Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Lời Chủ Chăn: Giáo Hội đồng hành với con người

loichuchanhoithanhlamevalathay
Kính gửi: Quý Cha,
 quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần II, sẽ nói về Giáo Hội đồng hành với con người được trích trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes).

Giáo Hội Nhiệm thể Chúa Kitô. Chúng ta là những Kitô hữu, “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cor 12, 13). Thân thể ở đây là thân thể mầu nhiệm, Giáo Hội của Chúa Kitô. Trong Giáo Hộ nầy, không còn phân biệt là ai, như thế nào, không còn phân biệt dân tộc, màu da, tiếng nói..... Sống trong thân thể mầu nhiệm, chúng ta có rất nhiều dịp để tập họp với nhau, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và bằng Bánh và Rượu được thánh hiến. Đặc biệt là mỗi tín hữu, mỗi thành viên đều bình đẳng và có tầm quan trọng như nhau. Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng đều biết, thân thể gồm nhiều bộ phận và Thiên Chúa quan phòng đã : “đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn” (1 Cor 12, 18). Mỗi bộ phận có công việc khác nhau, trong các hoạt động để cùng nhau xây dựng bảo vệ thân thể mầu nhiệm, ngoài ra còn để xây dựng một thế giới mới và phục vụ tất cả mọi người. Một phát biểu của thánh Phaolô trong 1 Corintô rất là chí lý: “Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cor 12, 25-27).

Giáo Hội đồng hành với ai ? Theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II, thì Giáo Hội đồng hành với hết mọi người đang hiện diện ở thế gian nầy, mang ơn cứu rỗi đến cho mọi người : “Công Ðồng Vaticanô II không còn chỉ ngỏ lời riêng với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu danh Chúa Kitô, nhưng không ngần ngại nói với tất cả mọi người” (Vui Mừng và Hy Vọng số 2). Đồng hành của Giáo Hội có kết quả là mang lại niềm vui và hy vọng. Giáo Hội quan tâm đến những người nghèo, thiếu cơ hội, kém may mắn hơn những người khác: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Vui Mừng và Hy Vọng số 1).

Giáo Hội đồng hành với con người trong lãnh vực nào ? Có sự phân biệt thần quyền và thế quyền. Rất nhiều nơi trên thế giới tinh thần quốc gia và thế tục phát triển mạnh và nhanh vào khoảng thế kỷ XIII cho đến hôm nay. Việc phần đời thuộc riêng về các vua chúa trần gian. Việc tôn giáo là dành cho Giáo Hội trong đó có các Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân.

Đến Công Đồng Vaticanô II, các nghị phụ đã đồng ý và cùng công bố trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay : “Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo. Nhưng, bởi chính sứ mệnh tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Luật Lệ của Thiên Chúa” (Vui Mừng và Hy Vọng số 42). Mặc dù không vây mình vào lãnh vực chính trị, kinh tế hay xã hội, nhưng Giáo Hội luôn luôn nhắm đến đời sống của con người đạo cũng như đời, tôn trọng phẩm giá con người. Trong những lãnh vực vừa nêu trên, Giáo Hội cố gắng xem đâu là sự thật, công bình và từ thiện bác ái, đâu là thánh ý của Thiên Chúa.

Giáo Hội cũng ao ước đóng góp những việc làm phục vụ mọi người bất kể người đó là ai, nhưng đặc biệt là những người khốn khổ thiếu điều kiện sống và ao ước một sự hiệp nhất và tình liên đới trên toàn thế giới như tôn chỉ của Giáo Hội: “Vì chính Giáo Hội ở “trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Như thế, chính Giáo Hội bày tỏ cho thế giới biết rằng sự hiệp nhất bên ngoài trong phạm vi xã hội bắt nguồn từ sự hiệp nhất tâm trí, nghĩa là từ đức tin và đức mến, căn bản hiệp nhất bất khả phân ly của Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần” (Vui Mừng và Hy Vọng số 42).

Giáo Hội không muốn chiến tranh, không muốn tranh chấp giữa các quốc gia bởi vì chiến tranh sẽ gây ra những cảnh tang thương chết chóc, con người sẽ là nạn nhân của những thế lực khác nhau. Con người không còn là con người đúng nghĩa, con người là phương tiện cho các thế lực vụ lợi ích kỷ. Giáo Hội, trong đó có toàn thể anh chị em tín hữu chúng ta, luôn dựa vào Lời Chúa để sống và ra sức rao giảng Phúc âm, cổ võ sự phát triển các dân tộc, vận động bằng đủ mọi cách, trong mọi môi trường, làm thế nào để có công bình bác ái xã hội, tình người được lớn mạnh, con người sống hòa thuận thương yêu nhau.

Đối với mọi người, dù tin ở Thiên Chúa hoặc không tin vào Ngài, thì cũng nên “kiến tạo thế giới cho hợp với phẩm giá siêu việt của con người hơn, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập vững chắc hơn...” (Vui Mừng và Hy Vọng số 91). Chính vì thế mà Giáo Hội không nên thu mình lại trong thế giới của riêng mình, nhưng dấn thân vào thế giới đại đồng trở thành một Giáo Hội của thế gian theo hiện trạng của nó, để nhiều người nhận ra Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta tôn thờ.

Nhân dịp này, Năm mới Nhâm Dần 2022, tôi kính chúc anh chị em đón nhận được sự bình an và mọi phúc lành của Thiên Chúa để anh chị em có được cuộc sống cá nhân và gia đình hạnh phúc và thánh thiện. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho cơn đại dịch Covid-19 này mau qua để mọi người có cuộc sống bình thường mới trong những hoàn cảnh mới.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

 Giám Mục Gp. Vĩnh Long

969    27-02-2022