Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Lởi Chủ Chăn: Giáo Hội hiệp thông cách hữu hình và vô hình

ducchapherohuynhvanhai1234567891011121

 

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long. 

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và Xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần V, sẽ nói về Hiệp Thông Hữu Hình và Vô Hình được trích trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo Của Giáo Hội (Ad Gentes) và trong Thư Của Bộ Giáo Lý Đức Tin Gửi Các Giám Mục Thuộc Giáo Hội Công Giáo Bàn Về Một Vài Phương Diện Của Giáo Hội Được Hiểu Như Sự Hiệp Thông.

Trước hết, theo Thư Của Bộ Giáo Lý Đức Tin Gửi Các Giám Mục Thuộc Giáo Hội Công Giáo Bàn Về Một Vài Phương Diện Của Giáo Hội Được Hiểu Như Sự Hiệp Thông, thì chúng ta chúng ta cần nói vắn tắt thế nào là hữu hình và thế nào là vô hình trong Giáo Hội.

Hữu hình trong Giáo Hội. Sự hữu hình nầy được định vị trong Giáo Hội tại thế hữu hình. Những thực tại hữu hình trong Giáo Hội chính là cơ chế tôn giáo, tập hợp nhau tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể trong các Nhà Thờ, tòa nhà công cộng của Giáo Hội mà mọi người có thể nhìn thấy và đến dự. Thí dụ, trong các cuộc trò chuyện hằng ngày, chúng ta cũng thường nghe nói về thực tại hữu hình: “Tôi đi Nhà thờ này đây, còn tôi và gia đình đi Nhà thờ kia…”, hoặc tham dự nghi lễ Rửa tội một người thân, thì họ đang nhìn vào một phần hữu hình của Giáo Hội. Nhưng giống như bất kỳ cơ chế nào được quản lý bằng phương tiện của con người, thực tại hữu hình của Giáo Hội phải có một chính phủ mà trong Giáo Hội được gọi là Giáo quyền và các phẩm trật được thành lập. Những thực tại hữu hình nầy còn được tìm thấy trong Giáo Luật, Giáo Lễ, Giáo Lý của Giáo Hội hữu hình tại thế. Có các bí tích, nghĩa là các phương tiện của ơn Cứu độ. Dù thế nào đi nữa, các thực tại hữu hình này đều có ý hướng nhắm đến xác định đâu là những dấu hiệu cấu thành một Giáo Hội thực sự của Chúa Kitô.

Vô hình trong Giáo Hội. Xét về mặt không gian và thời gian, sự vô hình của Giáo Hội được diễn tả là một Giáo Hội bao gồm tất cả các tín hữu ở mọi thời đại, mọi hệ phái khác nhau, mọi nơi trên thế giới. Giáo Hội trọn vẹn, bao gồm các tín đồ chân chính, từ Ađam đến Ngày Chúa Kitô trở lại (tận thế). Những thực tại này là vô hình vì nó siêu nghiệm : “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay Ở kia kìa!, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17, 20-21). Chỉ có những người được chọn, những người được tiền định cứu rỗi mới được dự phần. Từ muôn thuở Thiên Chúa đã ra lệnh và một khi đã vào Giáo Hội nầy thì không ai có thể ra ngoài được vì không ai muốn ra ngoài nữa. Giáo Hội vô hình là Giáo Hội hoàn hảo, hiền thê tinh tuyền được Đức Kitô tuyển chọn: “Một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Êp 5, 25-27).

Thực tại vô hình của Giáo Hội còn bao gồm tất cả những người được cứu chuộc, thuộc linh và trên trời chớ không thuộc về thế gian này, như Chúa Giêsu giải thích: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18, 36).

Một khía cạnh khác về thực tại vô hình, được trích từ Thư Của Bộ Giáo Lý Đức Tin kể trên: “Xét về mặt thực tại vô hình, thì đó là mối hiệp thông giữa từng người với Thiên Chúa Cha, qua Đức Kitô, và trong Thánh Thần, cũng như với những người khác, là những kẻ cùng tham dự vào bản tính thần linh, (x. 2 Pi 1, 4.) trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x. 2 Cor 1, 7), trong cùng một niềm tin (x. Eph 4, 13; Phm 6), và cùng một tinh thần (x. Ph 2, 1)”. Nếu như thế, thì chúng ta cũng nhìn nhận rằng các anh em Kitô hữu chúng ta trải qua những thăng trầm trong lịch sử Giáo Hội, có những anh em Tin Lành, Chính Thống Giáo. Các anh em đó cũng là những người đã sống cùng một niềm tin và cùng một tinh thần với chúng ta. Cho nên, các anh em đó cũng là những thành phần thuộc thực tại vô hình của Giáo Hội. Giáo Hội nầy là một thân thể mầu nhiệm mà Chúa Kitô là Đầu và tất cả mọi thành phần dù là hữu hình hay vô hình là chi thể của thân thể mầu nhiệm đó.

Hiệp Thông Hữu Hình và Vô Hình

Trước hết, chúng ta có thể rút ra từ Phúc âm những dấu chỉ của sự hiệp thông này. Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 4, 20, người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nói với Chúa Giêsu: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Người phụ nữ Sa-ma-ri nói về sự hữu hình trong Giáo Hội, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời bà bằng cách định nghĩa thực tại vô hình trong Giáo Hội. Chúa Giêsu phán cùng bà: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 21-24). Có thể hiểu, nhờ thực tại hữu hình để hiệp thông với thực tại vô hình.

Giáo Hội tại thế là cơ quan hữu hình mà qua đó Chúa Kitô sống và hành động trong thế giới này, mà qua đó “Đức Kitô thi hành chức năng ngôn sứ, tư tế và vương giả của Ngài ngay giữa lòng lịch sử và bằng nhiều cách thức khác nhau để cứu độ loài người (x. Lumen Gentium, số 25-27). Chính mối liên hệ giữa những yếu tố vô hình và hữu hình của niềm hiệp thông trong Giáo hội đã làm cho Giáo Hội trở nên Bí Tích Cứu Độ” (trích từ Thư Của Bộ Giáo Lý Đức Tin kể trên).

Cũng theo tinh thần Thư Của Bộ Giáo Lý Đức Tin kể trên, một khi Giáo Hội trở nên Bí Tích Cứu Độ. Tất cả chúng ta phải làm thế nào để cho Chúa “hiển thị” với thế giới mà chúng ta đang sống. Chính vì thế mà “Giáo Hội hiện hữu như một thực tại không phải chỉ bo bo khép kín mình lại, nhưng là biết thường xuyên mở rộng lòng ra trước đà năng động truyền giáo và đại kết, vì Giáo Hội được phái gửi vào trong thế giới để loan báo và làm chứng, để hiện thực hóa và rao truyền mầu nhiệm hiệp thông là chính mầu nhiệm làm nên Giáo Hội: quy tụ mọi sự và mọi người lại trong Đức Kitô (Mt 28, 19-20; Jn 17, 21-23; Eph 1, 10; Lumen Gentium, nn. 9/b, 13 et 17; Ad Gentes, nn. 1 et 5; S. IRENEE, Adversus haereses, III, 16, 6 et 22, 1-3: PG 7, 925- 926 et 955-958); làm "bí tích hiệp nhất keo sơn” (S. CYPRIEN, Epist. ad Magnum, 6: PL 3, 1142) nối kết mọi người”.

Tất cả mọi thành phần dân Chúa hiệp thông với nhau: hữu hình (hiện có) và vô hình (có từ xa xưa, không sống cùng một thời và một nơi chốn). Qua trung gian những thực tại hữu hình chúng ta nối kết với vô hình. Nhưng là người Kitô hữu, chúng ta cùng tuyên xưng: Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 04 năm 2023


+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

831    13-05-2023