Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Lời Chủ Chăn: Hiệp thông không giới hạn

ducchapherohuynhvanhai123456789101112123


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần XI, sẽ nói về Hiệp thông không Giới hạn được trích trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nói đến từ ngữ Hiệp thông, chúng ta liên tưởng đến một điều gì đó bao gồm những cái khác. Mối liên hệ huynh đệ giữa các Kitô hữu với nhau dựa trên sự củng cố một sự hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chứa. Toàn bộ những mối liên hệ hỗ tương, những mối liên hệ vô hình và hữu hình, nội tâm và xã hội làm nên sự sống của Giáo Hội trên mặt đất này. Và dĩ nhiên, sự hiệp thông này không giới hạn, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo. Hiệp thông như thế sẽ mang lại lợi ích gì? Chúng ta thực hiện như thế nào?

1. Lợi ích là Chứng nhân của Chúa Giêsu

Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Tư tưởng đáng quan tâm là việc Chúa sai phái các tông đồ đi giảng đạo. Ngài sai họ đi trên vạn nẻo đường thế gian, ban cho họ nhiều quyền năng để rao giảng tin mừng: truyền giáo. Chúa Giêsu đã hy sinh chính mình, dám hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc tất cả mọi loài thọ tạo, chớ không chỉ giới hạn ở một số người được dịp mai, như chúng ta nghe thánh Marcô diễn tả... “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). 

Trong lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta ghi nhận một sự kiện, khi Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng giao phó thì từ giả các Tông đồ để về nhà Chúa Cha. Đồng thời chúng ta cũng ghi nhận sự kiện khác là chúng ta phải ra đi, nghĩa là chúng ta tiếp nối ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã đốt và truyền lại cho các Tông đồ của Ngài.

Giống như các Tông đồ, chúng ta không ra đi một mình, nhưng luôn có Chúa hiện diện với chúng ta. Chúa hiện diện với chúng ta không phải bằng thân xác phàm trần, nhưng Ngài luôn luôn hiện diện với chúng ta qua GH: qua các Bí tích, qua Lời của Ngài, qua những người nghèo, qua các cộng đoàn hợp lại nhân danh Ngài. Hơn nữa, sức mạnh của Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta, đi trước và trợ giúp chúng ta khi chúng ta đứng trước thế giới của những con người không có đủ thời giờ để thờ phượng Thiên Chúa.

- “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”, lời nói đó còn có nghĩa cho thế hệ hôm nay hay không? Một cách tổng quát, và tùy theo hoàn cảnh sống, thì đây là vấn đề khẳng định niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu. Xác tín đó nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta đừng sợ phải đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, tham dự các Bí tích, tham dự các buổi cầu nguyện hay mang cây thánh giá trên người hay đặt cây thánh giá trên các phương tiện của chúng ta (nếu có).

- Làm chứng nhân của Chúa Giêsu sẽ là sự dấn thân trong việc bảo vệ đức tin, nhân danh Phúc âm, bảo vệ quyền lợi cho những người bất hạnh và rộng rãi hơn nữa, bênh vực công bình xã hội;

- Làm chứng nhân của Chúa Giêsu là sống những giá trị Phúc âm một cách khiêm nhường, giống như các vị Thánh đã thực hiện : sống mến Chúa và yêu thương người (x. Mt 22, 37-40).

- Làm chứng nhân của Chúa Giêsu, không phải chỉ đơn giản là biết Phúc âm, hay loan báo phúc âm suông, nhưng nhất là còn phải đưa sứ điệp Phúc âm vào trong những hoàn cảnh sống khác nhau của cuộc sống cá nhân và những hoàn cảnh sống khác nhau cuộc sống cộng đồng xã hội. Cho nên, chúng ta nên ý thức rằng, chúng ta không bao giờ chấm hết việc khám phá, việc sống và làm cho sống những giá trị Phúc âm của Chúa.

Sau này, trong Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2022 Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Anh Em Sẽ Là Chứng Nhân Của Thầy, số 2: “Giáo Hội của Chúa Kitô sẽ tiếp tục “ra đi” hướng tới những chân trời địa lý, xã hội và hiện sinh mới, hướng tới những nơi chốn “biên giới” và những hoàn cảnh ngoại vi của con người, để làm chứng cho Chúa Kitô và tình yêu của Người trước những người nam nữ của mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và địa vị xã hội”.

2. Lợi ích kế tiếp là để mọi người có thể nhận biết Chúa Giêsu

Trung thành noi gương Thầy mình, Hội Thánh hôm nay tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi. “Niềm vui của Tin Mừng được dành cho mọi người: không thể loại trừ ai. Đó là điều thiên sứ đã công bố cho các mục đồng tại Bêlem: “Anh em đừng sợ; vì này, tôi đem đến cho anh em một tin vui trọng đại cho toàn dân” (Lc 2:10). Sách Khải Huyền nói về một Tin Mừng muôn thuở được công bố cho những người cư ngụ trên trái đất, cho mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ, mọi bộ tộc và mọi dân tộc (x. Kh 14, 6)” (Evangelii Gaudium 23).

3. Phương tiện hiệp thông là đến với người nghèo, sống với người nghèo

Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) từ số 186 đến 216, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ dẫn chúng ta phương tiện để hiệp thông không giới hạn. Đó là chúng ta phải đi đến với tất cả mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, văn hóa và màu da, nhưng ở đây điều mà chúng ta nhấn mạnh, đó là việc chúng ta đến với người nghèo. Chúa Giêsu từ lúc sinh ra đến lúc chết đều đồng hóa mình với người nghèo “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (x. Phil. 2, 6-8). Lúc ra đi giảng dạy, Ngài luôn luôn lưu ý đến người nghèo, người bị xã hội tôn giáo thời đó bị bỏ rơi “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18). Chúa Giêsu hòa mình với hết mọi người: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết” (Lc 21, 1-3) hay “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…” (Mt 25, 35-36). Ngài chưa bao giờ tỏ ra thái độ khinh thường những người nghèo khổ, hay những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Rất nhiều câu chuyện về Chúa Giêsu với người nghèo, ở đây, đơn cử câu chuyện Chúa Giêsu dùng bữa ở nhà người Pharisêu “Người phụ nữ tội lỗi đến…” (x. Lc 7, 36-50) bà đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều. Chúa Giêsu còn lưu ý: “người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12, 1-11).

Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu nói rõ sự hiệp thông không giới hạn: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21) : Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ tin vào Người nhờ lời rao giảng và giáo huấn của các môn đệ, nghĩa là Chúa cầu nguyện cho hết mọi thành phần trong Hội Thánh. Mục đích Chúa Giêsu cầu nguyện là để mọi người tin vào Chúa Giêsu được hiệp thông với nhau. Chính sự hiệp thông này là sức mạnh và có tính thuyết phục thế gian tin và nhận biết Chúa là Đấng Cứu Thế.


Vĩnh Long ngày 20 tháng 10 năm 2023

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

   Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

324    18-11-2023