Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long.
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần X, sẽ nói đến Hội đồng Mục vụ - Ban Quới chức Tham gia, được trích trong Bộ Giáo Luật 1983, Sắc Lệnh về Tông đồ Giáo dân, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng hội đồng Giám mục 17.10.2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành và Tính Hiệp Hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.
Giáo xứ nơi phát sinh Hội đồng Mục vụ.
Mỗi Giáo phận được chia thành nhiều Giáo xứ. Các giáo xứ này tạo thành các cộng đồng giáo luật cơ bản trong Giáo phận. Giáo luật định nghĩa giáo xứ là: “§1. Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được uỷ thác cho cha sở như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục Giáo phận” (SC 42 ; LG 26 ; CD 30 ; AA 10 ; AGD 37) (x. Bộ Giáo Luật 1983, điều 515). Chỉ một mình Giám mục Giáo phận thành lập, bãi bỏ hoặc quy tụ các giáo xứ trong Giáo phận của mình.
Thông thường, giáo xứ có tính lãnh thổ, nghĩa là tập hợp các tín hữu của một lãnh thổ cụ thể; nhưng Giám mục có thể thành lập các giáo xứ tòng nhân, nghĩa là được xác định không phải bởi lãnh thổ mà bởi tính chất của những người mà họ được mời gọi quy tụ lại (theo nghi thức, hoặc theo ngôn ngữ, hoặc theo quốc tịch riêng biệt nào đó, v.v.).
Giáo xứ xuất hiện rất sớm ở xứ Tây Âu thuộc La Mã, khoảng thế kỷ thứ IV. Các giáo xứ nông thôn đang bắt đầu nhân lên, nên Giám mục bổ nhiệm các linh mục thường xuyên đến, bởi vì trước đây và cho đến lúc đó, toàn bộ đời sống của Giáo hội địa phương đều tập trung tại trung tâm của Giáo phận (Giám mục đặt tên, khánh thành, đồng tế với các linh mục của mình, giảng dạy, v.v.). Chỉ từ sau Công đồng Trentô vào thế kỷ XVI mới dành cho các Giám mục nghĩa vụ chia Giáo phận của các ngài thành các giáo xứ một cách có hệ thống.
Theo cách tổ chức của Giáo hội Công giáo, giáo xứ được Giám mục ủy thác cho một linh mục (cha sở). Tùy thuộc vào quy mô của giáo xứ và nguồn lực giáo sĩ của Giáo phận, vị linh mục này có thể được hỗ trợ bởi một hoặc nhiều cha phó.
Kế đến, trong hầu hết các giáo xứ, giáo dân ngày nay góp phần rất lớn, không chỉ về mặt vật chất hay hành chính, mà ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc sinh động mục vụ. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực dạy giáo lý; nhưng điều nầy cũng có ở trong các lĩnh vực phụng vụ và cầu nguyện cộng đồng, chuẩn bị rửa tội và hôn nhân, dự tòng, đào tạo người trưởng thành, trợ giúp thiêng liêng cho người bệnh và người già, gặp gỡ những người không sống đạo, nguội lạnh và không tin, nhưng cũng không quên các hoạt động bác ái đa dạng và phong phú.
Tổ chức Hội đồng Mục vụ
Sự tham gia của giáo dân ngày càng nhiều hơn ở cấp độ định hướng chung cho chính việc chăm sóc mục vụ giáo xứ, từ đó thành lập Hội đồng Mục vụ. Hội đồng Mục vụ tập hợp giới giáo sĩ giáo xứ và đại diện giáo dân, do cha sở chủ trì, xem xét các nhu cầu loan báo Tin Mừng trong lãnh thổ giáo xứ và các phương tiện đáp ứng các nhu cầu đó.
Công đồng Vatican II khuyên thực hiện việc thành lập nầy: “Những hội đồng như thế, nếu có thể, cần được thành lập ở cấp giáo xứ, liên giáo xứ và liên Giáo phận, thậm chí cả đến cấp quốc gia và quốc tế nữa” (Sắc Lệnh về Tông đồ Giáo dân, số 26). Bộ Giáo luật năm 1983, điều 511-514 đã chính thức hóa sự có mặt của Hội đồng Mục vụ: “Theo mức độ mà hoàn cảnh mục vụ khuyên, trong mỗi Giáo phận nên thiết lập một Hội đồng Mục vụ; Hội đồng này, dưới quyền Giám mục, nghiên cứu và thẩm định những gì liên quan tới hoạt động mục vụ trong Giáo phận, rồi đưa ra những kết luận thực tiễn” (CD 27 ; AGD 30 ; PO 7 ; CIO 272).
Hội đồng Mục vụ chủ yếu bao gồm giáo dân, chịu trách nhiệm đại diện cho toàn bộ “Dân Chúa” trong Giáo phận. Các thành viên của Hội đồng Mục vụ thường được lựa chọn sao cho phù hợp với các lĩnh vực địa lý khác nhau, các điều kiện xã hội khác nhau và các hoạt động tông đồ khác nhau của Giáo phận. Hội đồng Mục vụ cân nhắc các vấn đề liên quan đến việc loan báo Tin Mừng của Giáo phận, từ đó thiết lập mối liên hệ hiệu quả giữa người đứng đầu Giáo phận và các Kitô hữu tham gia vào các điều kiện sống hàng ngày (gia đình, nghề nghiệp, hoạt động xã hội, hiệp hội, v.v.) và các tổ chức Giáo hội thực hiện hoạt động tông đồ ở đó.
Hơn nữa, Bộ Giáo luật quy định cơ chế ở mỗi giáo xứ là một Hội đồng phụ trách các vấn đề kinh tế, được điều hành bởi các quy tắc do Giám mục thiết lập, và trong đó giáo dân hỗ trợ linh mục quản xứ trong việc quản lý vật chất và tài chính của giáo xứ: “§1. Trong mỗi Giáo phận phải thiết lập một Hội đồng kinh tế mà chủ tịch là chính Giám mục Giáo phận hoặc là người được ngài uỷ nhiệm; Hội đồng này gồm ít nhất là ba Kitô hữu thực sự thông thạo trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong luật dân sự và nổi tiếng là thanh liêm, do Giám mục bổ nhiệm” (x. Bộ Giáo Luật 1983, điều 492).
Một Hội đồng Mục vụ như thế không chỉ có tiếng nói tư vấn cho linh mục chủ chăn, nhưng kinh nghiệm còn cho thấy Hội đồng Mục vụ còn có khả năng khơi dậy nhiều sáng kiến và cộng tác với chủ chăn để chu toàn các việc tông đồ trong giáo xứ.
Công việc của Hội đồng Mục trong việc Tham gia: Lắng nghe
Trong tinh thần của một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ, thì trước hết và trên hết, tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện máy móc cứ thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận, nhưng là việc lắng nghe. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là biện phân, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật biện phân cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì mà Chúa đang nói với chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe là:
- Lắng nghe Thiên Chúa: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân Ngài; lắng nghe Dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó” (Phanxicô, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng hội đồng Giám mục 17.10.2015).
- Lắng nghe mỗi người: “Lắng nghe các anh chị em của chúng ta nói về hy vọng của họ và về những khủng hoảng đức tin hiện diện ở những nơi khác nhau trên thế giới, về nhu cầu canh tân của một đời sống mục vụ và về những tín hiệu mà chúng ta đang nhận được từ những người trên mặt đất” (Phanxicô, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng hội đồng Giám mục 17.10.2015).
Lắng nghe mọi người và mỗi người, bằng cách học hỏi từ người khác, chúng ta có thể phản ánh tốt hơn thực tại muôn mặt tuyệt vời mà Hội thánh của Đức Kitô đã được tiền định để trở thành (x. Cẩm Nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành).
Tham gia chính của Hội đồng Mục vụ là dự phần vào công việc của từng xóm giáo, của các hội đoàn… Điều kiện tốt để tham gia là phải biết lắng nghe. Biết lắng nghe mới hiểu việc mình sắp làm là gì, làm như thế nào để mang lại hiệu quả tốt. Lắng nghe là để hiểu nhau, điều chỉnh thái độ làm việc và để cùng nhau thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Hiểu nhau là một trong những vấn đề lớn của sinh hoạt Hội đồng Mục vụ. Bất đồng, xung đột, cãi vã xảy ra là vì chưa hiểu nhau, vì thế buổi gặp gỡ không đạt kết quả và sứ vụ không hoàn thành. Để hiểu nhau phải có lắng nghe, lắng nghe cách chân thành và tôn trọng: tôn trọng người nói và người nghe.
Lắng nghe và Hiểu nhau sẽ giúp các thành viên biết điều chỉnh thái độ của mình trong khi làm việc chung với nhau. Chú ý lắng nghe là dấu hiệu tốt cho việc hiểu nhau và đi đến một cam kết dấn thân làm việc chung.
Lắng nghe Chúa, Lắng nghe nhau thì mọi sự sẽ thành đạt. Chúc mọi sự tốt đẹp, gặt hái nhiều thành công theo thánh ý của Chúa.
Vĩnh Long, ngày 20 ngày 9 tháng 2024.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long
793 25-09-2024