thoại, chúng ta bước thêm một bước nữa trong bài viết của chúng ta đó là việc Lắng nghe. Lắng nghe theo nghĩa thông thường có nghĩa là có thể tiếp nhận, thu thập những gì mà người kia muốn nói với mình, ở cấp độ và với mục đích riêng của họ, nghe được những gì mà họ khó nói và những gì họ muốn nói, có thể muốn giấu hoặc giấu đi. Lắng nghe để giao tiếp tốt hơn... lắng nghe bao gồm những gì?

Để giao tiếp, trong cuộc sống cá nhân hay nghề nghiệp hằng ngày, chỉ nghe không, nói tốt thôi là chưa đủ. Trên hết, điều cần thiết là hiểu người khác, lắng nghe là dành thời gian cho người đối thoại, không tập trung vào bản thân mình, bỏ bớt “cái tôi” của mình... Chính xác “lắng nghe” không phải là nghe suông. Điều nầy chỉ liên quan đến thính giác, khả năng nghe (như nghe âm thanh). Lắng nghe là “hiểu”. Thí dụ “Tôi nghe thấy những gì mà bạn đang nói” ngụ ý “Tôi hiểu những gì bạn đang nói”. Lắng nghe là sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác, chăm chú lắng nghe anh ấy, đặt câu hỏi nơi anh ấy, tương tác với anh ấy, tham gia vào cuộc trao đổi.

Thông điệp về Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội Fratelli Tutti bàn trực tiếp về việc Lắng nghe: “khả năng ngồi xuống và lắng nghe người khác; khả năng này là khuôn mẫu cho thái độ chào đón của người vượt qua chính mình” (số 48); “phải sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác và lo sao cho mọi người đều có phần” (số 190); “lắng nghe, nhìn nhau, làm quen, hiểu biết, tìm ra những điểm chung….” (số 198); “lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng, cố gắng sống tử tế như thế mỗi ngày, chúng ta có thể tạo được một bầu khí chung lành mạnh…” (số 224).

Theo tinh thần Gợi ý Mục vụ lần IV, để tham gia trong một Giáo hội hiệp hành thì cũng có điều kiện cần và đủ: “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe, với ý thức rằng lắng nghe ‘nhiều hơn là nghe suông’” (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 171). Như chúng ta đã nói ở trên, nghe suông liên quan đến thính giác, còn lắng nghe trong Giáo hội ngày nay thì thật là đa dạng. Đa dạng về thành phần Giáo hội. Đa dạng về nhiều phương diện khác nhau mà Giáo hội phải “đương đầu”. Hoàn cảnh xã hội ngày nay thật khác với hoàn cảnh xã hội thời của Chúa Giêsu, thời của các Thánh Tông đồ, thời của Giáo hội sơ khai, thời của các Giáo phụ. Giáo hội thời nay là thời của những âm thanh và tốc độ xét về mặt kỹ thuật khoa học. Giáo hội đối đầu và làm thế nào để Giáo hội có thể rao truyền Phúc âm có hiệu quả: “Ngày nay, khi Hội Thánh tìm kiếm các trải nghiệm về một cuộc canh tân truyền giáo sâu xa, có một loại rao giảng mà mỗi người chúng ta phải coi như một bổn phận hằng ngày. Nó liên quan tới việc đem Tin Mừng tới những người chúng ta gặp gỡ, dù họ là những người lân cận hay hoàn toàn xa lạ với chúng ta…” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 127). Nhưng thật là khó để chu toàn, cho nên, Giáo hội mời gọi lắng nghe để tham gia sứ vụ rao giảng này.

Mượn lại lời nhắn nhủ như kết luận cho việc Biết Lắng nghe để Tham gia, tham gia rao giảng Tin mừng: “Trong kiểu rao giảng này, vốn luôn luôn phải kính trọng và dịu dàng, bước đầu tiên là một cuộc đối thoại cá nhân, khi người kia nói và chia sẻ các niềm vui, hi vọng và quan tâm của họ đối với những người thân, hay vô số các nhu cầu thiết thân nhất. Chỉ sau đó chúng ta mới có thể đưa lời Chúa vào,… Bằng cách này họ sẽ cảm nghiệm rằng họ đã được lắng nghe và cảm thông; họ sẽ biết rằng tình huống cụ thể của họ đã được đặt ra trước mặt Thiên Chúa, và tin rằng lời của Thiên Chúa thực sự nói với cuộc đời họ” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 128)

Trong Mùa Phục sinh, chúng ta cùng chúc nhau, cùng cầu nguyện cho nhau nhận được Chúa Kitô đã và đang sống lại trong từng người chúng ta.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 03 năm 2024

 

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

   Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

152    10-04-2024