Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần VI, sẽ nói đến Chủng viện Tham gia, được trích trong Đào Tạo Linh Mục. Định Hướng và Chỉ Dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xuất bản 2012 và Tông huấn Pastores Dabo Vobis (PDV). Về việc Đào tạo Linh mục Trong Hoàn cảnh Hiện nay của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Chủng viện cũng là một cộng đoàn Dân Chúa thu nhỏ, nhưng không vì thế mà thu mình, khép kín. Chủng viện Tham gia. Tham gia cách nào?
Chủng viện là nơi đào tạo những con người sau nầy trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước: Linh mục. Các Linh mục tham gia sứ mệnh rao giảng tin mừng, cộng tác với Chúa trong chương trình cứu rỗi nhân loại. “Một cách đặc biệt, “linh mục thừa tác là tôi tớ của Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội xét như là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Do sự kiện linh mục thông phần vào việc “xức dầu” và vào “sứ vụ” của Đức Kitô, linh mục có khả năng nối dài kinh nghiệm, lời nói, hy lễ và hoạt động cứu độ của Ngài trong Giáo Hội.” (PDV, số 16)
Và theo tinh thần của quyển Đào Tạo Linh Mục. Định Hướng và Chỉ Dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xuất bản 2012, trở thành Linh mục là một hành trình tiệm tiến. Chương trình đào tạo Linh mục là một chương trình đào tạo suốt đời, bao gồm ba thời kỳ:
Trước Đại chủng viện
Được Kêu gọi. Chủng sinh tiền chủng viện, tìm hiểu ơn gọi, chủng sinh vẫn sống tại gia đình trong các Họ đạo, được vị Linh mục đặc trách ơn gọi gặp gỡ, hướng dẫn, trình bày con đường ơn gọi theo Chúa, và những việc phục vụ mục vụ sau nầy khi trở thành Linh mục. Và sau đó được tuyển chọn sang Chủng viện.
Noi gương Chúa Giêsu, Ngài kêu gọi các Tông đồ (x. Mc 3,13-19). “Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” Chúa Giêsu đã gọi những người mà Ngài muốn. Ngài cũng có nhiều bạn bè, anh em người nam cũng như người nữ, những người thường xuyên tham gia với Ngài hoặc mời Ngài đến nhà của họ, nhưng Ngài chỉ chọn mười hai người: Tông đồ.
Chúa Giêsu đã chọn 12 Tông đồ như thế nào? Điều này xảy ra với sự hiểu biết và tán thành, theo Chúa khác nhau, không bao giờ là 100%. Đôi khi, các Tông đồ cũng có thể là bạn của Chúa Giêsu vì điều đó, nhưng đó không chỉ là vấn đề tình bạn hay thậm chí thánh thiện, nhưng đặc biệt ở đây là một sứ mệnh.
Có những hoàn cảnh và trường hợp kêu gọi khác nhau. Những cách gọi khác nhau này không có gì là ngẫu nhiên, bởi đây sự lựa chọn của Chúa, dựa trên sự kiện là Ngài biết chúng ta hơn chính chúng ta (x. Ga 2, 25). Tuy nhiên, việc kêu gọi hay sai đi của Chúa Giêsu cũng có nhiều may rủi, vì không phải lúc nào nó cũng mang lại kết quả như mong đợi. Chẳng hạn, Chúa Giêsu mời gọi một thanh niên giàu có “hãy đến mà theo Ta”, nhưng anh ta đã quay gót, “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (x. Mt 19, 16-22). Có lẽ anh ấy sẽ quay lại với Chúa muộn hơn một chút? Lịch sử không nói điều này và do đó đặt chúng ta trước ơn gọi của mình. Những người khác sẽ đi theo Chúa Giêsu rồi rời bỏ Người.
Khi các chủng sinh bắt đầu đáp lại Chúa Kitô, đây thực sự là nơi mọi thứ bắt đầu: lắng nghe lời Người và không ngừng nhìn vào cách sống, cách phục vụ và tình yêu của Người.
Trong Đại chủng viện
Trong môi trường này, chủng sinh được đào tạo để trở thành những Linh mục trưởng thành, hiệp thông, trách nhiệm, thánh thiện… Ở đây chỉ nói đến đào tạo chủng sinh trở thành những con người hiệp thông tham gia, có trách nhiệm. Người chủng sinh không sống riêng lẻ, duy cá nhân, nhưng trong sự hài hòa. Sau nầy trở thành Linh mục, vị linh mục đó cộng tác và hiệp thông, tham gia với (1) các vị chủ chăn trong đó có Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục; (2) hiệp thông và tham gia làm việc với anh em Linh mục đoàn trong và ngoài Giáo phận nếu có thể được; (3) hiệp thông và đối thoại với giáo dân và mọi người xung quanh. Giáo luật, điều 245 có đề cập: “Chủng sinh được đào tạo để sống tình hiệp nhất.”
Chúa Giêsu huấn luyện các môn đệ như thế nào? Đào tạo môn đệ trong cuộc đời của Chúa Giêsu là một quá trình tương quan mà qua đó cuộc đời này liên hệ với cuộc đời khác. Thực sự, bằng việc cùng nhau bước đi, cùng chung sống, nắm bắt nhiều cơ hội để giảng dạy, minh họa và sửa dạy mà Chúa Giêsu huấn luyện các môn đệ của Người. Hành trình này cũng tương tự như hành trình mà Chúa Giêsu đã thực hiện với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Theo đó, Chúa Giêsu gặp gỡ, cùng bước đi với họ, trò chuyện với họ, nói cho họ nghe những chuyện xảy ra và giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa (x. Lc 24,13-35). Với mỗi ơn gọi riêng của mình như các Tông đồ, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, số 60 nói rõ: “Liên kết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần bằng một tinh thần huynh đệ duy nhất, hợp tác với nhau, mỗi người tùy theo khả năng của mình, để làm cho mọi người được tăng trưởng trong đức tin và đức ái… tích cực tham gia vào sứ vụ đào tạo.”
Sau Đại chủng viện
Được Sai đi. Sau khi đã được thánh hiến và đã được xức dầu trong bí tích, Linh mục mang trong thừa tác vụ Linh mục của mình một sứ mệnh đặc biệt: sứ vụ truyền giáo: Loan báo Tin mừng, loan báo về Chúa Giêsu Kitô, cho người khác tin và được cứu rỗi. Sau chủng viện còn được liệt kê các giai đoạn: - Năm năm đầu đời Linh mục; - Những năm làm cha sở; - Những năm về hưu…
Giống như Chúa Giêsu ngày xưa, sau khi kêu gọi các Tông đồ, các ông đã bỏ mọi sự mà theo Ngài, sống với Ngài một thời gian và sau đó được Ngài sai đi: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần ; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20)
Chủng sinh ra trường trở thành Linh mục được sai đi đến với muôn dân để kiện toàn đức ái mục tử. Các Linh mục thường xuyên cầu nguyện và cố gắng chu toàn ba chức năng trong Linh đạo Linh mục: Rao giảng, Thánh hóa và Lãnh đạo cộng đoàn.
Khi nói về sự tham gia của Chủng viện, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Trong Chủng viện, Giám mục hiện diện qua thừa tác thừa tác vụ mà vị giám đốc thi hành cùng với các nhà đào tạo khác trong tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông dưới sự hướng dẫn và vận dụng của vị giám đốc, nhắm đến sự tăng triển mục vụ và tông đồ của các ứng sinh. Các thành phần khác biệt trong cộng đoàn Chủng viện liên kết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần bằng một tinh thần huynh đệ duy nhất, hợp tác với nhau, mỗi người tùy theo khả năng của mình, để làm cho mọi người được tăng trưởng trong đức tin và đức ái…” (PDV số 60)
Đó là những gì mà chúng ta có thể nhắm tới điểm Chủng viện Tham gia. Xin Chúa chúc lành cho các giai đoạn Đào tạo, và xin Ngài ban thêm nhiều Thợ gặt trong Cánh đồng Truyền giáo.
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 5 năm 2024.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long
624 02-06-2024