Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Lời Chủ Chăn: Hiệp thông hướng tới đại kết

ducchapherohuynhvanhai1234567891011121234


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần XII, sẽ nói về Hiệp thông hướng tới Đại kết được trích trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sắc lệnh về Đại Kết (Unitatis redintegratio) và Thư gửi các Giám mục của Giáo hội Công giáo về một số khía cạnh của Giáo hội của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng 5 năm 1992.

Những vết nứt giữa các Giáo hội

Giáo hội Kitô giáo đã nhanh chóng bị rạn nứt trong suốt thời gian lịch sử Giáo hội.

Các vết nứt quan trọng nhất là: - Vào thế kỷ XI, sự rạn nứt giữa Giáo hội phương Tây và phương Đông trở thành Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống; - Sau đó vào thế kỷ XVI, trong thời kỳ Cải cách, việc tách Giáo hội Tin lành và Anh giáo khỏi Giáo hội Công giáo.

Các Giáo hội đã trải qua những sự chia rẽ này đôi khi theo những cách thế quá đáng, trong sự thiếu hiểu biết hoặc thờ ơ xa cách ngày càng tăng. Sự khác biệt giữa các Giáo hội ngày càng nhiều.

Sự ra đời của phong trào Đại kết

Vào đầu thế kỷ 20, do sáng kiến truyền giáo của các Giáo hội Tin Lành, phong trào đại kết đã ra đời, với mục đích tái khám phá tính chất phổ quát của Giáo hội và sự Hiệp nhất của Giáo hội: Phong trào nhằm hiệp nhất các Kitô Hữu: Phía Tin Lành bắt đầu từ đại hội truyền giáo thế giới ở Édinburg năm 1910; còn phía Công Giáo, dựa vào những nguyên tắc do Công Đồng Vatican II năm 1964 đưa ra.

Phong trào đại kết dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21). Bước vào lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu là bước thiết yếu đầu tiên trên hành trình hướng tới sự hiệp thông.

Tiến tới sự hiệp thông

Giáo hội Công giáo bước vào phong trào đại kết với Công đồng Vatican II năm 1962 và Sắc lệnh về Đại Kết (Unitatis redintegratio) đưa ra khái niệm về “phẩm trật của các chân lý” và đặt ra việc tìm kiếm sự hiệp nhất trong sự tôn trọng những khác biệt được coi là những tài sản.

Con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn đã làm dấy lên lòng nhiệt tình, sự thiếu kiên nhẫn và sự chống đối. Các văn bản và thỏa thuận quan trọng giữa các Giáo hội đã được ký kết, giúp làm rõ những gì là chung và những khác biệt được coi là chia rẽ.

Mối quan hệ giữa các Giáo hội đang phát triển, các cuộc đối thoại ngày càng sâu sắc, dần dần vượt qua những nghi ngờ và những biếm họa.

Hiệp thông như thế nào?

Trong cuộc dấn thân cho đại kết như thế, trước hết việc cầu nguyện và sám hối, công tác học hỏi nghiên cứu, đối thoại và hợp tác có một tầm quan trọng hàng đầu. Cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ, soi sáng cho mọi Giáo hội nhận ra mình là anh em, trong cùng một niềm tin vào Chúa Kitô, tất cả nằm trong thân thể mầu nhiệm. “Tình cảnh này đòi hỏi mọi người phải nỗ lực hoạt động cho đại kết để có được niềm hiệp thông trọn vẹn trong mối hiệp nhất của Giáo Hội: mối hiệp nhất này “Đức Kitô đã ban cho Giáo Hội của Ngài ngay từ buổi đầu. Chúng tôi tin rằng nó vẫn tồn tại không mất mát ở trong Giáo Hội Công Giáo, và chúng tôi hy vọng rằng càng ngày nó càng lớn lên cho đến hồi thế mạt” (Décr. Unitatis redintegratio, n. 4/c.)”. (Thư gửi các Giám mục của Giáo hội Công giáo, số 18).

Nhưng phải giải quyết các trường hợp khác nhau của các Giáo hội khác nhau:

- Những Giáo Hội tuy đã tách khỏi Tòa Thánh Phêrô, nhưng vẫn liên kết với Giáo hội Công Giáo bằng những mối dây rất chặt chẽ, chẳng hạn như là thể chế kế nhiệm tông truyền và Bí tích Thánh Thể thành sự.

- Ngược lại, có những cộng đồng Giáo hội đã không duy trì thể chế kế nhiệm tông truyền, cũng chẳng bảo toàn cho Bí tích Thánh Thể thành sự.

Thật khó xử lý vụ việc này, nhưng vẫn còn niềm hy vọng nếu các Giáo hội đều tin nhận rằng: Giáo hội tiếp tục công việc của Chúa Kitô. Nếu Giáo hội tập hợp trong một Công đồng Đại kết, thì đó là dưới tư cách là Giáo hội của Chúa Kitô. Ngày nay, cũng như vào thời điểm được thành lập, Giáo hội là một với Chúa Kitô. Giáo hội là Chúa Kitô tiếp nối; Giáo hội là thân thể mầu nhiệm mà Chúa Kitô là người đứng đầu. Với Giáo hội và qua Giáo hội, Đấng Cứu Thế tiếp tục sứ mệnh mà Chúa Cha đã giao phó cho Người. Giáo hội không có sứ mệnh nào khác phải hoàn thành ngoài sứ mệnh của Người sáng lập và lãnh đạo của Giáo hội và chính để thực hiện sứ mệnh này mà Giáo hội đã được thành lập. Hiệp thông giữa các Giáo hội dẫn đến việc thực hành sứ mệnh mà Chúa Kitô giao phó cho Giáo hội của Ngài ở trần gian, và như thế hy vọng có một kết quả tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Kết luận

Mượn Thư gửi các Giám mục của Giáo hội Công giáo số 17 như là kết luận của vấn đề “Vì nhiều lý do, Giáo Hội thâm tín rằng mình có liên hệ với những người đang mang danh hiệu Kitô hữa cao đẹp bởi đã lãnh nhận phép rửa, tuy không tuyên xưng đức tin trọn vẹn hoặc không giữ mối liên kết hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô” (Const. Lumen gentium, n. 15.). Thực vậy, trong các Giáo Hội và các cộng đồng Kitô không Công giáo, còn tồn tại nhiều thành tố của Giáo hội Đức Kitô, qua đó chúng ta có thể vui mừng và hy vọng nhận ra một hình thức của hiệp thông, cho dù là chưa hoàn hảo (Cf. Sắc lệnh về Đại Kết Décr. Unitatis redintegratio, nn. 3/a et 22. Const. Lumen gentium, n. 13/d.). Xin Chúa chúc lành cho công việc Đại kết này.


Vĩnh Long ngày 20 tháng 11 năm 2023

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

   Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

285    16-12-2023